Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
'Tỷ giá chợ đen cuối năm không quá 21.700 đồng'
- 15/07/2013 13:48
 
Chỉ ra 3 yếu tố khiến tỷ giá tăng từ nay tới cuối năm, Trung tâm Thông tin Bộ Công Thương cũng nhận định xu hướng tăng này sẽ trong tầm kiểm soát, không xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp.  
TIN LIÊN QUAN
usd4-hh-500-1373853648_500x0.jpg
Tỷ giá ổn định trong 4 tháng đầu năm trước khi có những đợt sóng tăng trong tháng 5, tháng 6. Ảnh: Hoàng Hà.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo Tiền tệ tháng 6, trong đó chỉ ra các nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng cuối tháng qua và dự báo tình hình từ nay tới cuối năm.

Nhìn nhận về đợt tăng cuối tháng 6, trong số 4 nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng, các tác giả báo cáo cho rằng có một phần từ động thái chào bán kịch trần của Ngân hàng Nhà nước. Việc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chào bán đôla ở mức 21.036 đồng - kịch trần biên độ 1% (so với mốc tỷ giá trước khi tăng lên vào 28/6) điều này đồng nghĩa rủi ro sẽ cao hơn khi các ngân hàng giữ trạng thái âm ngoại tệ. Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại đã phải cố gắng duy trì trạng thái dương ngoại tệ, yếu tố tâm lý này là một trong những nguyên nhân gây xáo trộn trên thị trường.

Mặt khác, cầu USD để nhập lậu vàng tăng lên khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới luôn ở mức cao, có thời điểm chênh lệch tới 7 triệu đồng mỗi lượng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bán vàng để ổn định thị trường.

Nhập siêu tăng trở lại, đạt mức 1,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2013. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt như gạo, cà phê, thủy sản... đang gặp nhiều khó khăn do đó ngoại tệ mà các doanh nghiệp thu về và bán cho ngân hàng thương mại giảm đáng kể.

Chênh lệch lãi suất huy động VND và USD ngày càng bị thu hẹp khiến một bộ phận người dân chuyển từ gửi tiết kiệm VND sang USD, khiến cầu USD tăng.

ty-gia-1373853648_500x0.jpg
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: MOIT.

Theo các tác giả báo cáo, tỷ giá USD/VND 6 tháng cuối năm sẽ chịu tác động bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là nhập siêu có xu hướng tăng trở lại, do xuất khẩu suy giảm đồng thời nhu cầu nhập khẩu tăng. Điều này đồng nghĩa với việc cầu USD để nhập khẩu hàng hóa tăng, trong khi cung USD từ xuất khẩu giảm.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ giá vàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục can thiệp để ổn định thị trường vàng, nhưng giá trong nước vẫn hơn nhiều so với thế giới (khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng).

Các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay ngoại tệ cũng là một yếu tố gây áp lực với tỷ giá. Trên thị trường, ngoại tệ chủ yếu được mua bán thì trạng thái ngoại hối âm có thể tiếp tục tăng lên.

Báo cáo cũng chỉ ra 3 yếu tố giúp tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát. Lãi suất huy động và cho vay VND sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm, tuy nhiên, để đảm bảo giá trị VND, Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng giảm mạnh lãi suất huy động USD. Như vậy, lãi suất USD thấp và cam kết giữ ổn định tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến tâm lý găm giữ USD không còn tồn tại phổ biến trong nền kinh tế. Điều này làm loại trừ khả năng "sốt nóng" của tỷ giá trên thị trường gây những "cú sốc" cho nền kinh tế.

Thứ hai, nhu cầu ngoại tệ tăng lên nhưng nguồn cung vẫn được đảm bảo nhờ giải ngân vốn FDI ổn định. Giải ngân vốn FDI 5 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Mặt khác, dự trữ ngoại hối tiếp tục được đảm bảo sẽ là cơ sở tài chính vững vàng để Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giúp ổn định thị trường khi có những biến động lớn.

"Xu thế tăng tỷ giá thời gian qua chỉ mang tính thời điểm do mất cân bằng cung - cầu cục bộ. Trong 6 tháng cuối năm, các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá vẫn khá khả quan", báo cáo viết.

Báo cáo cho biết, Ngân hàng Nhà nước dù khẳng định không phá giá VND nhưng sẽ không cố giữ tỷ giá bằng mọi giá mà có thể điều hành linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thị trường tại từng thời điểm. Các tác giả dự báo, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm tiếp tục theo xu hướng tăng nhưng nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, do vậy xu hướng này không gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như gây xáo trộn đối với nền kinh tế. Nhiều khả năng, tỷ giá trên thị trường tự do cuối năm 2013 sẽ tăng lên mức 21.500 - 21.700 đồng mỗi đôla, do cầu tăng mà cung không đột biến.

Gần đây, trong những ngày đầu tháng 7, giá đôla Mỹ trên thị trường tự do tiếp tục tăng nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ 1% lên 21.036 đồng. Có thời điểm, đôla trên thị trường này gần chạm 22.000 đồng và giá chỉ giảm vào cuối tuần trước.

Đến nay, lạm phát đã không còn là một vấn đề quá lớn khi các chính sách tiền tệ của Chính phủ dần phát huy tác dụng với mục tiêu lạm phát chỉ từ 6-7%. Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Thông tin Bộ Công Thương vẫn lo ngại, tâm lý tích trữ vàng của người dân sẽ gây tác động tới thị trường vàng. Nguyên nhân theo các tác giả là các kênh đầu tư khác hiện cũng kém hấp dẫn, bất động sản đóng băng, gửi ngân hàng lãi suất không cao, chứng khoán nhiều rủi ro... "Đầu tư vàng sẽ tiếp tục là kênh đầu tư dài hạn của một bộ phận người dân không ưa mạo hiểm và có thói quen tích trữ vàng", Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương dự đoán

Thanh Thanh Lan

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư