Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Vẫn nhức nhối TNGT dịp Tết do rượu bia
 
Giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước, nhưng TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất vẫn ở mức cao khi cả nước xảy ra 218 vụ TNGT
TIN LIÊN QUAN
1

Sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày mùng 3 Tết, số vụ TNGT và số người chết đã giảm Đồ họa: N.Tường - Ảnh: K.Linh

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, tới đây CSGT và các lực lượng chức năng cần xử lý mạnh tay các hành vi lái xe vi phạm phổ biến như: Uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách... để kéo giảm TNGT những dịp lễ, Tết.

TNGT giảm cả 3 tiêu chí trong 7 ngày nghỉ Tết

Theo thống kê, trong 7 ngày Tết Mậu Tuất 2018, toàn quốc xảy ra 218 vụ TNGT làm chết và bị thương gần 200 người (bình quân gần 28 người/ngày). Ông bình luận gì về con số này?

Giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước, nhưng TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất vẫn ở mức cao khi cả nước xảy ra 218 vụ TNGT (chưa bao gồm 78 vụ va chạm giao thông) làm chết 195 người, bị thương 199 người. Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhưng TNGT trong dịp Tết luôn diễn biến phức tạp. Những con số đau lòng trên cho thấy tính chất nghiêm trọng của TNGT trong những ngày Tết so với ngày thường. Đây cũng là trăn trở lớn của chúng tôi và cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác ATGT. TNGT là điều không ai mong muốn, thế nhưng cứ mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, những thương vong, tang thương do TNGT vẫn xảy ra, để lại nỗi đau không nguôi ngoai cho người thân và xã hội.

TNGT diễn biễn phức tạp và đặc biệt tăng cao trong các ngày 30, 1, 2 Tết với trên 30 người chết mỗi ngày. Theo ông, vì sao TNGT những ngày này lại khó kiểm soát như vậy?

Nguyên nhân TNGT tăng cao trong dịp lễ, Tết do nhu cầu đi lại của người dân tăng. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp phải nói đến hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn.

Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu khiến TNGT trong dịp Tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là tình trạng sử dụng rượu bia. Tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết, cộng với tâm lý “Tết mà” của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên, ở các địa bàn nông thôn, đã khiến cho người điều khiển phương tiện dễ dàng vi phạm các quy tắc về ATGT như: Vi phạm nồng độ cồn, đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, quá tốc độ, chở quá số người quy định.

Trong mấy ngày Tết vừa qua, tôi trực tiếp thực địa một số tuyến giao thông ở các địa phương và nhận thấy tình trạng phổ biến là người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu bia, đi xe máy không đội MBH, chở quá số người cho phép. Thật buồn khi số nạn nhân TNGT được cấp cứu tại một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tăng hơn nhiều so với Tết năm trước. Qua xét nghiệm máu của 130 nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức, có đến 55 trường hợp dương tính với chất cồn, với nồng độ cao hơn mức cho phép, trong đó có cả nữ giới. Con số này cũng chưa phản ánh đúng thực tế, bởi có những nạn nhân từ địa phương xa chuyển đến, cấp cứu không kịp thời, rất lâu sau khi tai nạn xảy ra mới lấy máu xét nghiệm nên khó xét nghiệm được chất cồn.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc nhiều người tham gia giao thông kém ý thức chấp hành pháp luật giao thông, còn có nguyên nhân do lực lượng chức năng còn tâm lý nể nang, xuê xoa nên không kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông trong mấy ngày Tết.

3
Vụ TNGT liên hoàn giữa 2 ôtô và xe máy xảy ra trên QL1, đoạn qua xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ngày mùng 3 Tết khiến 9 người bị thương - Ảnh: Việt Trường

Phạt nghiêm vi phạm nồng độ cồn, tăng cường bảo đảm ATGT vùng nông thôn

Sau khi TNGT tăng 4 ngày liên tiếp trong dịp Tết, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công điện gửi các cơ quan chức năng về thực hiện nghiêm công tác bảo đảm trật tự ATGT ngày Tết. Ngay sau đó, TNGT đã giảm rõ rệt. Phải chăng các địa phương, lực lượng chức năng đã buông lỏng, chỉ đến khi có nhắc nhở mới làm, thưa ông?

Sau Công điện của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình vào ngày mồng 3 Tết, các cơ quan chức năng đã có điều chỉnh, tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm ATGT, ngăn chặn tai nạn. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, đưa nhiều thông tin cảnh báo về TNGT khiến người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông ngày Tết, qua đó TNGT giảm rõ rệt.

Cứ đến dịp Tết, tình hình TNGT lại gia tăng, số người tử nạn rất cao. Vậy theo ông, làm thế nào để kéo giảm TNGT trong những ngày Tết?

TNGT thường xảy ra nhiều trong dịp nghỉ lễ và dịp cao điểm. Đó là quy luật, nước nào cũng thế. Thế giới thống kê ngày 1/1 hàng năm là ngày số người tử nạn vì TNGT cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta xác định phải cố gắng làm sao giảm thiểu TNGT trong những ngày lễ, Tết.

Trước hết, chúng ta phải đảm bảo hoạt động vận tải phục vụ người dân tại các đô thị đi về các vùng quê đảm bảo ATGT. Thứ hai, chúng ta phải kiện toàn, chỉnh trang lại hạ tầng giao thông biển báo, vạch sơn, chiếu sáng phải đầy đủ. Thứ nữa, là phải đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, không chỉ tập trung ở thành phố mà cả khu vực nông thôn.

Chúng ta thấy ngày Tết ở thành phố rất vắng còn vùng nông thôn lại đông, giao thông phức tạp. Cho nên Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường lực lượng cấp tỉnh, huyện, xã để làm sao đảm bảo lực lượng khép kín địa bàn, người dân thấy hoạt động kiểm tra, kiểm soát thì ý thức tốt hơn. Cùng đó, tới đây phải tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền người dân khi đã uống rượu bia thì không lái xe. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT nhiều nhất trong dịp lễ, Tết.

Để bảo đảm ATGT trong các ngày sau Tết, Bộ Công an cần chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm ATGT. Lực lượng chức năng cần loại bỏ tâm lý nể nang, xuê xoa, nhất là phải phạt nghiêm các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến như vi phạm tốc độ, không đội MBH; vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới,

Bộ GTVT cần chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Sở GTVT các địa phương tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành. UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng liên ngành tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát nghiêm trên các tuyến kết nối đến địa điểm tổ chức lễ hội và khu vực diễn ra lễ hội.

Cảm ơn ông!

 

TP.HCM: Xảy ra gần 40 vụ TNGT trong 7 ngày Tết

Chiều 21/2, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, trong 7 ngày Tết, trên địa bàn TP HCM xảy ra 39 vụ TNGT, làm 3 người chết và 31 người bị thương. Trong đó, ngày mùng 2 Tết là ngày có số lượng người chết nhiều nhất với 6 vụ TNGT khiến 2 người chết và 5 người bị thương và ngày mùng 4 Tết, xảy ra 11 vụ, khiến 10 người bị thương.

Nguyên nhân chính của các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia và vi phạm luật giao thông như: Vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chạy quá tốc độ, chở quá quy định. Trong số các vụ TNGT trên không có vụ tai nạn nghiêm trọng và không xảy ra ùn tắc giao thông trên tất cả các quận, huyện địa bàn TP.

Đỗ Loan

Hà Nội: TNGT dịp Tết giảm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết tình hình ATGT trên địa bàn Thủ đô được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Toàn thành phố xảy ra 8 vụ TNGT, làm 8 người chết, 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 1 vụ (12,2%), giảm 1 người chết (12,2%), giảm 4 người bị thương (8%).

Để đảm bảo ATGT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đơn vị này đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng CSGT, Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông tại 89 vị trí chốt trực thường xuyên ùn tắc huy động 116 lượt người/một ca trực phân luồng đảm bảo giao thông vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Sở GTVT cũng phối hợp CSGT, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển hành khách, công tác đảm bảo ATGT tại các bến xe khách Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, đảm bảo công tác vận chuyển hành khách được an toàn và không có hành khách bị kẹt lại tại các bến xe.

Lê Tươi

 

 

 

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư