Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tưng bừng Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Thu Lê - 09/03/2015 09:00
 
Tối ngày mùng 6/3 (tức 16 tháng Giêng Ất Mùi), tại sân đá chùa Côn Sơn đã diễn ra lễ khai hội Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc và kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn. Lễ hội kéo dài từ ngày 4 đến hết ngày 13/3/2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khai hội Đền Trần Thái Bình, đón Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt
Trai làng lại hỗn chiến trong Lễ hội cướp Phết
Chơi đánh đu ở hội Lim, một thanh niên ngã phải nhập viện
Lễ rước kiệu Vua, Chúa độc đáo tại hội đền Sái

Làm theo lời Bác

Trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã xúc động nói: “50 năm qua, theo lời dặn dò của Bác Hồ, việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích luôn được người dân và các cán bộ, lãnh đạo tỉnh thực hiện. Đến hôm nay, Côn Sơn đã có một rừng tùng lâm xanh mát. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Và Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút nhiều khách thập phương

Điều này cũng đã được Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu chia sẻ: “Việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung và bảo vệ di sản văn hóa tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nơi đây đã trở thành chốn tùng lâm đẹp đẽ như Bác Hồ mong muốn và căn dặn khi Người về thăm”.

Ông Lương Văn Cầu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết, chốn “tùng lâm” Bác Hồ nói đến nay là một rừng thông rộng khoảng 1.500 ha, trong đó có khoảng 600 ha cây thông cũ, với nhiều cây có 200-300 năm tuổi.

Điểm nhấn của lễ khai hội năm nay là hoạt cảnh chèo “Côn Sơn in dấu chân Người” tái hiện lại hình ảnh Bác Hồ đến thăm Côn Sơn vào trưa ngày 15/2/1965. Khi đó, sau khi thắp hương ở chùa và tổ đường, Bác đã dừng lại bên tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Bác đã vừa dịch, vừa

giảng giải cho mọi người trong đoàn hiểu về nội dung của tấm bia. Tiếp đó, Bác cùng cả đoàn lên núi Côn Sơn, thăm phong cảnh Thanh Hư động và Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy tư việc nước. Tại đây, Bác đã căn dặn: “Cán bộ, nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”.

Để nơi đây mãi linh thiêng     

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm trên địa bàn thị xã Chí Linh, đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Ngày 18/6/2010, khu di tích này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích gắn với phát triển du lịch. Đến năm 2012, khu di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hàng năm, tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra 2 kỳ trọng hội, lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ thiền phái Trúc lâm Huyền Quang tôn giả (diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng âm lịch) và lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (diễn ra từ ngày 16 đến 20 tháng 8 âm lịch).  Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành tập tục văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. Đã có câu ca lưu truyền trong tình cảm của các thế hệ người dân đất Việt: “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm; nếu ai chưa đến, thiền tâm chưa thành”.

“Khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ, 50 năm qua, Hải Dương đã có nhiều hành động cụ thể để tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước”, ông Cầu nói và cho biết thêm, từ năm 1994 đến 2000, Hải Dương đã trùng tu chống xuống cấp hàng loạt hạng mục như toà tiền đường,  thượng điện, nhà tổ, tháp Huyền Quang, giếng Ngọc, đường lên Thanh Hư Động, nền nhà Nguyễn Trãi, Thạch Bàn, Bàn Cờ Tiên với trên 600 bậc đá... ở khu di tích Côn Sơn. Còn ở Kiếp Bạc, Hải Dương cũng đã trùng tu trên 1.500 m2 sân đền, giếng Mắt Rồng…

Không chỉ trùng tu, Hải Dương còn đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân, du khách đến thăm được thuận lợi. Tỉnh đã làm gần 5 km đường trải nhựa nội bộ di tích Côn Sơn; xây dựng gần 10 km đường dây tải điện 35 kV, hơn 1 km đường bê tông tại di tích Kiếp Bạc và các bãi đỗ xe. Gần đây nhất, sáng 6/3, tỉnh đã khởi công xây dựng Tòa Cửu Phẩm liên hoa chùa Côn Sơn.n

Trước đó, từ sáng mùng 4/3, người dân và du khách đã được tham dự nhiều hoạt động văn hóa dân gian phong phú. Trong đó, hội thi gói bánh trưng, giã bánh dày đã quy tụ được gần 150 người tham gia từ 11 đơn vị huyện, thị xã của Hải Dương. Hai đội nhất từ hội thi này đã được chọn để đại diện cho Hải Dương tham gia hội thi gói bánh trưng, giã bánh dày tại lễ giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng năm nay. Những chiếc bánh trưng, bánh dày đạt chuẩn đã được chọn để làm lễ vật trong lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, đền Kiếp Bạc, đền Nam tào,… vào sáng mùng 5/3.

Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, người dân và du khách còn được tham gia nhiều nghi lễ truyền thông như lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ cúng đàn Mông Sơn Thí Thực, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, trò chơi dân gian khác, như liên hoan pháo đất, giải vật dân tộc, viết thư pháp…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư