Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng
Mạnh Bôn - 22/11/2015 09:22
 
“Huy động và sử dụng nợ công chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trước Quốc hội trong phiên chất vấn về việc thực hiện lĩnh vực tài chính kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn mới diễn ra

Về nhiệm vụ quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), kiểm soát nợ công, ông Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường quản lý NSNN; chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chống thất thu NSNN, chống chuyển giá.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính, trong đó phấn đấu bội chi NSNN đến năm 2020 không quá 4% GDP. Việc điều hành chính sách tài khóa phù hợp với khả năng huy động và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế tạo nguồn thu NSNN ổn định, bền vững.

Việc điều hành vay và trả nợ đã thực hiện đúng theo Nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ hàng năm; ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Các chỉ tiêu nợ công so với GDP trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép; tăng tỷ trọng nợ vay trong nước. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả.

“Các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với hình thức cho vay lại”, ông Phúc cho biết.

Vẫn theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tăng cường quản lý để bảo đảm các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, nhất là đối với việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng; chủ động kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 13,8%, năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (quy định không quá 25%).

“Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn; việc đảo nợ không làm tăng tổng số nợ công, phù hợp với Luật quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, song vẫn thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu thu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi ngân sách còn cao tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn an toàn theo quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Thẩm định việc thực hiện lĩnh vực tài chính kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay của Chính phủ từ Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, Đoàn thư ký Kỳ họp nhận định, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp chống thất thu NSNN; hầu hết các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ chống thất thu với sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị của địa phương giúp cho số thuế nợ đọng đã ngày một giảm.

Cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước với lãi suất huy động có xu hướng giảm dần. Từ năm 2014, Chính phủ đã chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế góp phần cơ cấu lại danh mục nợ gốc trái phiếu quốc tế. Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

“Việc huy động và sử dụng nợ công chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển. Tính đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức phát hành chủ yếu là trái phiếu chính phủ với kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Tính đến ngày 31/12/2014, dư nợ công bằng 59,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,1%GDP, dư nợ ngoài nước bằng 40,3% GDP”, Đoàn thư ký Kỳ họp xác nhận.

“Tuy nhiên, tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại, chuyển giá trong giai đoạn 2011-2014 còn diễn biến phức tạp, gây thất thu NSNN; tỷ trọng nợ thuế do ngành thuế quản lý trên tổng thu NSNN vẫn ở mức cao, số tiền nợ tuyệt đối vẫn tăng qua các năm; công tác xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế còn chậm; số nợ đọng khó thu hồi vẫn tăng qua các năm. Nợ công đang có xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu NSNN trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững; cơ cấu nợ công chưa hợp lý; việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa thật sự đạt hiệu quả cao”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký Kỳ họp đánh giá.

Trước thực tế này, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nữa để quản lý chặt chẽ bội chi, nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về nợ công, lưu ý chất lượng và độ an toàn của nợ công do nợ công đang có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ, ngày một tiệm cận đến giới hạn Quốc hội cho phép; sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật quản lý nợ công cho phù hợp với một số nội dung của Luật NSNN vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Chất vấn tại Quốc hội: Nóng chuyện lời hứa của Bộ trưởng
Các đại biểu Quốc hội đã ráo riết “truy” trách nhiệm của các Bộ trưởng trong xử lý hàng loạt vấn đề liên quan đến nợ công, tái cơ cấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư