Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
TS. Nguyễn Quốc Bình, Cố vấn khoa học của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM: Nhà khoa học không cho mình đường lùi
Diễm Phúc - 02/02/2017 08:26
 
Đã hơn 12 năm kể từ ngày TS. Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada) quyết định bán hết nhà cửa, xe cộ ở Canada, để “không cho mình đường lùi” khi trở về phục vụ quê hương. Giờ đây, khi vóc dáng một trung tâm công nghệ sinh học hiện đại bậc nhất nước đã thành hình, ông cùng các cộng sự lại đang dồn tâm huyết cho ước vọng về một ngành thủy sản phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Quyết định đánh đổi

Năm 2004, trong một lần về Việt Nam nghỉ hè, TS. Nguyễn Quốc Bình có cơ hội được trao đổi cùng TS. Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM và biết TP.HCM đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học ngang tầm với các nước trong khu vực. Được đặt vấn đề trở về góp sức xây dựng và điều hành trung tâm, ông Bình đắn đo rất nhiều, bởi đây có thể là quyết định mà ông sẽ phải đánh đổi cả sự nghiệp lẫn phần đời còn lại. Dù vậy, với cá nhân ông, khi vật chất hay điều kiện nghiên cứu cũng chỉ mang tính chất tương đối, thì đây là lúc tình cảm, tình yêu quê hương mới là quý giá hơn cả.

.
.

Dự án sẽ mang lại giá trị tổng thể rất lớn với một nhà khoa học bao gồm cả chiến lược phát triển, khả năng hiểu biết xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ nghiên cứu, áp dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tế Việt Nam. Những điều này quý giá và to lớn hơn rất nhiều so với việc nghiên cứu của tôi ở Canada thời ấy”, TS. Bình chia sẻ.

Quyết định xong là ngay lập tức, ông khăn gói quay lại Canada. Ông bán hết nhà và xe để “cắt đường quay trở lại”, bởi ông xác định, đây là dự án không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. “Nếu có tư tưởng nửa vời kiểu dễ thì làm, khó thì trở lại Canada thì rất dễ thất bại”, ông Bình khẳng định.

Ngày trở về quê hương, ông luôn đắn đo cách bắt đầu thế nào để xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học đảm bảo 30 năm sau vẫn không lạc hậu hay phải “cơi nới”. Số vốn xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM do Thành phố cấp là khoảng 100 triệu USD, nhưng riêng tiền thiết kế, đối tác đã yêu cầu 1 triệu USD. Ông Bình quyết định, tự tay các cán bộ trong Trung tâm làm tất cả mọi khâu và những thành quả hôm nay chứng minh quyết định này hoàn toàn đúng đắn.

Ông đưa ví dụ về việc thiết kế đại lộ Đông - Tây để dẫn giải cho nhận định này. Dù công trình được đánh giá là rất đẹp, rất tốt, nhưng thiết kế phần đường dành cho xe máy quá nhỏ, dẫn đến tình trạng cơi nới để xe máy chạy vào làn xe ô tô. Ông cho rằng, nếu khâu thiết kế có sự tham gia của chuyên gia Việt Nam, thì con đường sẽ được thiết kế khác, đẹp và an toàn hơn, bởi họ hiểu được tỷ lệ xe gắn máy ở Việt Nam còn cao. “Đó là ví dụ chuyện đường sá, chưa nói đến những kết cấu đặc thù như một trung tâm công nghệ sinh học”, ông Bình nói.

Ước vọng lớn cho ngành thủy sản

“Nuôi nấng” Trung tâm trong hơn 12 năm, điều làm ông Bình tự hào nhất là Trung tâm đã có được nhiều thành tựu lớn. Thứ nhất, đội ngũ nhân viên Trung tâm tự tay làm từ “A đến Z” để tạo hình một trung tâm công nghệ sinh học hiện đại nhất cả nước và ngang tầm với các viện nghiên cứu của Singapore, Thái Lan… Từ chỗ chỉ có hai nhà khoa học là ông và ông Dương Hoa Xô (hiện là Giám đốc Trung tâm), nay Trung tâm đã đào tạo 80 thạc sĩ, tiến sĩ, cộng thêm 6 tiến sĩ đang được gửi đi đào tạo ở nước ngoài…, với tổng 170 cán bộ, nhân viên. “Đó là vốn quý hơn cả cơ sở vật chất”, ông Bình tự hào.

Tâm thư của TS. Nguyễn Quốc Bình - nhà khoa học nặng lòng với quê hương

Kính gửi các bạn gần xa trong và ngoài nước!

Tôi đã đi thăm các đảo chìm và đảo nổi của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và đã thấy được sự gian khổ của các chiến sỹ Hải quân, nhất là về nước uống và RAU XANH. Với tư cách là một người làm công tác khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tôi nghĩ là có thể giúp sức cùng mọi người để làm gì đó góp phần cải thiện điều kiện sống chiến đấu của các chiến sỹ.

Trước chuyến đi, tôi có chủ đích đi thăm các cơ sở vật chất liên quan đến sản xuất rau xanh trên các đảo và đã nhận thấy sự bất cập trong các hệ thống nhà kính, nhà lưới trên các đảo của ta. Mặt khác, trên các đảo chìm và các nhà giàn thì còn tệ hơn, các chỗ trồng rau thực sự tạm bợ, phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên.

Sau đó, tôi có mạnh dạn đề nghị là được góp một phần kiến thức của mình vào việc cải thiện các phương tiện trồng rau tiết kiệm nước cho các đảo, nhà giàn mà không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết. Đó là các hộp trồng rau bán tự động. Thực sự các hộp này ít nhiều đã được phát triển và thương mại. Tuy nhiên, những thiết bị đó không phải dành cho nơi thiên nhiên khắc nghiệt. Tôi đã dựa trên nguyên lý đó để thiết kế ra 1 chiếc hộp được đặt tên là hộp trồng rau "Phong ba".

Nguyên lý hoạt động tương đối đơn giản: gieo hạt rau vào hộp, đổ đầy nước vào ngăn đựng nước, đặt hộp nơi có nắng, chờ 10-15 ngày, mở nắp hộp ra thu hoạch rau, lặp lại quy trình để thu hoạch rau mới. Rau sẽ được trồng trên giá thể là mụn xơ dừa và cát có bổ sung vi khuẩn có lợi cho cây. Thỉnh thoảng chỉ cần bổ sung phân hóa học và nước.

Rau trong hộp Phong ba được trồng trên lớp mùn hữu cơ mỏng có thể tái sử dụng nhiều lần, làm bằng vụn xơ dừa, vỏ đậu phộng,… nhằm bổ sung chất, hỗ trợ bộ rễ cây phát triển. Những loại rau phát triển nhanh như rau muống, rau mồng tơi, rau cải… khi trồng trong hộp sẽ cho thu hoạch trong ba tuần, chiều cao cây khoảng 20-30cm.

Tuy nhiên, sau khi thiết kế xong, tôi chưa thể làm khuôn để sản xuất thử được vì thiếu kinh phí khoảng 450 triệu đồng cho tất cả chi tiết hộp. Tôi đang rất mong muốn các anh chị em cùng chung tay góp sức để hoàn thành lời hứa với Trường Sa.

Từ trung tâm này, hàng loạt công trình ứng dụng đã được triển khai, như vắc xin ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra, bộ kit phát hiện bệnh trên tôm đang được triển khai thử nghiệm hay giống hoa lan tự lai tạo của Việt Nam đã đăng ký bản quyền để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập giống… Ngoài ra, Trung tâm đã lai tạo thành công 2.000 con cá giống chuyển gene phát sáng có thể tạo nguồn thu nhập mới cho ngành cá kiểng của Việt Nam.

Đặc biệt, Trung tâm đã nghiên cứu, chế tạo một số vắc xin, thuốc chữa trị tiểu đường, viêm gan siêu vi theo quy trình của nước ngoài, với giá rẻ gấp đôi mà vẫn đảm bảo chất lượng. Trong đó, phải kể đến sản phẩm thuốc Interferon của Trung tâm chỉ có giá 500.000 đồng/mũi, trong khi hàng ngoại nhập là 2-4 triệu đồng.

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột chính cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trong nông nghiệp công nghệ cao, việc áp dụng công nghệ sinh học vào thủy sản sẽ là mấu chốt để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất. Mà nói đến công nghệ sinh học thì phải nhắc đến vắc xin và đây được xác định là mũi nhọn trong chiến lược hoạt động của Trung tâm trong giai đoạn tới.

Ông Bình phân tích, không chỉ năm 2016 mà cả những năm trước, ngành thủy sản gánh chịu tổn thất khá nặng nề về cả nuôi trồng, khai thác lẫn chế biến. Nắng hạ gay gắt kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ mặn tăng cao, có nơi dân “treo” ao đầm trong thời gian dài. Lũ lụt nối tiếp ở miền Trung, lồng bè tan tác. Bão nọ chưa tan, bão kia đã đến, thuyền nằm chờ, ngư dân bồn chồn nhớ biển. Thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều xí nghiệp chế biến thủy sản hoạt động cầm chừng, có thời điểm chỉ chạy 50-60% công suất…

“Mình có nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho việc nghiên cứu vắc xin trên cá tra hay tôm là có hiểu biết, nhân lực trẻ, sáng tạo, gần vùng nguyên liệu để có thể thử nghiệm ngay. Khi có vắc xin giải quyết được phần lõi, thì quy trình nuôi trồng, khai thác, chế biến… mới ổn định được”, ông Bình chia sẻ.

Được biết, Trung tâm đã đăng ký bản quyền “Tạo vi khuẩn nhược độc đột biến gene Wzz làm vắc xin kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra”. Đây là loại vắc xin sử dụng phương pháp tắm cho cá tra được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, bệnh cá tra ở Việt Nam có thể gây tổn thất 20% sản lượng. Khi được ứng dụng rộng rãi, vắc-xin này mỗi năm mang lại nguồn lợi cả ngàn tỷ đồng nhờ giảm được khoản chi phí mua kháng sinh, các loại thuốc cho cá.

Vắc xin kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra đang được thử nghiệm ở quy mô hàng hóa và hết năm nay, khi nghiệm thu đề tài, đánh giá độ an toàn…, có thể triển khai thành sản phẩm thương mại. Cùng với đó, loại vắc xin kháng bệnh phù đầu xuất huyết cho cá tra cũng đang được Trung tâm chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ bản quyền. “Cạnh tranh bằng giá rẻ sẽ chẳng bao giờ bền vững. Vì vậy, vắc xin sẽ là một giải pháp để ngành thủy sản vượt khó”, ông Bình hào hứng với ước vọng lớn dành cho ngành thủy sản.

Đôi nét về TS. Nguyễn Quốc Bình
- Sinh ra ở Cà Mau, 6 tháng tuổi theo gia đình tập kết ra Đồng Hới (Quảng Bình).
- Năm 1986, nhận được học bổng ngành công nghệ sinh học Trường đại học Tổng hợp Kisinhov thuộc Cộng hòa Moldavia (Liên Xô cũ).
- Năm 1992, ông định cư ở Canada
- Được biết đến là một trong những người Việt Nam đi đầu trong nghiên cứu chuyển nạp gene trên cây trồng tại Trường đại học Laval, Québec, Canada.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư