Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vì sao hàng loạt CEO Trung Quốc 'biến mất'?
Hà Tường (vnexpress) - 28/11/2015 11:35
 
Khi lãnh đạo nhiều công ty tên tuổi liên tục bặt tin, giới truyền thông cho rằng họ đang bị Chính phủ điều tra vì tham nhũng hoặc thao túng chứng khoán nước này.
TIN LIÊN QUAN

CEO chi nhánh Hong Kong của công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc vừa đột ngột mất tích trong tuần vừa qua. Vài tháng trước, câu chuyện tương tự xảy ra với chủ tịch một ngân hàng có tiếng. Không ai biết khi nào họ "tái xuất". Trong một vài trường hợp, họ trở lại sau hàng tháng trời mà không một lời giải thích.

Giới truyền thông cho rằng những CEO này đang vướng vào điều tra liên quan tới hối lộ hoặc giao dịch nội gián. Một vài vụ dính líu tới chiến dịch chống tham nhũng phát động năm 2013 bởi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Gần đây, các quan chức còn tiến hành truy cứu trách nhiệm sau khi chứng khoán lao dốc hè vừa qua.

Theo CNN, dưới đây là 4 vụ mất tích mới nhất:

1. Guotai Junan International

hang-loat-ceo-trung-quoc-bien-mat

Hiện tại, vẫn chưa ai liên lạc được với Yim Fung. Ảnh: Bloomberg

Yim Fung, CEO chi nhánh Hong Kong của công ty môi giới chứng khoán này vừa được thông báo là đã mất tích hôm thứ Hai vừa qua. Cổ phiếu Guotai Junan International rơi 12% sau thông tin không ai liên lạc được với Yim và cũng không rõ hiện ông đang ở đâu.

Truyền thông địa phương cho biết ông đang bị tạm giam để phục vụ điều tra một vị quan chức cấp cao - Yao Gang - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Yao từng là lãnh đạo tại Guotai Junan từ năm 1999 đến 2002, theo CSRC.

2. China Minsheng Bank

Đầu năm nay, một tạp chí uy tín của Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Mao Xiaofeng của China Minsheng Bank không thể liên lạc được do đang trong quá trình bị điều tra. Tiếp đó, vào tháng 2, nhà băng này cho biết ông Mao đã từ chức vì lý do cá nhân. Kể từ đó, cổ phiếu Minsheng giảm 20%.

Một vài cán bộ tài chính cấp cao khác cũng bị cuốn vào những cuộc điều tra của Chình phủ, như Zhang Yun - Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hay Xu Xiang - Giám đốc Zexi Investment tại Thượng Hải.

3. China Aircraft

Ngày 17/06, CEO Poon Ho Man viết thư xin từ chức không rõ lý do sau kỳ nghỉ phép một tháng. Tuy nhiên, truyền thông đưa tin ông có dính líu tới một cuộc điều tra nhằm vào China Southern Airlines - một trong những đối tác của công ty.

"Ngoài những thông tin trên báo, ban lãnh đạo công ty không biết thêm gì về các cuộc điều tra hay tình trạng hiện tại của ông Poon", China Aircraft cho biết.

Sau vụ việc, cổ phiếu công ty giảm 19% chỉ trong ngày 19/6. Mức giảm từ đầu năm là 26%.

4. Hanergy

Chủ tịch Hanergy, Li Hejun, đã không tới dự Đại hộ cổ đông hồi tháng 5, sau khi cổ phiếu công ty mất 47% chỉ sau một giờ. Cổ phiếu hãng này vẫn đang bị ngừng giao dịch và vẫn chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra.

Nhiều nhà phân tích đã nghi ngờ về sự phất lên đột ngột của Hanergy, khi cổ phiếu hãng này trước đó tăng 625% năm nay, trước khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Nghi vấn thao túng thị trường và thổi phồng lợi nhuận được đặt ra sau khi hãng tuyên bố 60% doanh thu đến từ công ty mẹ.

Phát ngôn viên Hanergy sau đó cho biết Li đã tới tham dự buổi khai mạc triển lãm năng lượng sạch thay vì Đại hội cổ đông. Cuối tháng năm, Ủy ban Chứng khoán Hong Kong tuyên bố đang tiến hành một cuộc điều tra chính thức nhằm vào Hanergy, nhưng không cho biết chi tiết.

Thông báo này làm dấy lên nhiều nghi vấn, đặc biệt khi Li từng quả quyết rằng cổ phiếu Hanergy sẽ giảm. Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi trong một bài phát biểu hiếm hoi hồi tháng 9, Li phủ nhận việc bán khống cổ phiếu, và đổ lỗi cho các nhà đầu tư bên ngoài là nguyên nhân khiến cổ phiếu công ty tuột dốc không phanh.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư