Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ứng dụng gọi xe Việt 123Xe khác Grab, Uber như thế nào?
Tú Ân - 18/01/2017 15:29
 
Nếu như các tài xế của các ứng dụng gọi xe Uber, Grab đa phần chọn khách di chuyển quãng đường trong nội thành bởi lo ngại vắng khách chiều về, thì 123Xe chọn cách làm khác: phục vụ khách đường dài từ 15km tới 500km.
yyy
Ứng dụng gọi xe 123Xe của Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vina đã xuất hiện tại Hà Nội từ cuối tháng 12/2016.

Đây là một cách làm “lạ” của Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vina (thuộc VNG)  trong bối cảnh các ứng dụng gọi xe đã trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Chỉ nhận đường xa

Vài năm gần đây, sự bùng nổ của các ứng dụng gọi xe (taxi) đã khiến ngành dịch vụ này sôi động hơn bao giờ hết. Sự tiện dụng về thời gian, linh hoạt về giá cả và cả độ tin cậy khiến việc gọi xe từ các ứng dụng đã dần quen thuộc với những người thành phố.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2016, 123Xe-ứng dụng gọi xe thuần Việt của Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vina (thuộc VNG) chính thức được vận hành, đánh dấu sự bắt đầu của VNG trong việc tham gia vào thị trường gọi xe vận chuyển hành khách.

Ra đời muộn nhưng 123Xe có cách làm không giống với Uber hay Grab. Nếu như các “ông lớn” nước ngoài vẫn cho gọi xe đường dài (nhưng đa phần thì các “bác tài” lại không mong muốn đưa khách về quê bởi lo sợ chiều về sẽ không có khách) thì 123Xe lại “chuyên” phục vụ các đối tượng này và chỉ nhận khách khi di chuyển từ 15km-500km.

Cụ thể, khi cài đặt ứng dụng từ AppStore, GooglePlay, người dùng có thể lựa chọn các loại xe ôtô từ 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ, 29 chỗ và 45 chỗ. Cùng với các dòng xe thông thường, khách hàng cũng có thể chọn cho mình “xế hộp” cao cấp để di chuyển.

Ngoài việc giúp khách hàng đặt xe tức thì như các ứng dụng phổ biến trên thị trường, điểm cộng cho 123Xe chính là việc giúp khách hàng có thể đặt trước khoảng thời gian mà mình sẽ di chuyển để được tài xế phục vụ đúng giờ. Cùng với đó, để giúp khách hàng giảm bớt phí di chuyển đường dài, 123Xe có thể giúp hành khách đi ghép cùng người khác.

Về mức cước, 123Xe có mức cước khá cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống hay các ứng dụng gọi xe khác. Ví dụ như với xe 4 chỗ, giá thấp nhất sẽ là 7.500 đồng/km; xe 29 chỗ giá thấp nhất là 21.000 đồng/km… Ngoài ra, nếu chọn đi khứ hồi, khách hàng sẽ được hưởng mức giá ưu đãi rất lớn. Ví dụ như di chuyển từ Hoàng Mai (Hà Nội) về Thanh Hóa, giá một chiều là 1,212 triệu đồng nhưng nếu chọn khứ hồi, phí phải trả sẽ chỉ là 1,575 triệu đồng…

Trên thực tế, việc đặt xe bằng ứng dụng di động trong thời gian qua đã quen thuộc tại Việt Nam với sự góp mặt của Grab, Uber, giúp người dùng cảm nhận được sự thuận tiện cũng như tiện ích về giá, yên tâm về chất lượng dịch vụ từ các ứng dụng này đem lại. Tuy cũng là đặt xe nhưng với một số điểm khác biệt nói trên, VNG đang cho thấy một “cách đánh” mới vào thị trường ứng dụng gọi xe.

Sẽ về… thành thị?

Hiện vẫn chưa có thông tin về việc 123Xe có “đánh” vào phân khúc khách hàng ở nội thành hay không nhưng rõ ràng cách lựa chọn vào thị trường mà các tài xế của Uber, Grab có vẻ đang “lười” phục vụ là một cách đi mới dễ đem lại thành công của Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vina. Nhìn vào cái cách chọn hướng đi, chiến lược phân vùng khách hàng cụ thể, chính sách tính cước…, có thể thấy Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vina không giấu giếm tham vọng “săn” bằng được phân khúc khách hàng này.

Trước đây, trong mảng viễn thông, Viettel khi mới gia nhập thị trường đã không dám “lấy trứng chọi đá” với những “đàn anh” như MobiFone, VinaPhone vốn đang thịnh hành ở các thành phố, khu vực đông dân cư. Khi đó, Viettel dùng chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” và bây giờ trở thành doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam, có thị trường tại 10 quốc gia và là hình mẫu cho nhiều doanh nghiệp công nghệ. Do đó, cũng chẳng thể ngoại trừ 123Xe khi đã lớn mạnh sẽ mở rộng đối tượng phục vụ trên toàn quốc.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi người yêu công nghệ Việt Nam từng chứng kiến những sản phẩm dù “sinh sau đẻ muộn” của VNG đã rất nhanh chóng đã chiếm lĩnh thị trường. Tiêu biểu trong đó như ứng dụng nghe nhạc Zing Mp3 và đặc biệt là Zalo đang chiếm số 1 tại thị trường Việt Nam với hơn 60 triệu người dùng, 2 triệu khách hàng tại Myanmar sau khi ra mắt ở quốc gia này 6 tháng…

Với 123Xe, ứng dụng này cũng như một số sản phẩm khác như 123Phim,123Go… giờ đây còn được “chắp cánh” để bay xa hơn với hàng loạt những sản phẩm hỗ trợ trong hệ sinh thái mà VNG đã và đang xây dựng như cổng thanh toán trực tuyến ZaloPay, 123Pay hay quảng bá trên Zalo, Zing.vn…

Còn quá sớm để dự báo trước điều gì, nhưng người viết tin rằng với chiến lược riêng biệt của mình, 123Xe sẽ làm nên chuyện. Và biết đâu, câu chuyện viễn thông xưa kia sẽ được lặp lại một cách diệu kỳ…

Startup đắt giá nhất thế giới Uber chưa thể "kéo phanh" chặn đà thua lỗ
Kể cả khi Uber Technologies đã rút khỏi Trung Quốc, khoản lỗ của họ vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư