Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Truyền hình trả tiền: Cuộc đua giá đã về... đáy
Hữu Tuấn - 16/10/2016 07:44
 
Mức giá dịch vụ thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền thấp hơn giá thành đang gây khủng hoảng cho các nhà đài, khiến họ phải kiến nghị Nhà nước có chính sách quản lý giá sàn với dịch vụ này.

Đã qua rồi thời kỳ vàng của truyền hình trả tiền, khi cước truyền hình K+ là 330.000 đồng/tháng, VTVcab là 230.000 đồng/tháng… Giờ đây, cuộc chiến giá cước đã đến hồi “sát ván”. Các nhà đài buộc phải tung “con bài” cuối cùng trong cuộc chơi không còn gì để mất. Ngay cả đại gia truyền hình trả tiền K+, từ tháng 3/2016, cũng đã áp dụng mức giá đồng hạng 125.000 đồng/tháng.

Các nhà đài đang đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, dù họ áp dụng rất nhiều các chiêu khuyến mại, giảm giá liên tục. Cụ thể, MyTV, MobiTV, VTC… đồng giá thuê bao hàng tháng là 30.000 đồng, các kênh khác như SCTV, VTV Cab, Next TV của Viettel, Truyền hình FPT... có mức cước nhỉnh hơn, từ 50.000 đến 60.000 đồng/tháng cho gói cơ bản. Mức giá này được ví “rẻ như mớ rau” và “chỉ bằng bát phở sáng”.

.
.

Cuộc đua giá đã về đáy. Nó khiến các nhà đài lao đao. Doanh thu giảm, thuê bao sụt, thua lỗ, không có vốn tái đầu tư sản xuất chương trình mới…, vòng quay luẩn quẩn đã khiến các nhà đài lâm vào tình trạng khó khăn.

Từng có tới 1 triệu khách hàng trong giai đoạn 2010-2015, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2016, MyTV của Tập đoàn VNPT, đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền qua IPTV, phát triển khá chật vật, mới đạt 40% kế hoạch phát triển thuê bao. MobiTV, thương hiệu mới của Truyền hình An Viên (AVG), sau 9 tháng được MobiFone mua lại, dùng cả giải tài nguyên, hệ thống phân phối, kênh khách hàng, mới chỉ phát triển thêm được hơn 188.000 thuê bao.

Theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng đua nhau bán với giá thấp, dẫn đến nguy cơ phá giá cao, do đó Nhà nước cần có chính sách quản lý giá sàn đối với dịch vụ này. “Rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng giá sàn để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường truyền hình trả tiền”, ông Long đề xuất.

Trước đó, ông Phan Minh Thế, Giám đốc Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) cũng cho biết, thị trường truyền hình đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông lớn trên thị trường càng tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp truyền hình, khiến họ luôn phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và liên tục điều chỉnh giá cước. Thậm chí, nhiều đơn vị bán dưới giá vốn rồi dùng thủ pháp kinh doanh để bù chéo, độc quyền sự kiện nhằm thu hút thuê bao. Trong khi đó, chi phí cho nội dung bản quyền ngày càng tăng lên, chi phí cố định phải trả khó có thể bù đắp được.

VTC cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét kiểm soát các chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, để đảm bảo chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, vấn đề giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền đã được nêu lên sau khi nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia thị trường. Trước đó, thị trường chủ yếu là sân chơi của các nhà đài, nên giá dịch vụ tương đối ổn định. Sau khi nhà mạng vào, do không có chức năng sản xuất chương trình, nên các gói kênh của các bên hầu như không có sự khác biệt. Chính vì thế, các “lính mới” này chủ yếu cạnh tranh bằng giá, nhờ có nguồn lực lớn.

Trước đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền (PayTV) và các đơn vị thành viên đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng giá sàn dịch vụ, song theo quy định tại Luật Giá, dịch vụ truyền hình trả tiền không phải hàng hóa thiết yếu, do đó không chịu sự quản lý về giá từ phía Chính phủ.

Theo ông Lâm, muốn quản lý giá của dịch vụ truyền hình trả tiền thì phải kiến nghị điều chỉnh Luật Giá. Căn cứ của kiến nghị này là truyền hình trả tiền đã khá phổ biến, có thể coi là dịch vụ thiết yếu với nhiều hộ gia đình. Số lượng thuê bao cũng đang khá lớn. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các công cụ gần giống như công cụ quản lý thị trường viễn thông hiện nay, đó là xác định một số doanh nghiệp nắm thị phần chi phối thị trường để quản lý về khuyến mại, giá thành dịch vụ...

"Tham chiến” thị trường truyền hình trả tiền: MobiFone sẽ làm gì với AVG
Thị trường truyền hình trả tiền sẽ xuất hiện thêm đại gia MobiFone với nguồn lực mạnh và hơn 40 triệu thuê bao viễn thông.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư