Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vì sao hàng Việt khó vào siêu thị nước ngoài
Mạnh Bôn - 19/09/2015 09:02
 
Những thuận lợi, khó khăn với Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế sẽ được đề cập tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tuần này. Theo TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan khi hội nhập, việc đưa hàng sản xuất trong nước vào hệ thống siêu thị nước ngoài là không hề đơn giản.
.
TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Qua theo dõi quá trình hội nhập kinh tế, ông đã từng rất lo ngại các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đưa hàng “chính quốc” vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Nhưng thưa ông, trên thực tế, họ đang giúp doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị?

Hiện nay, lưu thông hàng hóa chưa thực hiện đầy đủ theo các cam kết thương mại tự do, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, hàng hóa tiêu dùng vẫn phải chịu thuế nhập khẩu, dù đã giảm so với trước. Nhưng sắp tới, khi thực hiện cam kết trong các FTA với mức độ mở rộng, nhanh và sâu hơn, hàng rào thuế quan bị vô hiệu hóa, thì bức tranh sẽ khác xa so với bây giờ. Lúc đó, hàng hóa được tự do di chuyển như một dòng chảy, ai tổ chức tốt khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu được mẫu mã, chất lượng, giá thành; ai tổ chức tốt khâu logistics; ai làm chủ được hệ thống phân phối, người đó sẽ đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoàn toàn, liệu các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có tiếp tục mua hàng hóa của Việt Nam để bán trong hệ thống siêu thị?

Hệ thống siêu thị là khâu trung gian, chỉ mua hàng hóa tại những nơi tổ chức tốt khâu sản xuất, lưu thông và logistics. Thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân đang giảm rất mạnh, nên số lượng các mặt hàng này được bày bán trong hệ thống siêu thị sẽ ngày càng nhiều và lấn lướt hàng hóa sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn và tìm nhiều biện pháp đưa hàng vào hệ thống siêu thị nước ngoài để vừa bán trong nước, vừa là cầu nối để xuất khẩu qua hệ thống thương mại toàn cầu, nhưng việc này vô cùng khó khăn, vì hàng hóa sản xuất trong nước có mẫu mã đơn điệu, hình thức không bắt mắt, chất lượng bình thường, giá thành không cạnh tranh…

Là chuyên gia về phân phối, bán lẻ, ông dự báo thị trường này sẽ ra sao trong tương lai gần?

Muốn làm chủ được chuỗi cung ứng thì phải “cắm sâu” vào thị trường và gần gũi với người tiêu dùng, đây là vấn đề cốt tử trong hoạt động phân phối. Vì gần gũi với người tiêu dùng, nên họ hiểu khách hàng của họ cần loại hàng hóa gì, mẫu mã ra sao, chất lượng thế nào…, từ đó đặt nhà sản xuất làm ra đúng loại hàng hóa đó. Vấn đề là doanh nghiệp trong nước, nông dân Việt Nam có sản xuất được hàng hóa theo đúng yêu cầu của nhà bán lẻ hay không, nếu không thì tương lai nhãn tiền là hàng hóa nhập khẩu được bày bán trong hệ thống siêu thị ngày càng nhiều lên.

Để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị nước ngoài, Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đặt ra rất nhiều mục tiêu. Muốn thực hiện được Đề án này, theo ông cần phải làm gì?

Để làm được điều này, về phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có rất nhiều việc phải làm, trước mắt phải có chính sách khuyến khích người sản xuất đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch, chế biến, lưu thông để giảm chi phí, hạ giá thành. Nhưng theo tôi, doanh nghiệp vẫn là người quyết định. Vì hàng hóa đến được với người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị phải qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn từ sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông… Trong tất cả các khâu này, doanh nghiệp phải nâng được năng suất lao động, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm hao hụt, bảo đảm được chất lượng…, thì mới có cơ hội “chen chân” vào hệ thống siêu thị nước ngoài.

Là 1 trong 200 tập đoàn bán lẻ hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại sao Saigon Co.op mart không mở hệ thống siêu thị ở nước ngoài để tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống bán lẻ?

Đã là nhà phân phối bán lẻ thì ai cũng có tham vọng mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị trường, nhưng trước khi thực hiện tham vọng, phải so sánh mình với các đối thủ về tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu, công nghệ, nguồn nhân lực… Khi chưa thể so sánh được với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, thì cắm chân được ở thị trường nội địa đã là tham vọng.

Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nằm trong Top 500 nhà bán lẻ lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi nghĩ trong tương lai gần, các nhà bán lẻ trong nước cũng phải tính đến việc mở hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng ở nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước.

"Bài học bó đũa" trong hội nhập
Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do không phải là cạnh tranh về giá hay công nghệ, mà là sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư