Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
USD tăng sát trần, chuyên gia dự báo điều chỉnh tỷ giá
Thùy Liên - 05/05/2015 11:02
 
Phiên giao dịch sáng nay (5/5), tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại bất ngờ tăng mạnh, chỉ cách trần 3 đồng/USD. Trong khi đó, giá vàng sụt giảm mạnh, lùi về sát mốc 35 triệu đồng/lượng.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV

Sau nhiều ngày lặng sóng, sáng nay (5/5), USD tại các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh thêm 20 - 30 đồng/USD so với chốt phiên chiều hôm qua.

Cụ thể, ngân hàng Vietcombank hiện niêm yết ở mức 21.600 – 21.660 đồng/USD (mua – bán), tăng 30 đồng mỗi USD so với tỷ giá cùng thời điểm hôm qua. Giá USD tại nhiều ngân hàng như VietinBank, ACB cũng được niêm yết ở mức tương tự.

Riêng tại Eximbank và Techcombank, giá USD bán ra sáng nay tăng vọt lên 21,670 đồng, chỉ còn cách trần 3 đồng (trần tỷ giá là 21.673 đồng/USD). Nguyên nhân USD thế giới tăng giá chủ yếu là do đồng tiền này trên thế giới đang mạnh lên. Từ đầu năm đến nay, USD trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng gần 240 đồng/USD.

Trái với đà tăng của tỷ giá, vàng sáng nay rớt giá tới 40.000 đồng/lượng. Lúc gần 10h sáng nay, giá vàng SJC tại Tp.HCM được niêm yết ở mức 34,95 - 35,01 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng trong nước diễn biến ngược chiều với giá thế giới. Đêm qua, đóng cửa thị trường Mỹ, giá vàng tăng 11 USD/ounce, lên 1.188,9 USD/ounce. Trên thị trường châu Á giá vàng cũng đang ở ngưỡng 1.187 USD/ounce.

Liên quan đến tỷ giá, trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2015 của mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra, cơ quan này cho rằng, tiền đồng đang được định giá cao. VEPR cũng cho rằng tỷ giá danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2% mà Ngân hàng Nhà nước đã vạch ra từ đầu năm dưới các áp lực hiện có nhưng sự điều chỉnh sẽ diễn ra vào quý IV tới.

“Việt Nam đang bước vào một chu kỳ chính trị mới, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm. Chúng tôi nhìn nhận khả năng kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (36,7 tỷ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV”, báo cáo của VEPR viết.

Theo VEPR, sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía, trong đó có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang USD. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại trong quý I không có tác động lớn, nhất là khi cán cân tổng thể vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD. Luồng kiều hối hàng năm hơn 10 tỷ USD đã che dấu tình trạng thâm hụt của Việt Nam khi trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Tổng thể cả năm 2015, theo VEPR, cán cân thương mại tổng thể vẫn đạt thặng dư khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1/3 thặng dư năm 2014.

“Nếu loại bỏ kiều hối thì thâm hụt thương mại có thể vượt qua thặng dư từ vốn (đầu tư trực tiếp và gián tiếp), có xu hướng làm trượt giá VND – và quả thực dữ liệu về tỷ giá hiệu dụng thực tế (REER) khẳng định VND đang bị định giá cao và mức độ cạnh tranh về giá của hàng hoá thương mại gặp bất lợi. Trong trường hợp VND tự do điều chỉnh thì cán cân thương mại sẽ cân bằng lại, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu”, VEPR nhận xét.

Theo VEPR, quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Fed, qua đó làm giảm mức tăng giá của USD, dường như đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Với diễn biến tỷ giá hiện nay, VEPR cho rằng đang theo hướng có lợi cho nhập khẩu, trong khi một số DN xuất khẩu bắt đầu cảm thấy năng lực cạnh tranh suy yếu do tỷ giá. Sự bất lợi sẽ lớn dần lên trong các quý sau, khi đồng EUR và YEN suy yếu theo đà nới lỏng tiền tệ của ECB và BoJ.

“Chúng tôi giữ quan điểm VND cần được cho phép trượt giá 3-4% một năm trong 2 - 3 năm, thông qua nhiều bước với biên độ 1-1.5%. Thêm vào đó, nhà điều hành cần xác định hiện tượng tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác đang ảnh hưởng lên VND và sức cạnh tranh hàng hoá Việt Nam, lường trước các thay đổi trong hành vi trao đổi thương mại và đầu tư. Sự giới hạn trong không gian chính sách có thể là cơ hội cho các công cụ và biện pháp trái thông lệ”, VEPR khuyến cáo.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản do Bộ Công thương tổ chức cuối tuần qua, nhiều DN cho biết, tỷ giá được "neo" thời gian qua đã khiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cho biết, việc USD tăng giá mạnh trong khi tỷ giá đứng im gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cà phê, nhất là trong bối cảnh của đối thủ lớn nhất của cà phê Việt Nam - Brazil lại hạ giá đồng nội tệ xuống rất thấp.

Tương tự, đại diện Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (Vasep) cũng cho biết, tỷ giá đang tác động bất lợi đến xuất khẩu. Vì vậy, nếu tỷ giá không thể điều chỉnh thêm do ổn định vĩ mô, Vasep đề nghị NHNN nên giảm sâu thêm lãi suất cho vay với xuất khẩu nông lâm thủy sản để tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho DN.

Doanh nghiệp xuất khẩu nhấp nhổm theo tỷ giá
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đang đau đầu tìm cách giảm bớt  khó khăn khi tỷ giá tiếp tục biến động.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư