Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trao quyền giám sát đầu tư cho người dân
Hàn Tín - 10/10/2015 08:50
 
Kể từ ngày 20/11/2015, hoạt động giám sát và đánh giá đầu tư được thực hiện theo Nghị định 84/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, cộng đồng dân cư sẽ thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư; giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể, công dân, cộng đồng dân cư có quyền giám sát đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đầu tư trên địa bàn thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Ban Giám sát được quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

.
Cộng đồng dân cư có quyền giám sát đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh

Ban Giám sát đầu tư có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư như quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, giám sát hoạt động đầu tư là lĩnh vực rất phức tạp, đặc biệt là giám sát của cộng đồng dân cư đối với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, vì người dân và đại diện của người dân, trong đó MTTQ các cấp là nhân tố nòng cốt không có đủ nhân lực, kinh nghiệm, trình độ, cũng như sự hiểu biết nhất định về hoạt động đầu tư các chương trình, dự án.

Khác với cơ quan kiểm tra của Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, MTTQ là tổ chức tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Vì vậy, theo ông Kim, đại diện cho cộng đồng dân cư, MTTQ có thể thực hiện giám sát độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành giám sát.

Trong trường hợp MTTQ thực hiện giám sát một cách độc lập thông qua Ban Giám sát cộng đồng thì trong thành phần Ban Giám sát, ngoài đại diện của người dân, MTQT cấp xã, thanh tra nhân dân, có thể mời những người có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm nhất định về dự án, chương trình được giám sát tham gia, nên chất lượng giám sát vẫn được bảo đảm.

“Đầu tư, mua sắm tài sản, chương trình, dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cần phải được giám sát chặt chẽ thông qua nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng khác nhau. Trong đó, vai trò giám sát của cộng đồng hết sức quan trọng, vì đây là tài sản của người dân, là tiền thuế của người dân, là nguồn lực của toàn xã hội”, ông Kim nhấn mạnh.

Ông Kim cũng cho rằng, mỗi người dân là “tai  mắt” của hệ thống chính trị, nên khi phát hiện ra sai phạm, vi phạm trong quá trình đầu tư, chắc chắn họ sẽ phản ánh với cơ quan chức năng và tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình là MTTQ và Ban Giám sát cộng đồng, nên việc giám sát rất hiệu quả.

Nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định, Ban Giám sát cộng đồng có quyền kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, thậm chí là đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án.

Câu hỏi đặt ra là, trao quyền giám sát cho cộng đồng dân cư có ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư? Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Thu, chắc chắn không có sự ảnh hưởng, cản trở hoạt động đầu tư ở địa phương khi trao quyền giám sát cho cộng đồng dân cư.

“Các dự án đầu tư trao quyền giám sát cho cộng đồng đều liên quan trực tiếp tới lợi ích của dân cư, người dân được thụ hưởng lợi ích khi dự án đi vào vận hành, nên tôi tin rằng, cộng đồng dân cư sẽ không gây khó dễ cho chủ dự án, chủ chương trình, nhà thầu thi công dự án”, ông Thu nhận định.

Ưu tiên đặc biệt nguồn vốn cho lĩnh vực có dự án PPP
Theo Dự thảo Phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư