Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: 17 năm vật vã với 4,5 km đường
Gia Huy - 08/12/2017 08:45
 
Trong suốt 17 năm qua, đoạn đường 4,5 km nối TP.HCM với Bình Dương vẫn chỉ là những nét vạch đứt quãng, người dân sống hai bên đường chìm trong khói bụi của dòng xe kẹt cứng từ sáng đến đêm mỗi ngày.
TIN LIÊN QUAN

Liên tục đổi chủ và đội vốn

Quốc lộ 13 bắt đầu từ quận Bình Thạnh, chạy ngang bến xe Miền Đông nối vào tỉnh Bình Dương thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (Dự án Bình Triệu 2). Dự án có 2 giai đoạn: xây mới cầu Bình Triệu 2 và cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 10,6 km, trong đó có 4,5 km thuộc quốc lộ 13, tiếp giáp tỉnh Bình Dương, từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi. Quốc lộ 13 là một trong những cửa ngõ nối TP.HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên. 

Tuyến đường Quốc lộ 13 luôn trong cảnh kẹt cứng kéo dài suốt 17 năm qua. Ảnh: Gia Huy
Tuyến đường Quốc lộ 13 luôn trong cảnh kẹt cứng kéo dài suốt 17 năm qua. Ảnh: Gia Huy

Với tính chất quan trọng như vậy, ngày 23/10/2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 969/CP - CN, cho phép Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tài liệu từ Sở Giao thông  - Vận tải TP.HCM cho thấy, sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư tiến hành phương án xây dựng, với số vốn bước đầu là 341 tỷ đồng. Ngày 3/2/2001, công trình chính thức khởi công và theo dự kiến, sẽ được đưa vào sử dụng sau 30 tháng tính từ ngày khởi công.

Tuy nhiên, tới tháng 7/2004, Dự án mới chỉ xây dựng được cầu Bình Triệu 2. Tuyến Quốc lộ 13 thì chưa thể xây dựng, mà theo lý do được Cienco 5 đưa ra, là “phải tính toán lại mức đầu tư, bởi tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã bị đội lên khá cao”. Theo tính toán của nhà đầu tư, vốn đầu tư phải lên tới mức hơn 1.200 tỷ đồng, thay vì con số 341 tỷ đồng ban đầu. Trước thực trạng trên, chủ đầu tư không thể thực hiện nên xin trả lại Dự án cho TP.HCM.

Sau bước “đột phá vốn”, Dự án được UBND TP.HCM chuyển cho Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM làm chủ đầu tư và cũng vì thế, Dự án được thay đổi hình thức đầu tư, từ BOT sang đầu tư bằng nguồn ngân sách Thành phố và hoàn vốn bằng thu phí.

Ngoài đổi chủ đầu tư, UBND TP.HCM cũng thay đổi thiết kế của Tuyến đường. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi dài hơn 4,5 km sẽ được xây dựng có mặt cắt ngang là 53 m, thay vì 32 m như thiết kế ban đầu. Với những thay đổi đó, tổng mức đầu tư cho Dự án tăng lên thành 1.692 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù giải tỏa là 1.285 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2006.

Nhưng, gần tới thời hạn hoàn thành, khối lượng thực hiện của Dự án vẫn chưa được là bao, để rồi, cuối năm 2005, UBND TP.HCM lại quyết định, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) sẽ thay Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư.

Có mặt tại tuyến đường Quốc lộ 13, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận sự nhếch nhác của điểm nóng kẹt xe này, đặc biệt, tuyến đường này hiện còn được xếp vào diện điểm nóng của ngập nước tại TP.HCM.

 Ông Từ Văn Bắc, 63 tuổi, một hộ dân sống tại tuyến đường Quốc lộ 13 cho biết, tới thời điểm này, ông và hàng trăm hộ dân tại đây cũng không thể biết bao giờ Dự án mới tiếp tục triển khai, ngay cả việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng không ai được biết.

Hiện nay, chỗ nào mặt đường xuống cấp thành ổ voi thì được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM vá lại, nhưng vì tuyến đường quá nhỏ, mà lượng xe lưu thông lớn nên luôn kẹt cứng từ sáng đến đêm.

“Nhà xuống cấp, chúng tôi cũng không dám xây dựng hay sửa chữa vì nằm trong quy hoạch, mưa hay thủy triều lên thì cả tuyến đường thành sông… Cuộc sống người dân tại tuyến đường này vô cùng khổ cực”, ông Bắc nói.

Tương lai mịt mù

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2017 diễn ra tại UBND TP.HCM mới đây, khi được hỏi về tương lại Dự án Quốc lộ 13, đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, Dự án vẫn còn nhiều điểm nghẽn, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất… là vốn.

“Do tính chất quan trọng, nên Dự án đang được UBND TP.HCM quan tâm đặc biệt, vì vậy, có thể, Dự án sẽ được tái khởi động vào năm 2018”, đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nói.

Đại diện cho chủ đầu tư Dự án, ông Dương Quang Châu, Giám đốc CII cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với Dự án là vốn đầu tư đã tăng lên rất nhiều lần so với ban đầu, trong khi nguồn ngân sách của TP.HCM lại đang chật vật vì có khá nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như Vành đai 2, 3, 4 đang chờ vốn.

Một khó khăn nữa cho chủ đầu tư là, việc đền bù giải phóng mặt bằng rất nan giải, đặc biệt, do thời gian thực hiện bị kéo quá dài, phần vốn đền bù đã tăng lên cả chục lần so với những dự toán ban đầu.

“Số vốn cho Dự án đã tăng gấp 15 lần so với ban đầu. Năm 2016, số vốn đền bù đã lên tới hơn 5.500 tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, làm sao, ngân sách Thành phố có đủ để cấp cho Dự án”, ông Châu cho biết.

Trước thực trạng trên, CII đề nghị… lại thay đổi thiết kế Dự án! Theo đó, thu hẹp mặt đường từ 53 m như thiết kế lần thứ hai xuống còn 42 m. Việc hạ thấp quy mô sẽ khiến diện tích phải thu hồi sẽ giảm theo và số vốn cho đền bù theo đó cũng giảm còn 3.182 tỷ đồng.

Dù đã giảm đáng kể, nhưng với số vốn đã “co lại” đó, theo ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, ngân sách Thành phố vẫn không kham nổi.

Ngoài nỗi cơ cực của những người dân dọc theo tuyến đường, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản trên tuyến đường này cũng đã phải chịu hệ lụy không hề nhỏ.

Đại diện một chủ đầu tư dự án bất động sản lớn nhất tại tuyến Quốc lộ 13 cho biết, Dự án của ông có từ trước năm 2010, với 5 giai đoạn, nhưng tới nay vẫn chỉ phát triển giai đoạn 1; 4 giai đoạn còn lại phải chờ Dự án Quốc lộ 13.

Ngoài ra, ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương cho biết, nhiều dự án bất động sản của Bình Dương bị ảnh hưởng bởi sự bất động của Dự án Quốc lộ 13. Theo ông Thạch, do là tuyến đường gần nhất nối Bình Dương với TP.HCM, nên hầu hết lượng khách hàng là người dân TP.HCM đã quay lưng với Bình Dương. “Đó là nguyên nhân lớn khiến thị trường bất động sản các tỉnh khác sôi động, trong khi Bình Dương vẫn trong trạng thái “ngủ đông”, ông Thạch nhận xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư