Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Trần Thị Thoa, đồng sáng lập mGreen: Phân loại rác bằng smartphone
Phương Anh - 02/11/2017 08:17
 
Điểm khởi đầu của Dự án mGreen là xây dựng thói quen phân loại rác cho người dân, hỗ trợ thu gom, xử lý rác tái chế thông qua ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh (smartphone). Nhưng dài hạn hơn, mục tiêu của Trần Thị Thoa và đội ngũ mGreen hướng đến là sự phát triển bền vững của các đô thị Việt Nam.

Đau đáu vì… rác

Kinh nghiệm 8 năm hoạt động xã hội khiến Trần Thị Thoa bị ám ảnh bởi các vấn đề môi trường, nhất là xử lý rác thải đô thị.

“Ai cũng biết cần phải phân loại rác thải để xử lý là cách để giảm thiểu các tác hại cho môi trường. Thế giới làm nhiều, nhưng sao các đô thị Việt Nam mãi chưa làm được”, Thoa tự hỏi.

.
Trần Thị Thoa, đồng sáng lập mGreen

Nỗi niềm này của Thoa nhận được sự đồng cảm của những du học sinh Việt Nam ở nhiều nước, những người thực sự cảm nhận thấy sự không thể chậm trễ hơn trong các giải pháp xử lý rác thải đô thị.

“mGreen thành lập với mục đích kêu gọi và thu gom rác tái chế ngay từ đầu nguồn. Chúng tôi tin sẽ làm được vì hiện giờ đã có công cụ”, Trần Thị Thoa nói. 

Công cụ mà Dự án mGreen đang dựa vào là ứng dụng công nghệ Mobile Coalition Loyalty do Công ty Media One phát triển, công nghệ được sử dụng trên điện thoại thông minh. Hộ dân tham gia Dự án sẽ được cung cấp thẻ tích điểm điện tử, thùng đựng rác tái chế.

Theo thỏa thuận, người dân được hướng dẫn cách nhận biết và phân loại rác tái chế vào thùng đựng. Đến khi đầy thùng, họ mở thẻ, nhấn nút gọi thông báo tới bên thu gom. Dựa trên lượng rác thải tái chế do bên thu gom sẽ xác định, cư dân sẽ được tích điểm thưởng vào thẻ hộ gia đình.

“Số điểm này được đổi thành quà qua ePoint - sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí. Đây chính là cách khuyến khích người dân chủ động phân loại rác”, người điều hành mGreen nói.

Hiệu quả lớn hơn mà mGreen mang lại chính là tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu nguồn - một trong những bài toán khó trong giải quyết vấn đề rác thải đô thị. Từ đó, giảm thiểu chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải.

Thuận lợi bước đầu

Được kỳ vọng là một trong những chìa khóa mở các nút thắt trong khó khăn của việc thu gom, xử lý rác thải đô thị hiện nay, nhưng mGreen và đội ngũ triển khai lại đối mặt với nhiều chướng ngại.

Đầu tiên là khó khăn trong việc thuyết phục tạo niềm tin về tính khả thi của dự án. Theo Trần Thị Thoa, nếu việc thuyết phục người dân tham gia dự án khó một, cho dù điện thoại thông minh đã phổ biến tới từng người trong các hộ gia đình ở đô thị, thì việc tác động đến quy định, cách thức thu gom rác của các công ty môi trường khó hơn nhiều lần.

Thứ hai và cũng là khó khăn lớn nhất là về nguồn vốn vận hành. Vì  hiện tại, dự án dựa vào nguồn vốn tài trợ và xã hội hoá, nên khá bấp bênh và khó chủ động trong phát triển.

Ngoài ra, khó khăn vì không có nơi tập kết rác tái chế sau khi thu gom, đợi xe tải đến giờ được phép vào nội thành vận chuyển cũng khiến đội triển khai Dự án vất vả. 

“Đã tìm nhiều cách, nhưng chưa có cách khắc phục. Tôi quyết định viết thư gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung để xin hỗ trợ”, Thoa kể.

Mọi việc dường như xoay chuyển khi ngay sau đó, Dự án nhận được sử ủng hộ của người đứng đầu UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung. “Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận Cầu giấy, Sở Thông tin - Truyền thông, Công ty Urenco họp với đội Dự án để nhân rộng mô hình triển khai”, Thoa vui mừng chia sẻ.

Hiện tại, mGreen đã nhận được sự hỗ trợ từ Ban Quản lý Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội, đang tiến hành thử nghiệm tại Toà nhà Diamond Tower, Spark Nam Cường. Trong thời gian tới, Dự án sẽ mở rộng sang các khu chung cư, đô thị lớn tại Hà Nội,TP. HCM, Đà Nẵng.

“Chúng tôi đang nỗ lực để trong 3 năm tới đưa mô hình mGreen triển khai trên cả nước”, đồng sáng lập mGreen Trần Thị Thoa kỳ vọng.

Chat với Trần Thị Thoa:

Vì sao tên Dự án là mGreen?

Xanh! Đó là điều chúng tôi mong muốn mang đến cho xã hội, đó là giá trị bền vững hơn cho từng người dân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng sáng lập của mGreen là?

Tiến sỹ công nghệ thông tin Bùi Thiên Hà, cũng là một nhà báo.

Đối tượng khách hàng Dự án hướng đến?

Các hộ gia đình, người dân, ban quản lý các tòa nhà, các đơn vị thu gom và xử lý rác thải.

Kế hoạch gọi vốn của Dự án?

Chúng tôi đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tên tuổi vốn dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội. Lúc này, chúng tôi rất cần sự chung tay để phát triển rộng khắp.

Thạc sỹ Thạch Lê Anh, nhà sáng lập VietNam Silicon Valley: Lửa đam mê chưa bao giờ nguội
Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) đã cần mẫn xếp từng viên gạch, thắp lửa từng ý tưởng kinh doanh. Đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư