Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Trận đánh lớn của Chủ tịch FECON
 
Bất động sản, với cứ điểm Phú Quốc có thể là tâm huyết mới bên cạnh lĩnh vực cốt lõi của doanh nhân Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (FCN).
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Quỹ đầu tư Vault Investment và FECON
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Vault Investment và FECON

Đảo Ngọc vẫy gọi

Sự kiện FECON cùng Quỹ đầu tư VAULT thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Công viên thể thao giải trí Hồ Suối Lớn tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra đầu tháng 8 được giới đầu tư chú ý.

Hai bên dự kiến sẽ đầu tư Dự án phát triển khu công viên thể thao giải trí phức hợp tại trung tâm đảo Phú Quốc với diện tích gần 175 ha. Khu công viên sẽ bao gồm các loại hình thể thao khá mới lạ tại Việt Nam như trường đua ngựa, đường đua xe công thức 1 (loại hình xe điện), trường bắn súng thể thao, khu thể thao dưới nước… Tại dự án này, FECON sẽ là đối tác phát triển dự án tại địa phương còn VAULT đóng vai trò là nhà đầu tư tài chính cùng với các nhà quản lý khai thác chuyên nghiệp trên thế giới. Tổ hợp nhà đầu tư sẽ trình Đề án lên Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc và UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất (dự kiến là vào tháng 11/2015).

Trước khi sự kiện này diễn ra, một số cổ đông của FECON đã truyền tai nhau thông tin ông Khoa và FECON đã quyết định mua vài ha đất mặt biển, có vị trí rất đẹp tại Phú Quốc.

Ở thời điểm này, ông Khoa nói với ĐTCK rằng chưa thích hợp để ông chia sẻ nhiều về tâm huyết đầu tư vào đảo Ngọc, song không ít cổ đông của FECON kỳ vọng rằng, với sức trẻ và cách làm bài bản, đây sẽ là trận đánh lớn của FECON và đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và cổ đông của Công ty.

Trên thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây, Phú Quốc đã trở thành điểm nóng đầu tư. Đảo Ngọc những ngày này không khác gì một đại công trường với hàng loạt dự án của các tập đoàn tư nhân lớn nhất cả nước. Đầu tư vào Phú Quốc được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, đơn cử miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị hình thành tài sản cố định; Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, 4 năm tiếp theo giảm 50%... Đồng thời, đảo Ngọc còn được quy hoạch và có khả năng trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam trong tương lai không xa, khiến cho sức hấp dẫn của nó càng tăng nhiệt.

Cho đến thời điểm này, hầu hết các dự án lớn triển khai tại đây đều do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện, bóng dáng của các nhà đầu tư nước ngoài khá khiêm tốn. Bới vậy, dự án mà ông Khoa và FECON đang tập trung xúc tiến có thể trở thành điểm nhấn tiên phong trong bức tranh đầu tư tại Phú Quốc. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất là quốc gia phát triển ở khu vực Trung Đông, có nhiều kinh nghiệm về việc lập quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện đại. Hiện UAE, với tên tuổi của Dubai là một trong những trung tâm tài chính và là thiên đường du lịch và mua sắm của thế giới. Những thiết kế đặc biệt, những cách làm hiện đại tại thành phố Dubai nếu được áp dụng sáng tạo tại Phú Quốc hứa hẹn sẽ tạo ra những điểm nhấn cho hòn đảo xinh đẹp này.

Thuận lợi song ông Khoa cũng phải đối mặt với thách thức bởi đối tác là Quỹ đầu tư sẽ rất trọng khả năng sinh lời của dự án, họ có thể tạo ra áp lực lớn để dễ dàng thoái vốn khi có khả năng đạt lợi nhuận cao.

.
Doanh nhân Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON

Giấc mơ dẫn đầu

Một lãnh đạo TCT Licogi, nơi trước đây ông Khoa đầu quân, nhận xét rằng, đây là một doanh nhân rất năng động. FECON dưới sự chèo lái của ông Khoa đã vươn lên trở thành một đối thủ đáng gờm của Licogi và có khả năng phát triển nhanh hơn nữa, tất nhiên đi kèm với nó là sự chủ động và cơ chế thông thoáng của mô hình CTCP đem lại. 

Ông Khoa đề ra chiến lược đến năm 2020 FECON trở thành nhóm công ty hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực tự thân, FECON sử dụng M&A như một bàn đạp để tăng tốc. Cho đến nay, FECON đã đầu tư vào 10 công ty  và công ty liên kết để chủ động chuẩn bị mạnh mẽ các nguồn lực cho những công trình lớn, dự án lớn. Đơn cử, các khoản tư mới trong năm 2014 mà ông Khoa quyết định như Tedi, FCC, FCM đều nhằm tạo ra năng lực cho nhóm công ty. Chẳng hạn với Tedi, Công ty đang sở hữu 25,76% vốn điều lệ, Tedi đang là doanh nghiệp hàng đầu về tư vấn thiết kế ở Việt Nam với thị phần khoảng 50%. Ngoài việc đầu tư, FECONcó thể đưa công nghệ mà doanh nghiệp quan tâm vào ngay từ giai đoạn thiết kế.

CTCP Đầu tư hạ tầng FCC là doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý  và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Nam theo hình thức hợp đồng BOT…

Hay FECON đã bỏ ra 70 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Cienco 1 với mục đích tích hợp nguồn lực của Cienco 1 để tham gia vào các dự án lớn. FECON hiện cùng Cienco 1 tham gia dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, cầu Bạch Đằng ở Hải Phòng. Tại Cienco 1, nhà nước đã thoái hết vốn, FECON có mối quan hệ tốt với các cổ đông lớn còn lại của Cienco 1 và có thể cùng với các cổ đông lớn này điều tiết hoạt động để tăng năng lực cho Cienco 1.

Chính phủ Việt Nam đã định hướng đầu tư mạnh và tạo điều kiện để phát triển hạ tầng, bởi vậy tiềm năng của thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực công trình ngầm, cảng biển, đường sắt, metro.. là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức với FECON không nhỏ.

Bên cạnh các đối thủ trong nước cũng đang đầu tư mạnh cho con người và công nghệ, FECON sẽ phải đối mặt với thách thức đến từ các đối thủ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Bỉ, Ý Hà Lan… Ở một lĩnh vực đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và chú trọng bảng thành tích từ các nhà thầu như vậy, áp lực cạnh tranh với những doanh nghiệp còn trẻ tuổi nghề như FECON là vô cùng lớn.

Cũng như những doanh nghiệp xây lắp khác, FECON có thời điểm khá đau đầu với bài toán công nợ. Tại ĐHCĐ 2015, cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo FECON về vấn đề công nợ cao, mức chi trả lãi vay lớn, đơn cử riêng cho phần trái phiếu chuyển đổi trong năm 2015 là khoảng 20 tỷ đồng, tương đương với 10% lợi nhuận trước thuế. Nguyên do là năm vừa qua, FECON đã phải ứng trước chi phí cho các công trình khá nhiều Một phần nguồn ứng trước được huy động từ ngân hàng do đó làm tăng chi phí tài chính. Để tập trung giải quyết công nợ, HĐQT Công ty đã phải chỉ đạo ông Trần Trọng Thắng, Tổng Giám đốc trực tiếp làm tổ trưởng tổ thu hồi công nợ, sát sao công tác này để thu về nguồn vốn cho công ty.

Bên cạnh lĩnh vực xây lắp hạ tầng và công trình ngầm, không phải đến giờ ông Khoa và FECON mới quan tâm đến lĩnh vực bất động sản. Trước đây, FECON đã thành lập Công ty TNHH đầu tư FECON để đầu tư và kinh doanh bất động sản, đầu tư xây dựng dự án. Có lẽ, chờ đến khi thiên thời, địa lợi, FECON mới bước chân sang lĩnh vực này. Ông Khoa sinh năm 1973, các cộng sự của ông trong Ban tổng giám đốc FECON đều thuộc thế hệ 7x, đã có nhiều trải nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đang còn sức trẻ, năng động tìm kiếm những cơ hội mới để có thể đưa doanh nghiệp tiến nhanh về phía trước.

FECON trúng thầu nhiều dự án mới với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng
Tin từ Công ty Cổ phần kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON cho biết, trong tháng 7/2015, FECON đã trúng thầu hàng loạt dự án mới với tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư