Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tư duy tạo thuận lợi cho DN vẫn luôn bị đe dọa
Bảo Duy - 20/11/2014 07:56
 
Kiến nghị mới đây về việc bổ sung phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho thấy tư duy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn luôn bị đe dọa.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp nhắn tin trách Viện trưởng "vô cảm"
Sức quyến rũ của tự do kinh doanh
DN không nhất thiết phải có con dấu
Không nóng vội, nhưng không được trì trệ
Con dấu và câu chuyện tư duy quản lý

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) liên tục đặt câu hỏi về lý do của kiến nghị bổ sung phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

  Tư duy tạo thuận lợi cho DN vẫn luôn bị đe dọa  
  Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cần được thực hiện liên tục  

“Khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2000, những tranh luận về việc người thành lập doanh nghiệp có phải trình các loại giấy chứng nhận chứng minh mình không vi phạm pháp luật, không bị bệnh tâm thần… hay không cũng khá căng thẳng, nhưng quyết định cuối cùng là không. Đây là phần việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nếu cần. Tôi không nghĩ rằng, sau 14 năm, lại xuất hiện đề nghị này, dù là cá biệt. Nhất là khi nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đang được cả xã hội rốt ráo thực hiện, đặc biệt từ các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Quốc hội, Chính phủ”, ông Cung bức xúc.

Phải nói rõ, mục tiêu sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là tiếp tục đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ các yêu cầu, điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Quan điểm này đã được tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội tán thành ủng hộ và thể hiện trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét.

“Tư duy này phải được xuyên suốt trong cả hành động và lời nói của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là những người đứng đầu. Có như vậy, quan điểm xây dựng chính sách theo hướng ‘doanh nghiệp là đối tương quản lý’ mới có thể thay bằng quan điểm ‘hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành với doanh nghiệp’ như Chính phủ đang thể hiện. Tôi nghĩ là, những thay đổi này có lợi cho môi trường kinh doanh Việt Nam”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Trước đó, trong các ý kiến góp ý cho dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vào ngày 10/11 vừa qua, đã có ý kiến đề nghị bổ sung phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Ngay lập tức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò là Ban soạn thảo đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Nghĩa là, trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, tùy theo loại hình doanh nghiệp, người thành lập phải có bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu... hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác chứ không bắt buộc phải có lý lịch tư pháp.

Theo phân tích của ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Tổ phó Tổ biên tập Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), lý do không đồng tình với kiến nghị này vì nó đi ngược chủ trương triệt để cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Hơn thế, việc tạo thêm một yêu cầu, điều kiện không cần thiết cho thành lập doanh nghiệp sẽ tạo ra gánh nặng chi phí rất lớn cho nhà đầu tư và tốn kém cho xã hội trong thành lập doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật Lý lịch tư pháp, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp là 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, trường hợp cần xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích là tối đa 20 ngày. Về chi phí, theo quy định tại Thông tư số 174/2011/TT-BTC ngày 02/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp, lệ phí là 200.000 đồng/lần/người.

Như vậy, chỉ riêng việc bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào hồ sơ đăng ký kinh doanh thôi, người thành lập doanh nghiệp sẽ mất thêm ít nhất 10 ngày. Tính cho hàng chục ngàn doanh nghiệp thành  lập mỗi năm, chi phí tuân thủ có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đó là chưa kể nếu đề nghị này được chấp nhận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh quốc gia của môi trường kinh doanh Việt Nam mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang quyết tâm và nỗ lực hết sức để cải thiện thông qua việc triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 19/NQ-CP.

Có lẽ cũng phải nhắc tới điểm cộng trong đề xuất bỏ trần chi phí quảng cáo của Bộ Tài chính cho môi trường kinh doanh Việt Nam để minh chứng cho tác động tích cực từ cách ứng xử tin tưởng vào doanh nghiệp.

“Nhiều người chỉ thấy việc bỏ trần như là tháo gông cho doanh nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ cụ thể, song về ý nghĩa sâu xa, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cần bộ phận để tính đếm các chi phí của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng không phải xin-cho trong mỗi lần hạch toán chi phí liên quan đến hoạt động quảng cáo. Chi phí tuân thủ pháp luật của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ giảm đi rất nhiều. Ngược lại, niềm tin trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng lên”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi khi bàn về đòi hỏi cấp thiết về những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy xây dựng chính sách liên quan đến doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư