Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tỷ giá tĩnh lặng đến bất ngờ
Thùy Liên - 28/07/2016 08:10
 
Thị trường ngoại hối trong nước tĩnh lặng không ngờ, bất chấp đồng nhân dân tệ mất giá kỷ lục và hệ lụy hậu Brexit còn kéo dài.

Ngân hàng Nhà nước “gặp may”?

Thông thường, từ quý II, tỷ giá bắt đầu biến động do giao dịch sôi động. Tuy nhiên, tỷ giá hiện tại khá im lìm, tỷ giá trung tâm còn thấp hơn so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng cuối năm 2015. Nói cách khác, tỷ giá đang giảm so với cuối năm ngoái. Mặc dù từ đầu năm đến nay, sóng tỷ giá có gợn lên ở một số thời điểm, song mức tăng không quá lớn, còn cách xa trần và không kéo dài.

Điều lạ nhất là nửa đầu năm nay, tỷ giá trong nước dường như “miễn nhiễm” với biến động của thị trường tài chính thế giới khi tăng không đáng kể, dù sự kiện Brexit diễn ra gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và đồng nhân dân tệ (NDT) tiếp tục mất giá kỷ lục.

Tỷ giá ổn định không hoàn toàn do ngân hàng Nhà nước gặp may. Ảnh: Đức Thanh
Tỷ giá ổn định không hoàn toàn do Ngân hàng Nhà nước gặp may. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tỷ giá ổn định là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “gặp may” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc tăng lãi suất. Bên cạnh đó, dù NDT tiếp tục mất giá, nhưng không có sự phá giá sốc, mà lại giảm nhỏ giọt, dần dần, khiến tỷ giá trong nước không gặp những cú sốc lớn. Trong nước, nguồn cung ngoại tệ dồi dào (giải ngân vốn FDI đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 1,7 tỷ USD, kiều hối gia tăng, dự trữ ngoại tệ tăng thêm khoảng 8 tỷ USD…) cũng giúp NHNN có thêm dư địa ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, tỷ giá ổn định không hoàn toàn do NHNN gặp may. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thời gian qua, NHNN đã có hàng loạt giải pháp đồng bộ chống đô la hóa khiến cầu ngoại tệ giảm mạnh. Bên cạnh đó, cơ chế điều hành tỷ giá mới cũng giúp thị trường bớt căng thẳng.

Phân tích nguyên nhân ổn định tỷ giá trong 6 tháng đầu năm, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: “Đó là nhờ NHNN chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới đã giúp giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng đã chuyển sang mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, qua đó giúp tăng dự trữ nhà nước”.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc NHNN thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm và “neo” với rổ 8 loại tiền tệ khác nhau đã khiến tỷ giá bớt nhạy cảm hơn với các biến động của thị trường tài chính toàn cầu.

Một điểm đáng lưu ý nữa là suốt nửa năm qua, NHNN đã ứng phó khá nhanh với các biến động thị trường, có tính toán trên cả yếu tố cung - cầu và tâm lý kỳ vọng, nhờ đó đã giúp thị trường ổn định. Doanh nghiệp được đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ, lãi suất huy động USD giảm về 0% đã giúp tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, các ngân hàng mua ròng ngoại tệ, giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối.

Còn ẩn số, song khó có cú sốc

Dù tỷ giá khá lặng sóng, nhưng không có nghĩa là NHNN có thể chủ quan, bởi còn rất nhiều ẩn số trong những tháng cuối năm. “Rủi ro biến động của những đồng tiền chủ chốt như EUR, bảng Anh, NDT, yên Nhật… vẫn rất lớn, nhất là khi quá trình đàm phán của Anh rút khỏi EU còn đang kéo dài. Nếu các đồng tiền trên biến động, USD sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến Việt Nam. Do đó, NHNN phải theo dõi chặt diễn biến của các đồng tiền trên thế giới và diễn biến tỷ giá trong nước để có giải pháp ứng phó kịp thời”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, VCBS cũng cho rằng, hậu Brexit, diễn biến của đồng NDT và quyết định của Fed về tăng lãi suất là ba yếu tố tác động lớn nhất đến tỷ giá cuối năm. Tuy nhiên, theo VCBS, tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ không có những cú sốc lớn. Cụ thể, trong báo cáo vừa mới công bố, VCBS dự báo biến động tỷ giá năm nay chỉ còn 1-3%, thay vì mức 4-5% như dự báo đưa ra đầu năm nay.

Hiện giới chuyên gia đưa ra nhiều cơ sở vững chắc cho ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm. Trước hết, cơ chế điều hành tỷ giá mới (tỷ giá trung tâm) cho phép NHNN ứng phó linh hoạt hơn với các biến động của thị trường. Nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào do giải ngân vốn FDI khả quan, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Khả năng Fed không tăng lãi suất từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, dù NDT vẫn đang mất giá, song nhiều khả năng, đà rơi của đồng tiền này sẽ bị hãm lại do Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách cứu vãn, bởi nếu NDT tiếp tục rớt giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh ra khỏi Trung Quốc.

Ngân hàng thương mại dè dặt tăng tỷ giá sau Brexit
Sáng nay (27/6), NHNN tăng tỷ giá trung tâm thêm 21 đồng so với đóng cửa tuần trước song tại các ngân hàng thương mại, giá USD mua vào thậm chí còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư