Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
UBND tỉnh An Giang họp báo vụ “bán” Đại học An Giang
Phú Khởi - 27/08/2015 17:31
 
Gần đây dư luận xôn xao trước thông tin UBND tỉnh An Giang “bán” Trường đại học An Giang cho một doanh nghiệp. UBND tỉnh An Giang vừa có cuộc họp báo thông tin chính thức về vụ việc này.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh chỉ mới ghi nhận ý tưởng và hoan nghênh Tập đoàn Sao Mai tham gia xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo. Sau khi làm việc với doanh nghiệp, UBND có thông báo yêu cầu một số sở, ngành xem xét, nghiên cứu đưa ra phương án, sau đó mới trình Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thông qua, rồi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Tỉnh chỉ mới đồng ý về chủ trương xã hội hóa, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để giúp Trường đại học An Giang
 phát triển theo mô hình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, chứ chưa thống nhất cổ phần hóa, hợp tác công tư (PPP), hay chuyển giao trường cho Tập đoàn Sao Mai”, ông Bình khẳng định.

.

 

Còn đại diện Tập đoàn Sao Mai cho biết, Tập đoàn xin tiếp nhận Trường đại học An Giang trên tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục hoạt động theo cơ chế tự chủ, hạch toán như doanh nghiệp. Đồng thời Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn. Trung tuần tháng 5/2015, Tập đoàn Sao Mai đã có văn bản xin Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh xem xét chấp thuận cho tiếp nhận Trường đại học An Giang để Tập đoàn đầu tư nâng cấp toàn diện, đưa Trường trở thành một đại học hàng đầu hàng đầu khu vực, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai lý giải thêm về quyết định xin tiếp nhận Trường đại học An Giang, là do Tập đoàn Sao Mai vốn đã hoạt động đa ngành, bên cạnh đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị, cụm công nghiệp, chế biến xuất khẩu thủy sản… thì còn tham gia lĩnh vực du lịch, tài chính, dịch vụ… Khi mở rộng hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề thì nhu cầu nhân lực có trình độ cao càng tăng lên, hiện số CB-CNV của Tập đoàn đã lên tới 6.000 người.

“Qua tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy trình độ các cử nhân tốt nghiệp từ nhiều trường ở ĐBSCL chưa đáp ứng được, chúng tôi chỉ tuyển được số ít rồi đào tạo lại rất tốn kém. Các em học tập suốt 4 năm trời mà kiến thức chuyên môn yếu quá. Chúng tôi cũng trăn trở, day dứt. Với năng lực của mình, chúng tôi muốn góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân có sự tư vấn, cam kết hỗ trợ của Tập đoàn và các giáo sư, tiến sỹ ở Mỹ, chúng tôi muốn xây dựng trường ĐH đạt chuẩn quốc tế tại ĐBSCL”, ông Thuấn chia sẻ.

Ông Thuấn cho biết, trước đó, với quỹ đất 600 ha ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), Tập đoàn lên kế hoạch xây dựng bệnh viện cao cấp 100 ha, xây dựng một khu đại học quốc tế trên mặt bằng 200 ha, diện tích còn lại là khu dân cư đô thị mới. Tuy nhiên, khi sau khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục, y tế của Chính phủ thì Tập đoàn mạnh dạn xin tiếp nhận ĐH An Giang.

Ông Thuấn giải thích, nếu ở Cần Thơ thì phải đầu tư mới toàn bộ từ cơ sở hạ tầng, trường lớp đến đội ngũ cán bộ, giảng viên mất nhiều thời gian. Trong khi ĐH An Giang tất cả đều đã có sẵn, chỉ cần đầu tư thêm, nâng chất thêm để trở thành một ĐH đạt chuẩn quốc tế. “Sao Mai là tập đoàn đa ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh thành, nhưng vốn hình thành, phát triển từ An Giang. Bên cạnh tình cảm gắn bó, chúng tôi thấy còn có trách nhiệm với địa phương nên cũng muốn tham gia đầu tư vào ĐH An Giang”, ông Thuấn nói.

Về dư luận cho rằng mở ĐH quốc tế ở An Giang khó thu hút người học, ông Thuấn chia sẻ: Số du học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài khoảng trên 120.000 người. Trong đó, ở ĐBSCL có hàng ngàn người đi du học, chứng tỏ nhu cầu học ĐH có chất lượng quốc tế ở vùng này khá lớn, vì muốn hưởng nền giáo dục, đào tạo có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.

“Với sự hỗ trợ của Tập đoàn và các giáo sư, tiến sỹ ở Mỹ, nếu ở An Giang có một ĐH quốc tế đào tạo có chất lượng và uy tín thì sẽ thu hút không chỉ thanh niên cả nước, thậm chí nhiều nước lân cận đến theo học. Vấn đề chính là uy tín, chất lượng”, ông Thuấn khẳng định.

Theo ông Thuấn, nếu tiếp nhận ĐH An Giang với cơ sở vật chất, trường lớp, nhân lực sẵn có, Tập đoàn sẽ tiến hành thay đổi phương thức quản lý, điều hành, tăng cường nguồn lực đầu tư cho trường. Hai năm đầu sẽ chi 1.000 tỉ đồng đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập đội ngũ CB-CNVC, xây dựng hệ thống, chương trình đào tạo.

Phần lớn CB-CNVC hiện nay sẽ được đào tạo thêm để phù hợp với hoạt động trong giai đoạn mới. Đầu tư vào giáo dục khó, đòi hỏi làm bài bản, dài hơi để phát triển bền vững, sau nhiều năm mới thu hồi vốn. Bên cạnh đó, đầu tư giáo dục cũng đòi hỏi khả năng quản trị, tiềm lực tài chính. Trường sẽ hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao theo hướng chuyên sâu, tập trung ở các ngành có nhu cầu thực tế, xã hội đang cần như khoa học kỹ thuật, kinh tế, luật, nông nghiệp, dịch vụ…

"Chúng tôi xác định đầu tư vào ngành giáo dục là đầu tư lâu dài, bền vững. Nếu chuyển đổi mô hình hoạt động ở ĐH An Giang thì Nhà nước không mất gì, trường vẫn còn đó và vẫn tiếp tục đào tạo. CB-CNV được tạo điều kiện nâng cao trình độ, phát huy năng lực, có cơ hội cống hiến. Chúng tôi có tiếp nhận thì chỉ nhằm tiếp thêm nguồn lực để trường phát triển tốt, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội tốt hơn”, ông Thuấn cho biết.

An Giang có 2 thành phố trực thuộc đạt chuẩn đô thị loại II
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận TP.Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang - địa phương duy nhất của khu vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư