Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tránh đem nhân sự "bỏ chợ" sau M&A
Anh Vũ - 24/10/2015 08:56
 
Trong một thương vụ M&A chưa hẳn nhân viên bên công ty đi mua sẽ tồn tại và nhân viên của công ty bị mua sẽ bị đẩy đi, mà nhà đầu tư sẽ chọn nhân sự nào biết mang tiền về cho họ nhanh nhất.
Bà Đinh Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Công ty Nội thất Kenli sẽ đóng vai trò CEO trong tình huống nàyn
Bà Đinh Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Công ty Nội thất Kenli sẽ đóng vai trò CEO trong tình huống tuần này

Theo Hãng tin Bloomberg, sự bùng nổ dữ liệu, cộng với sức ép của các nhà đầu tư được cho là những động lực lớn thúc đẩy xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành công nghệ thế giới tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Một số thương vụ M&A nổi tiếng trên thế giới trong thời gian qua cho thấy, thâu tóm và sáp nhập không phải là cách triệt hạ nhau, mà là cách để “nương nhau cùng vượt lũ” trong bối cảnh đầy khó khăn của thị trường.

Trong bối cảnh biến động mạnh trên thị trường công nghệ toàn cầu, Việt Nam cũng góp vài thương vụ dù ở quy mô nhỏ. Điển hình trong năm 2013, FPT đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia (đơn vị thành viên của Tập đoàn RWE). Theo thỏa thuận này, RWE IT Slovakia sẽ trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia. Đây là thương vụ M&A đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam nói chung.

Mới đây, một doanh nghiệp vừa hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm, vừa kinh doanh phần cứng tại Hà Nội đã quyết định bán toàn bộ mảng sản xuất, kinh doanh phần mềm (nhân sự, tài sản…) cho một doanh nghiệp cùng ngành nước ngoài. Việc đàm phán và ký kết đã xong và hai bên đang tiến hành các thủ tục chuyển giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sáp nhập đã nảy sinh một vấn đề nan giải.

Toàn bộ nhân viên của bộ phận doanh nghiệp được bán đi (mảng phần mềm) yêu cầu công ty phải ký cam kết không được đuổi việc họ trong vòng 5 năm tới, nếu không họ sẽ không hợp tác để tiến hành sáp nhập. Các nhân viên còn yêu cầu công ty cho biết tính chất công việc của họ sau khi làm việc trong công ty mới như thế nào. Mức lương và lộ trình tăng lương ra sao. Một số nhân sự chủ chốt còn yêu cầu công ty trả cho họ một phần tiền vì những năm tháng mà họ đã cống hiến và làm việc cho công ty này. Trước tình hình này, CEO đã có cuộc trao đổi với đại diện của các cán bộ nhân viên  công ty.

Theo CEO, công ty đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường do chuẩn bị hội nhập. Để bảo đảm sự sống của doanh  nghiệp, công ty đã phải bán đi mảng sản xuất - kinh doanh phần mềm này. Đây là một bước đi trọng yếu để bảo đảm sự tồn tại cho cả doanh nghiệp và người lao động.

“Những yêu cầu của người lao động đưa ra là quá sức đối với công ty. Bởi sau sáp nhập, công ty sẽ vận hành theo một cơ chế mới. Do đó, năng lực của ai đến đâu được hưởng đến đó, còn nếu năng lực yếu hoặc không phù hợp thì phải chấp nhận hưởng ít hoặc bị loại”, CEO nói.

Tuy nhiên, đại diện người lao động và công đoàn lại cho hay, toàn bộ cán bộ, nhân viên đã hợp sức và quyết tâm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng, nếu không họ sẽ nghỉ việc.

Sau một tuần bàn bạc căng thẳng, CEO và đại diện người lao động, công đoàn vẫn không tìm được tiếng nói chung để xử lý mâu thuẫn phát sinh trong thương vụ M&A này.

Thông thường, nhiệm vụ mà hai bên cần làm sau mỗi thương vụ M&A để phục vụ tốt nhất cho kế hoạch tăng trưởng gồm: nguồn lực về tài chính, phi tài chính như mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động, trong đó đặc biệt là nguồn nhân lực cho giai đoạn hậu sáp nhập để tránh tình trạng đem con bỏ chợ, gây tâm lý hoang mang cho nhân viên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, CEO cần công bằng cử ra một nhóm dự án M&A, bao gồm cả bên bán và bên mua để đánh giá năng lực nhân sự của cả hai.

Tuy nhiên, với chừng ấy yếu tố vẫn chưa đủ để CEO tự tin đưa ra quyết định cuối cùng. CEO đã tìm đến hai chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ là ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, nguyên Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT và ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam để nhờ tư vấn vào cuối tuần này.

Nội chiến sau M&A
Mua bán - sáp nhập (M&A) hiệu quả chưa bao giờ là việc dễ ngay cả với doanh nghiệp lớn, nên càng khó với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư