Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Luật Phòng, chống tham nhũng phải hướng tới tính thực tiễn, khả thi
Bá Thư - 01/06/2018 10:35
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, có thể thấy cử tri rất phấn khởi, tin tưởng vào kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua, đồng thời kỳ vọng sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, khi mà Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn thảo, hoàn chỉnh trên tinh thần lắng nghe, đảm bảo tính khả thi.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội

Thưa bà, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được đưa ra bàn thảo ở hai kỳ họp của Quốc hội và kỳ họp thứ 5 (khóa XIV) này đã là kỳ thứ ba. Vì sao lại có sự kéo dài như vậy?

Luật Phòng, chống tham nhũng được bàn thảo qua nhiều kỳ họp của Quốc hội cũng như lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các cơ quan, ban ngành thời gian qua là bởi đây là dự luật rất quan trọng, qua thực tế triển khai còn có nhiều bất cập cần được xem xét kỹ lưỡng.

Tinh thần cốt lõi khi chỉnh sửa, hoàn thiện Luật tại kỳ họp lần này là gì, thưa bà?

Cốt lõi là phải đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn lên hàng đầu. Chúng ta có thể tham khảo, xem xét kinh nghiệm các nước, đưa nhiều cách làm hay… nhưng không phù hợp điều kiện thực tiễn về kinh tế - xã hội của nước ta thì cũng khó triển khai. Ví dụ quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt để tăng tính minh bạch thì phải xem xét hạ tầng công nghệ, truyền thống, thói quen tiêu dùng... để có lộ trình những việc nào, những nơi nào áp dụng trước, áp dụng ở mức nào… Hay việc xác minh nguồn gốc tài sản, không thể không xem xét thực tế thói quen cho tặng tài sản trong dân cư, đặc biệt là ở các thế hệ trước…

Theo bà, đâu là những vấn đề nổi cộm cần thảo luận, làm rõ của dự luật này?

Trong kỳ họp này, nhiều vấn đề đã được đại biểu thảo luận, nêu ý kiến. Tôi cho rằng, có một số điểm nổi cộm, như về đối tượng kê khai tài sản lần đầu, đối tượng kê khai hàng năm...

Cùng với việc mở rộng phạm vi, đối tượng kê khai, cần làm rõ thẩm quyền kiểm soát tài sản kê khai. Ai có quyền tiếp cận với thông tin kê khai, ai thẩm định tính chính xác, đúng sai, thiếu đủ… của nội dung kê khai ? Có phương án giao cho thanh tra chuyên ngành tỉnh, thành; có phương án giao thanh tra chính phủ thẩm định với đối tượng hưởng phụ cấp 0,9 trở lên ở Trung ương, còn thanh tra tỉnh thì làm ở tỉnh, thanh tra ngành thì làm ở ngành; riêng khối dân cử thì do Ban Công tác đại biểu của Quốc hội thẩm định…Cũng có phương án là lập cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập để làm việc này thì hiệu quả nhất, nhưng lại vướng về biên chế, về bộ máy…

Công tác kiểm tra đối với kê khai tài sản của cán bộ cũng có thay đổi, không chỉ kiểm tra hàng năm hay khi có biến động, có đơn thư khiếu nại hoặc trước khi làm thủ tục, quy trình bổ nhiệm mà còn có kiểm tra xác suất, chọn lựa ngẫu nhiên. Điều này cũng tăng thêm tính minh bạch và khả năng răn đe.

Thưa bà, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng kê khai không trung thực, cán bộ thường rất “nghèo”, nhưng khi bị phát hiện thì đều có tài sản “khủng”. Điều này, bên cạnh tính trung thực của người kê khai thì cũng đặt ra vấn đề khả năng, trình độ của cán bộ thẩm tra tài sản kê khai?

Khi thảo luận, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về trình độ, hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, thẩm tra tài sản kê khai. Đó là một thực tế, nó làm ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật Phòng, chống tham nhũng, vì cán bộ được giao thẩm quyền thẩm tra nhưng lại không thẩm tra được, thẩm tra không đúng… thì không đạt hiệu quả.

Đi liền với thẩm tra là giám sát. Quy định về giám sát cũng có những băn khoăn về việc công khai tài sản để giám sát, do lo ngại tính an ninh, an toàn cho bản thân và gia đình cán bộ kê khai tài sản?

Hiện nay, dự luật đang giao cho Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân giám sát, nhưng làm thế nào để sự giám sát này là đúng luật, là an toàn… vẫn là vấn đề cần làm rõ. Làm sao để giám sát thực chất? Có phải mang bảng kê khai tài sản của cán bộ đem dán ở hội trường phường, xã, huyện, tỉnh là công khai, là để dân giám sát mới là minh bạch? Vậy phải là ai, khi nào người giám sát được xem bản kê khai tài sản của cán bộ? Cần có quy trình để những người có trách nhiệm được tiếp cận với bản kê khai tài sản của cán bộ, đồng thời quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn, đảm bảo sử dụng đúng mục đích thông tin về tài sản của cán bộ khi người giám sát tiếp cận với bản kê khai đó…

Việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận, thưa bà?

Các đại biểu đang thảo luận nhiều về phương án đánh thuế 45%. Có ý kiến nói thế là phù hợp, có ý kiến lại nói đó có phải là “hợp thức hóa” cho tài sản đó không? Có những cách hiểu chưa đầy đủ về việc đánh thuế 45% với tài sản không giải trình được nguồn gốc. Việc đánh thuế áp dụng khi cán bộ không giải trình được nguồn gốc tài sản, đồng thời cơ quan chức năng cũng chưa chứng minh được tài sản đó là hợp pháp hay bất hợp pháp. Một tài sản có thể bị đánh thuế 45% vì chưa chứng minh được, nhưng ngay khi cơ quan chứng minh được thì phải chuyển sang dạng khác, với hình thức xử lý khác.

Cần lưu ý là, có những tài sản hoàn toàn hợp pháp mà cán bộ không chứng minh được nguồn gốc theo quy định, như việc được cha mẹ cho tặng mà không có các giấy tờ đầy đủ (dù trường hợp này có thể không nhiều, chủ yếu liên quan đến các thế hệ trước). Khi đó, người không chứng minh được nguồn gốc cũng đã chịu thiệt. Ngược lại, tài sản có thể là bất hợp pháp, nhưng cơ quan chức năng không đủ khả năng chứng minh, thì người có tài sản lại được lợi. Rõ ràng, điều này phụ thuộc cả vào khả năng thực thi của bộ máy.

Với nhiều vấn đề nổi cộm như vậy, bà kỳ vọng gì vào Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) khi luật được thông qua?

Trước hết, phải thấy rằng cơ quan soạn thảo, các đại biểu và cả dư luận nhân dân đã nêu nhiều vấn đề rất thiết thực, rất sát đối với thực tiễn hoạt động phòng, chống tham nhũng, nên có thể kỳ vọng chất lượng của luật được nâng lên nhiều.

Song tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi Luật được ban hành, áp dụng vào thực tiễn thì phải có quá trình, có thời gian để Luật đi vào cuộc sống. Trong quá trình đó, phải có sự theo dõi những chuyển biến, xem việc xây dựng dữ liệu cán bộ được đến đâu, thanh toán không dùng tiền mặt tiến triển đến đâu, việc xử lý tài sản các vụ việc ở mức nào, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thẩm tra, kiểm tra trong công tác này có sự thay đổi thế nào… Hơn nữa, công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến như thế nào không phải chỉ do có Luật Phòng, chống tham nhũng, mà còn do sự tác động tổng thể của hành lang pháp lý ở các lĩnh vực khác. Khi các lĩnh vực khác có sự hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn thì công tác phòng, chống tham nhũng cũng sẽ chuyển biến tốt hơn.

Tổng bí thư: Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được làm kiên quyết, nghiêm minh
Sáng 28/12 Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành để đánh giá, tổng kết nhiệm vụ 2017 và bàn phương hướng thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư