Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vì sao ông lớn ngành giáo dục Nhật Bản rót vốn vào một doanh nghiệp non trẻ Việt Nam?
Anh Hoa - 24/10/2017 07:50
 
Lần đầu tiên trong lịch sử kinh doanh gần 50 năm, Tập đoàn ISA, “ông lớn” trong ngành giáo dục Nhật Bản thực hiện thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với một công ty non trẻ Việt Nam nhằm hiện thực hóa chiến lược phủ sóng giáo dục toàn cầu.

Đánh nhanh, thắng nhanh

Tập đoàn ISA (ISA) và Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam (GPA) vừa trở thành đối tác chiến lược khi ISA đầu tư một phần vốn chủ sở hữu vào GPA. Con số cụ thể không được tiết lộ, nhưng theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ISA sẽ sở hữu 10% cổ phần tại GPA.

Thương vụ diễn ra khá nhanh chóng (trong vòng 6 tháng), không chỉ vì hai bên đã biết nhau từ trước, mà lý do chính là bởi chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của ISA. Đáng chú ý, GPA là công ty đầu tiên ISA đầu tư vào theo hình thức mua cổ phần và cũng là công ty đầu tiên ISA hợp tác để thực hiện chiến lược mở rộng ở khu vực Đông Nam Á.

Với khoản đầu tư của ISA, GPA sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng của trung tâm ngoại ngữ, tổ chức trại hè quốc tế ở nhiều điểm đến trên toàn thế giới.
Với khoản đầu tư của ISA, GPA sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng của trung tâm ngoại ngữ, tổ chức trại hè quốc tế ở nhiều điểm đến trên toàn thế giới.

Hai năm trước, bà Đào Thu Hiền, người sáng lập và là Tổng giám đốc GPA đã gặp những người sáng lập của ISA Inc. tại Tokyo trong chuyến thăm Nhật Bản để tìm hiểu về các tổ chức giáo dục của họ. ISA được Chủ tịch Masaru Kurahashi khai sinh từ năm 1970 và trở thành người tiên phong “quốc tế hóa giáo dục Nhật Bản” bằng cách đưa học sinh Nhật Bản sang các nước nói tiếng Anh, giúp các em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức văn hóa, kỹ năng mềm và xây dựng một “tầm nhìn cá nhân”.

ISA đi đầu trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng trong môi trường quốc tế ở Nhật Bản. Từ đó tới nay, Công ty đã đưa 400.000 lượt học sinh Nhật Bản tham gia các chương trình du học ngắn hạn tại các nước Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Anh nơi ISA sở hữu các công ty con và chi nhánh. Trong thời gian tới, ISA muốn tập trung vào thị trường châu Á.

“Tôi đã bị thuyết phục khi tới thăm GPA, nói chuyện với các nhân viên, quan sát một trại hè và các lớp học tiếng Anh hồi tháng 6 vừa qua. Khi chúng tôi hợp tác với nhau, GPA và ISA có thể tạo ra những cơ hội mới để giúp nhiều thanh thiếu niên Việt Nam và Nhật Bản phát triển tài năng, xây dựng động lực, để đóng vai trò tích cực trong một thế giới toàn cầu hóa”, ông Atsushi Ikegame, Giám đốc điều hành ISA cho biết.

Ông Atsushi Ikegame phân tích, hiện các nước châu Á đang đóng vai trò quan trọng trong xã hội toàn cầu, mở rộng hiểu biết về châu Á và tôn trọng châu Á là một khía cạnh không thể thiếu của giáo dục quốc tế. Châu Á đã trở thành trọng tâm trong chiến lược của ISA.

Gần đây, thời gian đang là điều vô cùng quan trọng đối với các công ty Nhật Bản trong việc mở rộng ra nước ngoài. Điều này đúng với ISA - tập đoàn giáo dục lớn của Nhật, với doanh thu 75 triệu USD năm 2016. ISA đã gặp GPA và không ngần ngại quyết định đầu tư để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược nêu trên của ISA.

Theo ông Atsushi Ikegame, lý do chính thúc đẩy ISA chọn GPA vì hai bên có chung tầm nhìn: giúp lớp trẻ trở thành công dân toàn cầu qua các trải nghiệm giáo dục quốc tế ở trong nước và nước ngoài. ISA có bề dày lịch sử trong lĩnh vực giáo dục, nhất là trại hè và du học ngắn hạn chính là mảng GPA đang muốn mở rộng. ISA muốn cùng GPA tổ chức các chương trình cho học sinh Nhật tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam, một thị trường đang nhận được sự quan tâm hàng đầu ở Nhật Bản.

Lần đầu tiên trong lịch sử kinh doanh của mình, ISA chính thức thiết lập một liên minh với một công ty châu Á. Trước đây, ISA luôn đề cao các chất lượng sản phẩm giáo dục của mình, nên mỗi khi đến nước nào đó, dù thời gian chuẩn bị có kéo dài tới đâu, tập đoàn này đều phải mở văn phòng trực tiếp. Tuy nhiên, điều đó không còn phù hợp trong bối cảnh này.

“Chúng tôi cần khởi động các kế hoạch kinh doanh nhanh hơn, chúng tôi không muốn mất cơ hội. Chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và cần một đối tác để hiểu hơn về thị trường Việt Nam, dựa vào họ để thâm nhập thị trường nhanh hơn”, ông Atsushi Ikegame cho biết.

Đặc biệt, như nhiều công ty giáo dục Nhật Bản khác, ISA phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản khiến họ đang thiếu học sinh. Tình trạng này khiến ISA phải đối mặt với áp lực tăng trưởng. Nhưng yếu tố quan trọng hơn, theo ông Atsushi Ikegame là “mọi người đang sống trong thế giới không biên giới, đan xen nhau, buộc các công ty phải thay đổi chiến lược”.

Trong khi đó, GPA mong muốn trở thành một công ty toàn cầu. Việc M&A với ISA sẽ giúp GPA có bệ phóng mạnh hơn và chuyên nghiệp hóa hơn. 

Vẽ lại địa bàn kinh doanh

Với khoản đầu tư này, GPA sẽ mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng của trung tâm ngoại ngữ. GPA Camps cũng sẽ phối hợp với mạng lưới của ISA để tổ chức trại hè quốc tế ở nhiều điểm đến trên toàn thế giới, và ngay hè năm 2018 sẽ có chương trình ở Mỹ, Canada, New Zealand và Nhật Bản. Đối với trại hè quốc tế trong nước, GPA sẽ tập trung vào sáng tạo, mở rộng và đẩy mạnh phối hợp với các trường phổ thông. Trong mảng du học, GPA sẽ tiếp tục đào tạo tư vấn viên và nhân viên, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và mở rộng ra các nước khác ngoài Mỹ và Canada.

ISA đã tiên phong trong lĩnh vực du học ngắn hạn và trại hè quốc tế ở Nhật Bản từ những năm 1970 và có bề dày kinh nghiệm làm việc với các trường học để cung cấp các chương trình chất lượng cho học sinh Nhật. GPA sẽ làm việc với ISA để nhân rộng mô hình này tại Việt Nam.

Theo bà Hiền, sự tiếp cận với chuyên môn, mạng lưới các công ty con và chi nhánh của ISA, GPA sẽ mở rộng các trại hè quốc tế đến nhiều điểm đến trên toàn thế giới, bao gồm kế hoạch thiết lập các chương trình trao đổi hai chiều giữa học sinh Việt Nam và Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự học hỏi về văn hoá và giá trị.

Đối với chương trình trại hè trong nước, GPA sẽ học hỏi kinh nghiệm quản lý chương trình ở quy mô lớn của ISA để tiếp tục nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, mảng kinh doanh trại hè đang có nhu cầu lớn tại Việt Nam và cũng là thế mạnh nhất của ISA.  Do đó, ngoài việc đẩy mạnh mảng kinh doanh trại hè tại Việt Nam, hai bên sẽ mở rộng mảng đào tạo tiếng Anh kỹ năng, tư duy học thuật để nâng cao cho học sinh khi đi du học và đi làm. Đây là thị trường ngách của GPA vì các trung tâm khác chủ yếu dạy tiếng Anh giao tiếp.

Trong tổng doanh thu 75 triệu USD năm 2016 của ISA, trại hè ngắn hạn (thu - đông - hè) chiếm 70%, 20% là trại hè 3 tháng, 10% đến từ chương trình đào tạo tiếng Anh cho học sinh và giáo viên.

Trong khi đó, 35% doanh thu năm 2016 của GPA đến từ mảng trại hè, 35% tư vấn du học, còn lại thuộc về đào tạo Anh ngữ.

Đặc biệt, trong thời gian tới, GPA sẽ có động thái thâm nhập thị trường TP.HCM nhiều hơn, nhưng trước mắt, với 80% doanh thu, Hà Nội vẫn là thị trường trọng tâm.

Theo bà Đào Thu Hiền, phụ huynh ở Hà Nội đầu tư rất lớn cho con em, vì tư duy dài hạn, chăm chú việc con học hành nhiều hơn, tham vọng hơn kết quả học tập. Trong khi đó, tại TP.HCM, các phụ huynh để con tự quyết định nhiều hơn trong một môi trường ít quan tâm tới bằng cấp…

Đối với ông Atsushi Ikegame và Chủ tịch ISA Masaru Kurahashi, đầu tư vào GPA có thể là thương vụ đầy rủi ro. Bởi thị trường Việt Nam quá mới, nhưng hai bên sẽ có những thoả thuận để quản trị rủi ro.

Thậm chí, ông Atsushi Ikegame không ngần ngại bày tỏ ý định sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại GPA lên, nhưng với điều kiện cần làm GPA tăng trưởng tốt.

“ISA không nhất thiết phải sở hữu cổ phần chi phối, họ đang có vị trí tốt tại Việt Nam. Chúng tôi đầu tư vào GPA vì muốn mở rộng ISA, chứ không phải đầu tư tài chính đơn thuần”, ông Atsushi Ikegame nói.

Còn đối với bà Đào Thu Hiền, GPA có tham vọng “phủ sóng” toàn cầu, không chỉ phục vụ ở Việt Nam. “Chúng tôi không quan trọng ai làm chủ, mà mong có người đồng hành để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng”, bà Hiền cho biết.

Toan tính của Vinamed sau sáp nhập Mediplast
Việc chính thức nhận sáp nhập Công ty cổ phần Nhựa y tế (Mediplast) chỉ là bước khởi đầu nhằm hiện thực hóa những kế hoạch nhiều tham...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư