Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao, rủi ro không nhỏ
V.Linh - 19/06/2019 14:58
 
Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp liên tục phát hành khối lượng trái phiếu lớn với lãi suất cao. Song để tránh những rủi ro không đáng có khi đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.
.
Để tránh rủi ro khi đầu tư trái phiếu, nên chọn trái phiếu của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.

Tiếp tục sôi động

Trái phiếu doanh nghiệp được dự báo tiếp tục sôi động trong năm 2019, khi những tháng đầu năm, các doanh nghiệp liên tục phát hành khối lượng trái phiếu lớn, với lãi suất cao gấp đôi so với lãi suất ngân hàng. Chỉ trong chưa đầy 2 quý đầu năm nay, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố phát hành trái phiếu 4 đợt với lãi suất cao nhất lên đến 14,45%/năm. Trái phiếu của PDR là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền.

Mới đây nhất, đầu tháng 6/2019, PDR đã thông qua việc phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, dự kiến thực hiện trong quý II hoặc III/2019. Lãi suất trái phiếu kỳ này là 14%/năm với kỳ hạn một năm kể từ ngày phát hành.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PDR cho biết, Công ty có các dự án cần dòng tiền nhanh. Mức lãi suất trái phiếu 14,45% chưa phải là cao nếu nhìn vào hiệu quả đầu tư. Số tiền huy động cho dự án có thể đem lại lợi nhuận cao hơn. Việc phát hành trái phiếu giúp dòng tiền của PDR quay nhanh, không phức tạp như vay ngân hàng.

Đến hết quý I/2019, báo cáo tài chính hợp nhất của Novaland cho thấy, tại ngày 31/3/2019, Tập đoàn có 2.921,84 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 9.282,75 tỷ đồng trái phiếu dài hạn trên tổng số 48.911 tỷ đồng nợ phải trả, gồm 9.636 tỷ đồng vay ngắn hạn và 16.425 tỷ đồng vay dài hạn.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền vừa phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dẫn đầu lượng phát hành với 1.460 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 1 - 3 năm, lãi suất 9,5 - 11,3%/năm.

Lãi suất cao, rủi ro không nhỏ

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Hải Hải (MBS), từ đầu năm đến nay, có trên 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm đến 82%.

So với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay từ 4 - 5,5%/năm với kỳ hạn ngắn và 8-8,9%/năm với kỳ hạn dài, thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 2 - 3 lần và cao hơn lãi suất vay vốn ngân hàng khoảng 2 - 3%/năm. Đây là điểm hấp dẫn người mua trái phiếu.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn nhỏ và chưa thực sự thu hút được nhiều người tham gia mua. Thực tế, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành hiện chỉ thuộc về một vài công ty lớn và người mua trái phiếu chủ yếu từ các ngân hàng.

Theo báo cáo của VCBS, điểm tích cực là sở hữu trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển dịch dần qua các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Năm 2018, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/trái phiếu chính phủ phát hành mới đạt 0,93 lần, tức gần tương đương nhau, trong khi năm 2017 chỉ là 0,47 lần.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, để tránh rủi ro khi đầu tư trái phiếu, nên chọn trái phiếu của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường. Khi mua trái phiếu, cái mà nhà đầu tư đang thực sự mua là một tờ giấy chứng nhận nợ. Trái phiếu doanh nghiệp không được bảo đảm vô điều kiện bởi tín dụng của Chính phủ, mà phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ của công ty. Nhà đầu tư cần xem xét khả năng vỡ nợ của công ty phát hành và tính đến rủi ro này khi quyết định đầu tư.

Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư