Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Unicorn duy nhất tại London: Định nghĩa mới về sáng tạo
Lam Phong (Theo Bloomberg) - 16/06/2016 07:28
 
Dự án khởi nghiệp cần phải sáng tạo tới mức nào để thành công?

Cái khó ló cái khôn

Năm 2007, Taavet Hinrikus chuyển từ Estonia tới London để làm việc tại Skype. Anh được trả lương bằng đồng euro thông qua tài khoản được mở tại Estonia. Hàng tháng, Hinrikus phải nhận tiền tại ngân hàng ở Anh và luôn cảm thấy tức điên bởi mức phí đắt đỏ, độc đoán và tỷ giá luôn biến động bất lợi. Thông thường, với mỗi 1.000 euro tiền lương, tương đương 685 bảng Anh với tỷ giá khi đó, anh chỉ nhận được thực tế 620 bảng Anh. Số còn lại sẽ nằm trong túi của các nhà băng.

“Đó luôn luôn là một cảm giác vô cùng tồi tệ”, Hinrikus cho biết.

.
Taavet Hinrikus và Kristo Käärmann

Cũng chuyển tới London từ Estonia, Kristo Käärmann gặp phải vấn đề tương tự: anh nhận lương bằng bảng Anh và thường gửi tiền về quê nhà. Trong một lần trò chuyện, cả 2 nhận ra họ thường chuyển một số tiền tương đương nhau, chỉ là ngược chiều. Một ý tưởng nảy ra, thay vì cả 2 phải thực hiện việc chuyển tiền quốc tế và chịu mất phí, Kristo có thể chuyển tiền bằng đồng bảng Anh từ tài khoản tại Anh của mình cho tài khoản mở tại Anh của Hinrikus, trong khi Hinrikus chuyển đồng euro từ tài khoản mở tại Estonia cho Kristo.

“Việc chuyển tiền nội địa không mất phí và được thực hiện nhanh chóng, trong khi chúng tôi có thế tiết kiệm một đống tiền nhờ không phải trả phí và quy đổi ngoại tế”, Hinrikus cho biết.

Ngay sau đó, cả 2 mở một phòng chat trên Skype cho những người Estonian đang sinh sống tại London, giúp các thành viên tìm được người cần chuyển số tiền tương đương với mình.

Năm 2010, Hinrikus và Kristo thành lập công ty với ý tưởng kể trên, đặt tên là TransferWise. Các khách hàng muốn chuyển tiền ra nước ngoài được đảm bảo một tỷ giá ở mức “trung bình”, đó là trong trường hợp TransWise không thể tìm được một khách hàng khác đang muốn thực hiện giao dịch chuyển tiền với số tiền tương đương theo chiều ngược lại, như cách mà Hinrikus và Kristo từng làm trước đây.

Unicorn là dự án khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

TransferWise không phải là dự án khởi nghiệp đầu tiên tại lĩnh vực ngoại hối, tuy nhiên chiến lược marketing hiệu quả khiến cái tên TransferWise gần như đồng nghĩa với việc chuyển tiền ra nước ngoài tại London. Tại trung tâm thành phố London, nơi cứ 10 người thì có 4 người là dân nhập cư từ nước ngoài, TransferWise mua quảng cáo tại các điểm trung chuyển xe bus, tàu điện ngầm, với hình ảnh miêu tả sự đau khổ của các khách hàng tại ngân hàng vào thời điểm họ biết được mức phí phải trả. Một chiến dịch khác là các nhân viên của Công ty mặc đồ ngủ ngủ gục tại sảnh ngân hàng, nhằm phản ánh việc người dân đã “ngủ quên” quá lâu trước thực tế bị các ngân hàng “bóc lột”.

Hiệu quả của các quảng cáo này khá rõ ràng. Tại Anh, TransferWise chiếm 5% các giao dịch chuyển tiền qua biên giới, theo số liệu mới nhất được công bố vào tháng 10/2015. Công ty hoạt động tại hơn 60 quốc gia, thực hiện các giao dịch trị giá 500 triệu bảng Anh mỗi tháng. TransferWise thường nằm trong danh sách những công ty sáng tạo nhất và được vinh danh là người tiên phong lĩnh vực công nghệ tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015.

Đầu năm ngoái, sau khi nhận được khoản đầu tư từ hãng đầu tư mạo hiểm Andreesen Horowitz (Mỹ) TransferWise trở thành dự án khởi nghiệp đầu tiên tại London đạt giá trị hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đánh giá này nhanh chóng bị thay đổi và Công ty đã thẳng thắn thừa nhận: cho tới tháng 5/2016, TransferWise mới chính thức là một unicorn.

Chuyển tiền qua biên giới – chuyện có gì mới?

Gần đây, tiếng tăm của TransferWise khiến nhiều “ma cũ” tại các thị trường tài chính tỏ ra nghi ngờ. Trong tháng 1/2016, Nick England, CEO của VFX, một hệ thống thanh toán khác tại London cho rằng TransferWise đang “tung hỏa mù” khiến nhiều khách hàng cảm thấy bối rối. Trong khi Mark Tluszcz, CEO Mangrove Capital, một quỹ đầu tư tại Luxembourg cho rằng, thông tin này chẳng có gì đáng chú ý.

“Chuyển tiền sao? Trời đất, Western Union đã làm việc này 100 năm nay rồi?”, Tluszcz nói.

Tất nhiên, giá trị và khả năng sáng tạo của TransferWise không chỉ nằm ở vấn đề giá cả. London là một trong những trung tâm tài chính – công nghệ với mức độ cạnh tranh khốc liệt nhất trên toàn cầu hiện nay. Trong năm 2015, riêng lĩnh vực này nhận được 962 triệu USD đầu tư. London cũng là nơi rất nhiều nhà băng lớn trên toàn cầu, như HSBC và Barclays, chọn là nơi đặt trụ sở các “lò đào tạo” tài năng trẻ về công nghệ của riêng mình. Việc TransferWise trở thành unicorn duy nhất tại đây ít nhiều cũng tạo được ấn tượng khá mạnh.

Theo Hinrikus, TransferWise hoàn toàn là một sáng kiến đáng giá. “Ý tưởng rằng bạn không cần phải là một ngân hàng lớn để cung cấp các dịch như thế này rõ ràng là một cuộc cách mạng. Trao cho mọi người cơ hội có được một dịch vụ tốt hơn cũng là một cuộc cách mạng”, Hinrikus nói.

Thực chất, mô hình chuyển tiền quốc tế mà không cần phải dịch chuyển qua biên giới không phải là mới, thậm chí đã tồn tại từ rất lâu. Hệ thống chuyển tiền quốc tế từ Trung Đông tới Nam Á thậm chí còn xuất hiện trước cả mô hình ngân hàng hiện đại như ngày nay. Western Union, hãng chuyển tiền khổng lồ được sáng lập năm 1851, đã sử dụng mô hình tương tự như vậy từ cách đây cả thế kỷ.

Tuy nhiên, có một vấn đề chung đối với mô hình này: rất ít khi có trường hợp chuyển cùng một số tiền vào cùng một thời điểm theo chiều ngược nhau, các công ty truyền thống phải dùng tài sản, đại lý của mình hoặc dựa vào các môi giới ở nước ngoài để thực hiện giao dịch tại nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng.

TransferWise thì khác. Công ty này cho biết, ít nhất 60% lượng giao dịch của họ được thực hiện bằng cách tìm được các giao dịch trùng khớp số tiền và thời điểm theo hướng ngược nhau, tại 20 “tuyến đường” giữa châu Âu, Mỹ, Anh và Australia.

Harsh Sinha, cựu nhân viên PayPal, hiện tại là phó phòng công nghệ của TransferWise cho biết, Công ty luôn nâng cấp phần mềm để có thể tự động tìm kiếm các giao dịch phù hợp, bao gồm cả các trường hợp phức tạp, như một giao dịch muốn chuyển từ bảng Anh sang USD, Công ty phải kết hợp 2 giao dịch chuyển từ USD sang euro, euro sang bảng Anh. Nếu TransferWise không thể tìm được giao dịch phù hợp, họ sẽ phải sử dụng tiền của mình để hoàn thiện yêu cầu và đợi một khách hàng khác sẽ chuyển số tiền tương đương theo chiều ngược lại sau đó. Đây là cách mà các công ty chuyển tiền truyền thống vẫn thực hiện.

Bên cạnh sự sáng tạo của phần mềm tìm kiếm, công ty còn sáng tạo theo nhiều cách khác nhau.

“Đối với khách hàng, họ không quan tâm đây có phải là giao dịch ngang hàng (peer – to – peer) hay không. Điều họ quan tâm là giá, tốc độ, sự thuận tiện và độ bao phủ”, Sinha cho biết.

Bởi vậy, TransferWise giữ các thủ tục ở mức đơn giản nhất có thể, cho phép khách hàng lặp lại giao dịch với chỉ một nút bấm và đưa ra các đường dẫn hết sức đơn giản, qua đó cung cấp hóa đơn và các thông tin cần thiết khác.

Chưa kể, Công ty đã phát triển công cụ tự động phát hiện các dấu hiệu gian lận và rửa tiền. Công ty đã thuê gấp đôi số kỹ sư công nghệ trong năm ngoái, hiện có khoảng 100 người. Một trong những dự án của họ là một hệ thống máy có thể dự báo khi nào Công ty nên mua ngoại tệ để đáp ứng một giao dịch không tìm được giao dịch ngược chiều thích hợp.

Tự tin liệu đã đủ để tồn tại?

Đối tượng khách hàng chính của TransferWise là các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ. Để nâng cao khả năng phục vụ, Công ty đã kết hợp với LHV Bank (ngân hàng tại Estonia) và Number 26 (ngân hàng di động đầu tiên và duy nhất tại Đức), đồng thời đang trong quá trình tìm kiếm đối tác tại Mỹ.

“Các ngân hàng truyền thống sẽ phải xây dựng một hệ thống tương tự chúng tôi, hợp tác với chúng tôi hoặc bị đào thảo khoải ngành kinh doanh chuyển tiền quốc tế này”, Hinrikus cho biết.

Theo Hinrikus, Western Union có doanh thu 5,5 tỷ USD trong năm 2015, hãng này có mức phí gấp 10 lần TransferWise. Hinrikus dự báo trong 1 thập kỷ tới, doanh số của Western Union sẽ giảm khoảng 80%, xuống chỉ còn hơn 1 tỷ USD, khi các khách hàng dần tìm tới những dịch vụ giá rẻ hơn.

Mặc dù Hinrikus cho rằng các ngân hàng truyền thống khó có thể trụ vững trong môi trường tài chính – công nghệ hiện tại, nhưng TransferWise không thể hoạt động nếu thiếu các nhà băng. Công ty cần có tài khoản ngân hàng tại mọi thị trường mà họ hoạt động, và phải dựa vào hệ thống chuyển tiền của các ngân hàng truyền thống để thực hiện các giao dịch trên toàn cầu.

TransferWise chưa thu được lợi nhuận, thậm chí còn lỗ 11,5 triệu bảng Anh trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2015, thời kỳ mới nhất có số liệu được công bố. Tuy nhiên, đa phần các dự án phát triển nhanh đều có chung thực trạng này. Liệu TransferWise có đang được thổi thồng? Theo các chuyên gia, có thể tổng kết rằng: các nhà băng đã “đục khoét” khách hàng khá nhiều khi thực hiện giao dịch chuyển tiền quốc tế trong một thời gian dài. TransferWise rất có thể đủ sáng tạo để thay đổi điều này.

Con đường trở thành “kỳ lân” duy nhất tại Nhật Bản
Năm 2012, Shintaro Yamada, khi đó đã 34 tuổi, trong tình trạng độc thân và chán nản với công việc của mình. Anh quyết định rời bỏ một vị trí “an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư