Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vào hè, gia chủ mệt mỏi vì ở nhà có quá nhiều cửa sổ
An Yên (VnExpress) - 12/05/2018 08:05
 
Vào mùa hè, nhà anh Tuấn (Hà Nội) như một chiếc hộp kính lớn tích nhiệt nên nóng bức và ngột ngạt không kém ngoài trời.

Hơn 10 năm trước, chị Thúy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua căn hộ trên tầng cao nhất của khu chung cư 11 tầng. Khi đó, chị quyết định chọn căn đầu hồi để mọi phòng đều nhận được ánh sáng tự nhiên, ít va chạm với hàng xóm nhất. Theo thiết kế, nhà chị có dạng gần giống chữ L, có thể mở cửa sổ ở ba phía.

Căn hộ rộng hơn 100 m2, với 3 phòng ngủ nhưng có tới 9 cửa. Chỉ có duy nhất phòng ngủ ở giữa có một cửa sổ, các phòng còn lại đều có 2 cửa trở lên.

Nhiều nhà phải đóng bớt cửa sổ để tránh cho phòng bị sáng lóa. Ảnh minh họa: AT.
Nhiều nhà phải đóng bớt cửa sổ để tránh cho phòng bị sáng lóa. Ảnh minh họa: AT.

Lúc đầu, cả gia đình đều rất hào hứng với nơi ở luôn ngập tràn ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, vào những tháng hè của Hà Nội, nhiệt độ trong nhà chị luôn cao hơn hàng xóm rất nhiều. Nắng chiếu gay gắt qua các khung cửa sổ, phả từ trần chung cư xuống khiến gia đình thường xuyên phải bật điều hòa.

Không chỉ vậy, một số cửa sổ trở thành vô dụng vì luôn phải che kín, nếu không sẽ thừa sáng, gây nhức mắt khi ngồi học, đọc sách...

Tự xây nhà ở để nhưng gia đình anh Tuấn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng gặp cảnh phiền toái vì nơi ở bị thừa sáng như nhà chị Thúy. Lô đất 120 m2 của anh Tuấn có bề ngang rộng lên tới 10m. Bởi vậy, anh bỏ chừa cả bốn phía để có thể thoải mái mở cửa sổ. Hai bên hông nhà có lối đi ra vườn sau. Nhờ vậy, anh không cần phải làm giếng trời giữa nhà mà mọi phòng đều sáng.

Trước và sau nhà có góc nhìn đẹp ra các khoảng cây xanh và hồ nước phía xa. Bởi vậy, anh Tuấn quyết định lựa chọn làm cửa sổ kính cao từ sàn tới trần, chạy dọc từ tầng 2 lên tới tầng 4 ở cả mặt tiền và phía sau.

Tuy nhiên, tới khi chuyển vào ở, thực tế không được như ý muốn của anh. Dù nhà nằm trong khu liền kề nhưng con đường trước mặt vẫn có khá nhiều xe cộ, người đi bộ qua lại. Bởi vậy, gia đình cũng không thể thường xuyên mở cửa sổ được vì bị ồn.

Ngoài ra, vào các ngày nắng, ngôi nhà 4 tầng hoành tráng với quá nhiều cửa kính sáng quá mức cần thiết. Không chỉ thế, các phòng có kính bao toàn bộ mặt tường trở nên nóng bức hơn, buộc phải kéo rèm dày suốt ngày. Phòng khách ở tầng một làm thông tầng với cửa kính cao khoảng 4m còn có cảm giác nóng hầm hập hơn cả bên ngoài.

Bởi vậy, mới ở được hơn một năm, anh Tuấn buộc phải thuê thợ dán phim cách nhiệt cho toàn bộ hệ kính trong nhà. Tổng số tiền bỏ ra lên tới 20 triệu nhưng nhà cũng chỉ bớt nóng phần nào. Vào các ngày nhiệt độ cao trên 35 độ C, gia đình vẫn phải bật điều hòa nhiệt độ thấp mới hết cảm giác bức bối.

Những khung cửa kính cao từ sàn tới trần nhà đem lại góc nhìn đẹp nhưng cũng có một số nhược điểm. Ảnh minh họa: BF.
Những khung cửa kính cao từ sàn tới trần nhà đem lại góc nhìn đẹp nhưng cũng có một số nhược điểm. Ảnh minh họa: BF.

KTS Vũ Hoàng cho biết, nhiều gia đình cũng gặp phải nỗi khổ "ngược" như chị Thúy và anh Tuấn. Nỗi ám ảnh nhà thiếu sáng khiến nhiều người luôn ưu tiên mua các căn hộ góc, có nhiều cửa sổ, hoặc xây nhà có cửa sổ kính rộng hết mức có thể. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu của gia đình bạn và có thể gây lãng phí một khoản tiền lớn.

Bởi vậy, trước khi mua nhà, bạn cần cân nhắc kỹ, gia đình có thực sự cần mua căn góc với số tiền chênh lệch hơn nhiều, hay chỉ cần một nơi ở với mọi phòng có đủ ánh sáng. Còn khi xây nhà, việc bố trí cửa sổ sẽ phải tính toán cẩn thận hơn, có sự góp ý của kiến trúc sư. Bạn không nên chạy theo các thiết kế mà mình thấy đẹp ở chỗ khác nhưng chưa chắc hợp lý với nhà mình.

Nhà sử dụng nhiều kính khổ lớn sẽ giúp bạn có tầm nhìn rộng ra bên ngoài nhưng có nhiều nhược điểm như khiến nhà nóng hơn, đồ gỗ trong nhà có thể nhanh hỏng do bị nắng chiếu quá nhiều. Nếu nhà có trẻ nhỏ, sử dụng cửa sổ kính khổ lớn chưa chắc đảm bảo an toàn. Gia chủ sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua được kính chất lượng tốt, có khả năng cách nhiệt.

Với nhà phố gần mặt đường ở Việt Nam, bạn cũng không nên làm toàn bộ mặt tiền là kính, sẽ thường xuyên phải đóng rèm để đảm bảo riêng tư.

Vội vã bán nhà khi chưa mua được nhà mới, chúng tôi chật vật đi ở trọ
Bán nhà cũ khi chưa tìm được nhà mới, anh Thảo không ngờ sau gần hai năm, anh không tìm nổi nhà phù hợp nên vẫn phải ở trọ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư