Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Trao giải cho 21 startup Việt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu
Thu Phương - 20/09/2017 16:04
 
Sáng 20/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” cho 21 dự án xuất sắc của cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần 2 năm 2017.
.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phạm Đại Dương phát biểu tại lễ trao giải

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH đã và đang có ảnh hưởng tiêu cực, sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Trước hiện trạng đó, Việt Nam cùng với những người bạn quốc tế cùng nhau tìm ra cơ hội, giải pháp mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trẻ không chỉ trong những hỗ trợ ban đầu mà còn trao những chặng đường tiếp theo để cùng chung tay ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo để biến những thách thức thành cơ hội.

“Thay mặt cho Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi xin chúc mừng các doanh nghiệp đạt giải trong đợt 2 và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các doanh nghiệp đợt 1 trong suốt quá trình đồng hành cùng VCIC để đạt được những mục tiêu đề ra. Tôi kỳ vọng rằng những doanhnghiệp tốt nghiệp đợt 1 ngày càng phát triển và những doanh nghiệp đạt giải trong đợt 2 sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, những doanh nghiệp này sẽ liên tục tạo ra và nhân rộng tác động tích cực tới kinh tế, môi tường và xã hội”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nói .

VCIC đã hỗ trợ được 18 doanh nghiệp trong cả nước ở POC lần thứ 1, trong đó có 44% do phụ nữ trong Ban quản trị; 14 doanh nghiệp ở giai đoạn thương mại hoá, 4 doanh nghiệp ở giai đoạn ươm tạo góp phần tạo tạo công ăn việc làm trực tiếp cho gần 600 lao động, có 64.276 số hộ/khách hàng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ cải tiến, số lượng đơn vị Công nghệ tiết kiệm năng lượng/giảm khí thải được lắp đặt: 3.011, lượng khí thải CO2 được cắt giảm: 88.933 tấn.

Sau hơn một năm đồng hành cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), các đơn vị được lựa chọn hỗ trợ trong Cuộc thi chúng minh ý tưởng lần thứ nhất đã gặt hái được nhiều thành công, như: doanh thu tăng trưởng 300%, kêu gọi hơn 200.000 USD vốn đầu tư, khẳng định được thương hiệu tại thị trường miền bắc Việt Nam và vươn tới thị trường quốc tế hay tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí cho khách hàng...

Tiếp nối thành công của POC1, VCIC khởi động POC2 vào tháng 4/2017. Sau hơn 4 tháng triển khai cuộc thi đã có 300 đề xuất tham dự, 60 dự án vào vòng 2 - khoá đào tạo tiềm năng. Và với với 11 hội đồng chấm thi đã phải làm việc hết công suất trong vòng 20 ngày liên tiếp để chọn ra 21 dự án trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” năm 2017.

.
Các doanh nghiệp nhận giải thưởng “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” 

Trong đó, có 17 doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính và dịch vụ đi kèm, 4 doanh nghiệp nhận hỗ trợ dịch vụ không kèm tài chính, đồng thời ghi nhận nỗ lực của 7 doanh nghiệp đầu tiên tốt nghiệp quá trình ươm tạo kéo dài 1 năm của dự án.

Đại diện một trong  những dự án đạt giải, ông Lê Hồng Tuấn, đồng sáng lập dự án SeA Square chia sẻ, cuộc thi đã cho chúng tôi cơ hội cọ xát thêm nhiều kinh nghiệm.

“Tôi cảm thấy rất may mắn và hãnh diện là một trong dự án được đề cử giải thưởng này. Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi đã nhận được nhiều sự quan tâm động viên từ ban tổ chức, được gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm cùng các dự án khác cùng tham gia. Đó là một trong những điều chúng tôi cảm thấy trân trọng” Ông Tuấn nói.

Danh sách các dự án khởi nghiệp sáng tạo được vinh danh tại cuộc thi POC 2:

1. Dự án ứng dụng công nghệ IoT và thuỷ canh hồi lưu trong sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGap (Viết tắt: Hachi – Nông nghiệp thông minh)

2. FAirNet (FIMO Air Pollution monitoring Network)

3. Nền tảng Cơ sở dữ liệu địa lý không gian dùng chung của Nhóm MAPDAS

4. Ứng dụng công nghệ thông minh (trí tuệ nhân tạo) nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng tôm theo hướng phát triển bền vững của Nhóm SeA Square

5. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các giải pháp giám sát, phân tích và xử lý ô nhiễm không khí cho hầm đường bộ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Trí Nam

6. Hệ thống đèn đường thông minh S3

7. Hà Yến cung cấp trọn gói giải pháp thiết bị bếp từ công nghiệp theo mô hình ESCO cho các đơn vị kinh doanh phục vụ ăn uống tại Việt Nam

8. Nghiên cứu chế tạo và thương mại hoá “turbine gió dải rộng hiệu suất cao, giá thành rẻ cho TN1” cho các khu vực khó tiếp cận nguồn điện lưới quốc gia của tác giả Nguyễn Thế Nghĩa

9. Nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng (Dịch đạm tôm và Dịch chiết xuất tôm) dùng làm thực phẩm cho người từ phụ phẩm tôm (đầu vỏ tôm) của Công ty cổ phần Việt Nam Food Hậu Giang

10.  Dự án Hợp tác Viện Nghiên cứu sa kê Toàn cầu-Hoa Kỳ trồng khảo nghiệm giống và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng sake (cây bánh mỳ) trên đất nghèo kiệt, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn làm cơ sở đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tỉnh Bình Thuận, Việt Nam (Dự án Sake CHỮ TÂM)

11. Quy trình canh tác lúa thông minh của Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam

12. Ứng dụng công nghệ cao trong chế tạo và thương mại hóa dây chuyền bảo quản nông sản sau thu hoạch quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam của TS. Đào Thị Nhung

13. Phát triển vật liệu nano cho nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân-Evergreen Agricoop Giao Thủy-Nam Định

14. Ươm tạo, hoàn thiện công nghệ và biện pháp kỹ thuật sản xuất giống lúa chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu của Startup ”Nông nghiệp bền vững SHPDU”

15. Kĩ thuật nuôi trồng nấm bào ngư trên rơm rạ nhằm giảm thiểu việc đốt rơm rạ gây khói bụi ở Đồng bằng Sông Hồng của Công ty TNHH tư vấn dịch vụ quản lý hành chính và Thương mại quốc tế

16. Phát triển và chế tạo vật liệu nano tổ hợp dùng làm sạch nguồn nước, phòng và trị bệnh cho tôm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của Trường Đại học Nông Lâm Huế/ Công ty cổ phần phát triển NTTS Thừa Thiên Huế

17. Hệ thống bơm loc nước tự làm sạch dùng cho nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH MTV Dịch vụ và CN Nuôi trồng Thủy sản

18. Va ly thăm khám tích hợp bệnh án điện tử trên nền tảng đám mây của Công ty Cổ phần Viễn thông NewTelecom

19. Giải pháp tổng đài cloud và chăm sóc khách hàng đa kênh AntBuddy - Tối ưu hoá nguồn lực, giảm tác động đến môi trường thông qua việc tăng cường giao tiếp điện tử, giảm thiểu điện năng tiêu thụ của Công ty Cổ phần AntBuddy

20. Tăm thân thiện môi trường của nhóm tác giả TS. Đỗ Ngọc Chung, PGS. TS. Phạm Hồng Dương, Phạm Thị Hường, CN. Đào Văn Đương, CN. Phạm Thị Ánh Mây

VCIC được hỗ trợ bởi Chính phủ Australia và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, sẽ cung cấp những hỗ trợ tài chính, bồi dưỡng năng lực và dịch vụ tư vấn cho các doanh nhân và doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính - Năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý tài nguyên nước nhằm biến thách thức của BĐKH thành cơ hội kinh doanh.
VCIC là một phần của Chương trình Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới tại 7 quốc gia trên toàn thế giới, cung cấp nền tảng kết nối kinh doanh trong nước và quốc tế, tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy thương mại.
Tập huấn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu khu vực miền Bắc
Ngày 29/8/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cho khu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư