Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Trao quyền nới room cho doanh nghiệp?
Bảo Giang - 29/06/2014 14:42
 
Đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra bàn bạc từ nhiều tháng nay, song vấn đề này hiện vẫn rất nóng, do được nhiều doanh nghiệp mổ xẻ nhằm tận dụng cơ hội từ thay đổi này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nới room dưới góc nhìn của nhà đầu tư lão luyện
Kỳ vọng nới “room” để đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng
Nhà đầu tư ngoại muốn tăng quyền kiểm soát ngân hàng
Nới room, chuyện bàn sau “cơn bão” biển Đông?

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp đã sẵn sàng mở room” tổ chức mới đây tại TP.HCM, bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, đề xuất mở room cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xem xét.

  Đề xuất mở room cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xem xét.  
  Đề xuất mở room cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xem xét  

Cũng theo bà Đào, trong khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình Dự thảo nới room, thì HOSE đã bắt tay nghiên cứu các giải pháp như lựa chọn bổ sung cho các nhà đầu tư để có thêm công cụ lựa chọn đầu tư và tạo sự đa dạng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho rằng, xu hướng mở cửa hội nhập là không tránh khỏi, nên việc nới room là có thể xảy ra, vì chúng ta không thể đứng bên lề hoạt động kinh doanh của toàn thế giới. “Quan điểm của tôi là, nếu muốn mở thì Chính phủ nên trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ trong vấn đề này, nhưng điều cần lưu ý là phải hoàn thiện luật pháp trước khi mở room”, bà Thanh nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC) nêu quan điểm, đã là công ty đại chúng, thì người mua có quyền chọn, còn người bán không có quyền chọn người mua. BMC sẵn sàng chọn bất cứ cổ đông nào, vì cổ phiếu phải luân chuyển mới có tính thanh khoản. “Chúng tôi luôn sẵn sàng với việc nới room và sẵn sàng đón nhận bất kỳ cổ đông nào”, ông Doanh nhấn mạnh.

Rõ ràng, thái độ của doanh nghiệp là rất mở, cổ phiếu vào tay ai đều phải đón chào. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu mở room thì sau một thời gian ngắn, công ty Việt Nam có thể trở thành công ty con của doanh nghiệp nước ngoài, vậy liệu có dẫn đến việc mất bản sắc Việt Nam của doanh nghiệp không? Ông Lê Quang Doanh cho rằng, chỉ đối với một số ngành kinh tế đặc thù liên quan đến quốc phòng thì mới phải lo. “Đã là nhà đầu tư, không dại gì doanh nghiệp đổ đống tiền vào lại muốn doanh nghiệp suy yếu để lãng phí khoản đầu tư của họ”, ông Doanh phân tích.

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Trần Thị Anh Đào thẳng thắn: “Nhà đầu tư chỉ quan tâm doanh nghiệp có năng lực tốt. Do vậy, theo quan điểm của tôi, bản thân doanh nghiệp phải mạnh, vì chỉ có mạnh mới có thể chống chọi và tồn tại trước áp lực ngày càng tăng trên thị trường”.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, cần tạo áp lực để ban điều hành hoạt động tốt nhằm gia tăng giá trị cổ phần của chính doanh nghiệp, vấn đề là áp lực phải hợp lý và đúng theo quy định.

Cùng chia sẻ quan điểm này, bà Mai Thanh cho rằng, ban điều hành luôn sợ bị thâu tóm mất quyền điều hành. Vấn đề là cần dung hòa giữa tầm nhìn của ban điều hành với nhà đầu tư.

Thực tế đã chứng minh, các tổ chức, đối tác nước ngoài đều là những định chế tài chính có uy tín, có hệ thống hoạt động chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế, nên việc nới room với họ nhìn ở khía cạnh tích cực sẽ giúp nâng cao chất lượng quản trị của các doanh nghiệp trong nước, tiến gần hơn với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, qua đó đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng.

“Tuy nhiên, bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp cũng nên thân trọng, cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đúng đắn. Mặt khác, để tránh sụt giảm kinh doanh, doanh nghiệp phải tái cấu trúc để mình thật sự mạnh từ bên trong. Hiện các sở giao dịch cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất cho doanh nghiệp”, bà Trần Anh Đào cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư