Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Góp ý dự thảo bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi):
Tranh luận quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự
Quang Hưng - 23/05/2015 11:45
 
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Tố tụng dân sự sửa đổi.
.
Đại biểu Phạm Văn Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Hàng loạt vấn đề mới của Bộ luật được Đoàn thư ký kỳ họp đưa ra để các đại biểu góp ý là: Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử, vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, quyền và nghĩa vụ của đương sự, tổ chức phiên họp ghi nhận việc tiếp nhận, bàn giao chứng cứ vụ án, việc tạm ngừng phiên tòa, thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, thẩm quyền xét xử của hội đồng giám đốc thẩm, việc công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện…

Theo đại biểu Phạm Văn Hà, tỉnh Nghệ An, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo tinh thần Hiến pháp mới (2013) là cần thiết, nhưng có nhiều nội dung quá mới, cần có thêm thời gian nghiên cứu, thảo luận để có kết quả chính xác. Chẳng hạn, khi có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tranh chấp dân sự, tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ kiện dân sự thì với biên chế và năng lực của đội ngũ thẩm phán hiện nay có giải quyết được hết không(?). Có những vụ việc, luật chưa có quy định, tòa vẫn phải thụ lý thì giải quyết như thế nào. Án lệ chưa được tòa tối cao ghi nhận thì thực hiện ra sao? Điều này cần nghiên cứu cho cụ thể hơn, áp dụng luật tương tự, tập quán phong tục như thế nào để tránh sai sót trong quá trình xét xử…(?).

Một vấn đề khác được đại biểu Trần Đình Sơn, đoàn Đắc Lắk góp ý, luật nên kéo dài thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối thiểu là 20 ngày. Dự thảo quy định 15 ngày là quá ngắn bởi khi phát sinh khiếu kiện phán quyết của tòa, Viện Kiểm sát nhân dân phải yêu cầu tòa cung cấp hồ sơ vụ án, nghiên cứu và làm thủ tục quyết định kháng nghị… mất rất nhiều thời gian.

Thẩm tra Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là vấn đề mới, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, Tòa án nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn nước ta, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đề nghị bỏ quy định này.

Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc hòa giải ngoài Tòa án đã được quy định tại các luật hiện hành như: Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Lao động... Theo đó, khi hòa giải thành các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện thỏa thuận hòa giải thành thì bên kia có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Do đó, việc quy định thủ tục để Tòa án công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án là không cần thiết.

Về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự (Điều 22 dự thảo), đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự cần xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013 “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 4); nhiệm vụ, quyền hạn của Viểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 27).

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan công tố (đây là điểm khác biệt cơ bản với tố tụng hình sự) mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, đa số ý kiến Uỷ ban thường vụ cho rằng: Trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng mà là cơ quan tham gia tố tụng. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định tại các Điều 42, 48, 49 và 50 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) để quy định cho phù hợp.

Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với quy định thẩm quyền cho Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các căn cứ, điều kiện áp dụng và trình tự, thủ tục ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện để bảo đảm tính khả thi.

Đối với việc thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân quyết định bắt giữ tàu bay, tàu biển theo các pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các quy định của các pháp lệnh nêu trên để có thể pháp điển hóa trong dự thảo luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật”.

Bộ Y tế đề xuất quyền được chết trong Bộ luật Dân sự sửa đổi
Năm 2005 đề xuất quyền được chết từng được đưa ra nhưng chưa được xem xét, lần này Bộ Y tế hy vọng đề xuất này được chấp thuận nhằm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư