Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tư tưởng hội nhập nhìn từ hoạt động ngoại giao ngày đầu lập nước
Bá Thư - 03/09/2015 07:54
 
Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của Nhà nước mới, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác đối ngoại, mở cửa ra thế giới. Người còn đích thân tiến hành những bước đầu tiên của công tác ngoại giao, khởi đầu tiến trình hội nhập quốc tế.

Từ khi tuyên bố độc lập ngày 2/9 năm 1945 cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946), nước Việt Nam ở trong tình thế đặc biệt. Đó là thời kỳ cách mạng nước ta còn rất yếu về quân sự cũng như kinh tế, lại phải đối phó với nhiều kẻ thù, bị bao vây, cô lập hoàn toàn với bạn bè trên thế giới. Trong tình thế đó, hoạt động ngoại giao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo và đích thân tiến hành.

Tiến trình hội nhập khởi đầu từ Cách mạng tháng Tám

Chính buổi sáng 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân đồng bào và cũng là “trịnh trọng tuyên bố với thế giới” sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thông điệp trực diện tới các đỉnh quyền lực mạnh nhất toàn cầu khi đó, cụ thể là các nước Đồng minh:

“Chúng tôi tin rằng, các nước Đồng minh đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tehran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác đối ngoại, mở cửa hội nhập với thế giới 	(ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác đối ngoại, mở cửa hội nhập với thế giới (ảnh tư liệu)

 

Cùng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, các đại diện của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh…, một mặt thông báo sự ra đời của một quốc gia độc lập - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một mặt “yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc”.

Cuốn Hồ Chí Minh toàn tập (tập 4, xuất bản năm 2011) ghi lại, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Truman 8 bức thư, cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ 3 bức, cho Tưởng Giới Thạch 4 bức, cho Nguyên soái Stalin 3 bức và Liên hợp quốc 3 bức.

Đáng chú ý, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (tài liệu đã dẫn), được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi “gửi Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác của Liên hợp quốc”, Người đã đanh thép lên án thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, đòi Liên hợp quốc công nhận nền độc lập của Việt Nam, đòi nước ta được kết nạp vào Liên hợp quốc và được tham dự Hội nghị Ủy ban tư vấn Liên hợp quốc để bàn các vấn đề liên quan đến Viễn Đông sắp khai mạc tại Washington (Mỹ).

Bản Thông báo khẳng định: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: “Đồng thời, trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

(1) Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.

(2) Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân...”.

Trước đó, chỉ sau ngày tuyên bố độc lập một tháng, ngày 3/10/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cũng công bố chính sách ngoại giao, quan tâm tới các khía cạnh trong quan hệ quốc tế: Đối với các nước lớn thì “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”; đối với nước Pháp thì “mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”; với láng giềng thì “hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng tiến hóa”...

Theo GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), có thể nói đó là những nét cơ bản về chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta trong những ngày đầu cách mạng.

“Cách mạng tháng Tám, ngay từ phút đầu, đã ghi một điểm son trong thành tích phá vỡ thế cờ bao vây do các cường quốc sắp đặt hòng lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Từ đây, quốc gia Việt Nam xuất hiện trên trường quốc tế, không phải với thân phận của những kẻ nô lệ, mà trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Do vậy, có thể nói, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo hai tiền đề cơ bản cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đó là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế”, GS. Vũ Dương Ninh nói.

Ngoại giao nâng bước hội nhập

Với tiền đề cơ bản được xây nên bởi thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, Việt Nam đã tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó vai trò của ngoại giao ngày càng được khẳng định.

Thực tế là, ngay trong những văn bản lãnh đạo đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngoại giao đã được nêu là trọng tâm đầu tiên trong bốn trọng tâm kiến thiết đất nước (sau ngoại giao mới đến kiến thiết kinh tế, quân sự và giáo dục).

Không chỉ là chủ trương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ khi đó đã vận dụng và thực thi nhuần nhuyễn kênh ngoại giao để ứng phó kịp thời trước những diễn biến trong nước và quốc tế.

Đầu năm 1946, nhận định thực dân Pháp chắc chắn sẽ quay trở lại, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, rất cần có thêm thời gian hòa bình để chuẩn bị lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó kiêm Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên) đã thương lượng ký kết bản Hòa ước ngày 6/3/1946 với Pháp, góp phần tạo một giai đoạn hòa bình để cả nước chuẩn bị đấu tranh lâu dài.

Tiếp đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng những chiến thắng vang dội trên chiến trường thì trên mặt trận ngoại giao, với chiến lược vừa mềm dẻo, vừa kiên định, đanh thép, chúng ta cũng đã đi đến ký Hiệp định Geneva năm 1954 về việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và sau đó là ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Như vậy, ngay trong điều kiện đất nước phải tiến hành chiến tranh, ngoại giao đã đóng góp vào việc xây dựng, kiến tạo và ổn định nền hòa bình cho đất nước.

Trong 3 thập kỷ đổi mới, ngoại giao góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước thông qua việc xây dựng, phát triển, mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế với các nước, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho đất nước xây dựng và phát triển. Trong đó, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, muốn “làm bạn với tất cả các nước”, “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy”, là “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, thực hiện trong thời kỳ Đổi mới cũng chính là nền tảng tư tưởng “mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng”, “sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng ngay từ những ngày đầu lập nước.

Nói đến chủ trương hợp tác, hội nhập đó, có lẽ không thể không nhắc đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với những bước chuyển từ cựu thù thành đối tác.

Vốn công tác trong ngành ngoại giao từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ từng bước bình thường hóa quan hệ rồi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao hai thập kỷ trước, về sau là Bộ trưởng Bộ Thương mại, tham gia đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào tháng 7/2000, đóng vai trò quan trọng trong sự kiện Tổng thống B.Clinton sang thăm Việt Nam, có thể nói, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã không chỉ chứng kiến mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cả về chính trị và kinh tế.

Ông cũng là một trong những chứng nhân lịch sử của nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau này, như Việt Nam kết thúc đàm phán với Hoa kỳ về việc gia nhập  WTO; tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC ở Hà Nội năm 2006, Tổng thống G.Bush thăm Việt Nam và Hoa Kỳ dành cho nước ta Quy chế Thương mại bình thường thường xuyên (PNTR). Đặc biệt là tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một sự kiện mang tính biểu tượng rất cao trong quan hệ giữa hai nước.

Theo ông, không phải ngẫu nhiên, Bác Hồ đã trích một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào ngay đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ngày 2/9/1945 và nhiều lần gửi thư cho Tổng thống, Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Liên hợp quốc. Điều đó nói lên rằng, trong chủ trương đối ngoại, hợp tác, Bác coi trọng vị trí, vai trò của Hoa Kỳ và bày tỏ rõ thiện chí của nước ta. Tiếc rằng, khi đó, những tín hiệu ấy đã bị phía Hoa Kỳ bỏ qua. Nhưng với truyền thống hòa hiếu, nước ta đã chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, góp phần xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước như hiện nay.

“Chúng ta có thể hy vọng và tin rằng, chuyến thăm sẽ củng cố thêm nền móng mối quan hệ đối tác giữa hai nước, đi tới nhiều thỏa thuận làm cho mối quan hệ ấy vững chắc hơn, ở tầm cao hơn. Điều này rất có lợi cho hai nước và cho khu vực”, ông chia sẻ.

Ngoại giao phải đi đầu trong chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Nhân kỷ niệm tròn 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư