Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tri ân các nhà báo – liệt sĩ, thương binh
- 20/07/2017 23:25
 
Sáng nay 20/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm “Tri ân nhà báo- liệt sĩ, thương binh”. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt như một nghĩa cử cao đẹp của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước nhằm tri ân những người làm báo đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong các cuộc kháng chiến giữ nước của nhân dân ta hơn 70 năm qua, hàng ngàn nhà báo đã ra trận trong tư thế người lính thực thụ nơi chiến trường. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hi sinh, nhiều người trở về cuộc sống đời thường với thương tật suốt đời….

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, cả nước có gần 600 nhà báo đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường, trong đó, một số đã được đón về yên nghỉ ở quê hương nhưng vẫn còn nhiều người phải nằm lại trên những vùng đất chiến trường ác liệt ở Trị Thiên, Khu 5, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đặc khu Sài Gòn – Gia Định, miền Đông Nam bộ, hay vùng Cửu Long mênh mông sông nước….

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng chứng nhận cho ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng biên tập Báo Đầu tư ghi nhận những hỗ trợ của chi hội nhà báo Báo Đầu tư với thân nhân nhà báo-liệt sĩ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng chứng nhận cho ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng biên tập Báo Đầu tư ghi nhận những hỗ trợ của chi hội nhà báo Báo Đầu tư với thân nhân nhà báo-liệt sĩ.

“Bằng tất cả tấm lòng với những người đã khuất, các cấp, các ngành, các Hội nhà báo, cơ quan báo chí… các gia đình đã tích cực tìm kiếm và tôn vinh các nhà báo liệt sĩ, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mát của gia đình, người thân, đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều hoàn cảnh hi sinh khác nhau, nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt hoặc phần mộ, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm… “, nhà báo Hồ Quang Lợi xúc động nói.

Ông Lợi cũng dẫn chứng: “Trong số 269 liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam, đến nay, chúng ta mới chỉ quy tập được 39 mộ liệt sỹ nhà báo, con số này phần nào cho thấy, quá trình này là chặng đường rất dài và khó khăn trong nhiều năm”.

Hơn 20 năm theo đuổi viết về đề tài gương các liệt sĩ, nhà báo hy sinh trên các chiến trường, những gương mặt được nhà báo Văn Hiền, Nguyên phó tổng biên tập Báo Nghệ An nhắc tới là nhà báo-chiến sỹ Hồ Ca, hy sinh đèo 19 không tìm thấy mộ, 2 anh em nhà báo Bùi Tấn, Bùi Trường (An Giang)  hiện không có ai thờ cúng.

“Ai mà không nghĩ đến cái chết. Tôi khoác ba lô cùng đồng nghiệp rời Hà Nội lúc chiều muộn ngày 10/6/1972 vào chiến trường Trị Thiên Huế, đang là “chảo lửa” khi con tôi mới 6 tháng tuổi trong bụng mẹ. Trong đầu chàng trai 26 tuổi lúc ấy chỉ nghĩ tới 2 điều: thương vợ sinh nở một mình và thứ 2 là có thể hy sinh mà cha không biết mặt con. Nghĩ đến cái chết nhưng không sợ chết. Chúng tôi đi, cả một thế hệ hành quân như thế”, nhà báo Trần Đức Nuôi, Nguyên trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại.

Trong số những nhà báo đã hy sinh, ông Nuôi không thể nào quên người bạn đồng nghiệp của mình, nhà báo Tô Chức, người truyền lửa trong hàng loạt phóng sự nóng hổi về cuộc sống, chiến đấu của quân dân miền Bắc trong tùy bút “Người Hà Nội”, hy sinh ở tuổi 32 khi chưa kịp lập gia đình.

Trong số những đồng nghiệp ấy còn có nhà báo Lê Cường, biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng A (CP90) hy sinh tháng 1/1974.

“Trong ba lô anh để lại có chiếc áo len chưa kịp biếu mẹ, tấm khăn voan chưa trao tận tay cho vợ sau 20 năm xa cách và bản nhạc cuối cùng “Ánh gươm sông Trà”. Những nhà báo đã hy sinh như thế, trong tình cảm tha thiết với gia đình và đầy trách nhiệm với công việc”, ông Nuôi xúc động nói.

Tuy nhiên, điều ông trăn trở nhiều nhất là những nữ nhà báo đã hy sinh khi trên tay còn dang dở bài viết như nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân (Báo Quảng Bình). Nhà báo Dương Thị Xuân Quý, người con gái mạnh mẽ bản lĩnh của Hà Nội khi chọn vào chiến trường Khu 5 ác liệt vào những năm tháng khốc liệt nhất, để lại đứa con gái đầu lòng Dương Hương Ly cho bà ngoại nuôi.  

“Trong cuốn nhật ký của nhà báo Xuân Quý có ghi “Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn, vừa nhú răng là sơ tán, vừa biết gọi mẹ là xa mẹ”. Nhà báo Xuân Quý đã hy sinh vào tháng 3/1969 tại Duy Tiên, Duy Xuyên, Quảng Nam ở tuổi 28. Đó là sự hy sinh thầm lặng mà rất đỗi cồn cào của người mẹ phải xa con”, ông Nuôi nhớ lại.

Cái lẽ sống, sự hy sinh ấy cứ lan truyền, cứ tuôn chảy trong dòng máu nóng của người cầm bút, họ là những tấm gương điển hình về tinh thần cống hiến hy sinh cho đất nước, cho nhân dân; nêu cao đạo đức nghề nghiệp- đó là tinh thần dấn thân vì nghĩa lớn, dấn thân vì các giá trị cao quý và lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc.

Phát biểu kết luận tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định, hoạt động tri ân các nhà báo liệt sĩ, nhà báo thương binh sẽ được đưa vào Chương trình hoạt động hàng năm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Lợi cũng cho biết, Hội sẽ nghiên cứu để xây dựng quỹ hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân các nhà báo- liệt sĩ, thương binh. Với vai trò là một tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức cho các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ về những tấm gương hi sinh và đóng góp vô giá của các nhà báo- liệt sĩ, thương binh đối với báo chí cách mạng Việt Nam, đối với đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; thể hiện lòng biết ơn của giới báo chí, của Hội Nhà báo Việt Nam đối với các nhà báo- liệt sĩ, thương binh… làm tô đậm thêm đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam…

Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng đã tiến hành tặng quà cho đại diện các gia đình nhà báo – liệt sĩ, nhà báo thương binh và trao giấy chứng nhận cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã tài trợ đồng hành cùng chương trình vô cùng ý nghĩa này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư