Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Vấn đề nhức nhối của TP.HCM: “Vết sẹo” đô thị từ phân lô bán nền
Gia Huy - 08/11/2016 08:54
 
Sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, nhiều người dân đã tranh thủ phân lô tách thửa đất nông nghiệp để bán nền nhằm trục lợi.
TIN LIÊN QUAN

Bán đất lừa?

Mới đây, phóng viên Báo Đầu tư liên tục nhận được phản ánh của người dân ngụ tại quận 9, TP.HCM về việc lỡ mua phải đất do nhà đầu tư thứ cấp phân lô đất nông nghiệp bán. Dù tiền đã thanh toán hết, nhưng lại không nhận được đất để xây nhà, thậm chí có sàn bất động sản còn lừa bán một lô đất nền cho nhiều người.

Theo ông T.V.A, do nhu cầu về nhà ở, nhưng không mua được nhà ở xã hội, ông đành tìm mua một lô đất nền theo diện phân lô tách thửa để xây nhà ở. Ông được Công ty Bất động sản Đất Vàng tại đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) giới thiệu mua lô đất A18 rộng 55 m2 tại một dự án trên đường 22, phường Phước Long A, với giá 11 triệu đồng/m2.

Phân lô bán nền tràn lan dẫn tới nhiều hậu quả mà người dân hấng chịu.
Phân lô bán nền tràn lan dẫn tới nhiều hậu quả mà người dân hấng chịu.

“Công ty Đất Vàng còn yêu cầu tôi đóng thêm 57 triệu đồng tiền chênh lệch lô đất cho người mua trước bán lại cho tôi. Thấy rẻ, nên tôi chấp nhận đóng tiền theo 3 đợt, đã hoàn thành nghĩa vụ và Công ty cam kết tháng 5/2016 sẽ giao đất cho tôi xây nhà. Tuy nhiên, tới nay đã 5 tháng trôi qua, công ty này vẫn không thể giao đất cho tôi. Khi tìm hiểu tôi được biết, dự án này chưa được cấp phép, chưa có quy hoạch 1/500, nhưng chủ đất đã giao cho Công ty Đất Vàng bán hết. Ngoài ra, có trường hợp một lô đất, công ty này bán cho hai người và đều thu số tiền chênh lệch 57 triệu đồng”, ông A nói.

Cùng cảnh ngộ như ông A, có 13 hộ dân cũng phản ánh việc Công ty Đất Vàng bán đất tại dự án mà không giao đất. Bên cạnh đó, có nhiều hồ sơ trùng mã lô đất. “Tới đòi lại tiền thì Công ty Đất Vàng không chịu trả và nói đang thực hiện quy hoạch, cũng không chấp nhận trả số tiền 57 triệu đồng đã thu của dân với lý do giá chênh lệch căn hộ cho người mua trước bán lại”, bà Trần Thị Hương, một hộ dân mua đất phân lô bán nền của Công ty Đất Vàng nói.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc phát sinh từ việc phân lô bán nền tại TP.HCM. Cũng cần nhắc lại, tình trạng phân lô bán nền diễn ra rầm rộ từ năm 2014, khi Quyết định 33/2014/QĐ-UBND ban hành. Trên địa bàn Thành phố, đặc biệt ở các quận, huyện vùng ven như quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè... việc phân lô bán nền diễn ra nhiều nhất.

Công bằng mà nói, phân lô phần nào đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp. Nhưng ngược lại, Thành phố cũng phải trả giá đắt khi quy hoạch bị phá nát, đường sá nhếch nhác, hình thành các khu “ổ chuột” mới.

Mau sửa sai

Luật sư Trần Ngọc Lâm, Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty luật M&A cho biết, ông đang bảo vệ quyền lợi 5 thân chủ khiếu kiện các công ty bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp nhận tiền của người dân, nhưng không có đất để giao.

Lý do dẫn tới tình trạng này, theo ông Lâm, đó là do Quyết định 33/2014/QĐ-UBND có quy định: “UBND quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, đồng thời với việc thực hiện tách thửa đất”.

Lợi dụng quy định này, nhiều người dân có đất nông nghiệp cứ tự động tách thửa rồi bán, hứa hẹn với người mua là sẽ xin chuyển đổi sau. Người mua thì cứ thấy rẻ là mua, dẫn đến rủi ro nếu đất không xin chuyển đổi mục đích sử dụng được thì người mua coi như mất trắng.

Luật sư Lâm khuyên người mua nên chủ động khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, như vậy sẽ có thể đòi lại được tiền mua.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, có sai phải sửa, nhưng có những cái sai rất khó sửa và mang lại hậu quả nhiều mặt. Trong đó việc để phân lô bán nền tràn lan đã dẫn đến Nhà nước thất thu thuế rất lớn và ảnh hưởng đến quy hoạch, đến bộ mặt đô thị.

“Việc các địa phương hiểu không đầy đủ chủ trương của Thành phố, nên có dấu hiệu buông lỏng quản lý, lơ là trong kiểm tra, giám sát, dẫn đến hậu quả trên, tác động xấu đến quy hoạch phát triển của Thành phố”, ông Châu nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, tình trạng phân lô bán nền tràn lan dẫn tới hậu quả lớn như phá hỏng quy hoạch đô thị, mang lại gánh nặng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng. “Hậu quả của câu chuyện này rất nặng nề chứ không đơn giản, nếu không chấn chỉnh ngay lập tức thì sẽ tạo thành các “vết sẹo” của đô thị, rồi các cơ quan chức năng lại mệt mỏi giải quyết hậu quả. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp mạnh để chấn chỉnh thì việc này sẽ còn kéo dài”, ông Sơn nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư