Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vì sao Thực phẩm Sao Ta đổi chủ?
Anh Hoa - 14/01/2018 13:28
 
Thực phẩm Sao Ta là thương vụ đầu tư M&A rất thành công của Thủy sản Hùng Vương và “người” kế nhiệm The Pan Group.

“Gà đẻ trứng vàng”

Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã thoái hết vốn (54,28%) tại Công ty Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC), với giá bình quân 23.000 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 487 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Quản lý quỹ SSI sở hữu 19,97%, Thủy sản Bến Tre (ABT) sở hữu 20,1% và trở thành 2 cổ đông lớn. Số còn lại hơn 5,6 triệu cổ phiếu cũng đã giao dịch thỏa thuận ngày 15/11/2017. Trong đó, ABT do The Pan Group sở hữu 72,8% cổ phần.

Theo đó, The Pan Group đã đầu tư khoảng 180 tỷ đồng để sở hữu 20,1% cổ phần tại FMC. Tập đoàn này đang thực hiện thủ tục chào mua công khai để nâng tỷ lệ sở hữu của FMC lên trên 55% trong tháng 1/2018 này. Dự kiến, The Pan Group chi tổng cộng khoảng 300 tỷ đồng để thâu tóm Thực phẩm Sao Ta.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Trung
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Trung

Việc HVG thoái vốn Thực phẩm Sao Ta - một công ty chủ chốt trong chiến lược tiến sang ngành chế biến tôm của Hùng Vương, đồng thời cũng là công ty đang có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống Hùng Vương, gây nhiều bất ngờ với giới đầu tư.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, nguyên nhân thoái vốn nhằm giảm nợ vay ngắn hạn. Tổng nợ vay của Hùng Vương trên báo cáo hợp nhất năm 2017 là trên 7.800 tỷ đồng, trong đó, vay ngắn hạn khoảng 7.000 tỷ đồng và dài hạn 800 tỷ đồng. Với số nợ vay trên, ông Minh khẳng định, Công ty không thể hoạt động được với quy mô của tập đoàn và doanh số trong tương lai khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng, cũng như không thể nuôi được lực lượng lao động lâu dài.

Hiện HVG đã thực hiện thoái vốn ở FMC và một số lô đất. HVG đang cân nhắc tiếp tục thoái vốn ở Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agrifish). Riêng khoản thoái vốn tại FMC và Việt Thắng, ông Minh tính toán có thể đem về cho HVG 2.500 tỷ đồng.

Thương vụ M&A với FMC được ông Minh cho là một trong những khoản đầu tư thành công. Không chỉ thoái vốn tại hàng loạt công ty thành viên, mà HVG còn đang có ý định nới biên độ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên trên 50%. Điều này sẽ có trong nghị quyết trình Đại hội cổ đông.

Năm 2018, FMC đặt mục tiêu sản xuất 16.000 tấn thành phẩm tôm; doanh thu khoảng 155 triệu USD (năm 2017 đạt 144 triệu USD), lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng (năm 2017 là 125 tỷ đồng).
The Pan Group đang sở hữu 75% Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed-NSC); 80,5% Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF); 72,8% Công ty Thủy sản Bến Tre (ABT); 50,1% Công ty Bánh kẹo Bibica (BBC); 55% Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC).

 

Ông Minh tiết lộ, một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngành thủy sản, muốn sở hữu trên 50% cổ phần của Hùng Vương. Mục đính chính là để nắm cả một hệ thống từ vùng nuôi cho đến chế biến, xuất khẩu. Ông Minh đang cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư đến từ quốc gia nào để không chi phối ngành thủy sản Việt Nam vì tính chất đặc thù của Hùng Vương là bao quát cả con tôm lẫn con cá. Trong đó, năng lực sản xuất cá tra tới 1.200 tấn nguyên liệu/ngày, vùng nuôi 250.000 tấn/năm. Thức ăn cá 1,4 triệu tấn/năm cho ba nhà máy Hùng Vương Tây Nam, Hùng Vương Vĩnh Long và Việt Thắng. Khi đó, nếu nắm Hùng Vương, chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ điều tiết ngành này như cách mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang làm ở ngành chăn nuôi.

Hạt nhân tiềm năng của The PAN Group

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT The Pan Group, Chủ tịch Pan Farm, FMC là công ty sinh lời tốt cho HVG. Tuy nhiên, HVG đang lâm tình trạng khó khăn về tài chính.

“Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề trong cách điều hành của ông Minh từ 3 năm trước. Khoản đầu tư vào FMC sẽ rất tốt với Fan Farm vì người đứng đầu là ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc là người giỏi và có tâm với lĩnh vực thủy sản”, bà Trà My nói.

Hơn nữa, FMC là công ty thuộc top 3 công ty xuất khẩu tôm lớn nhất và là công ty nuôi trồng, chế biến tôm hiệu quả nhất Việt Nam. Với chiến lược phát triển bền vững lấy chất lượng sản phẩm làm giá trị cốt lõi, 40% sản lượng xuất khẩu vào thị trường Nhật, FMC chính là thành viên phù hợp nhất, đóng vai trò hạt nhân để The PAN Group tham gia vào ngành đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức này.

Bà My cho biết thêm, ngoài mục đích tăng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài, việc thâu tóm FMC còn nằm trong chiến lược đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Pan Farm. “Mục tiêu M&A các công ty của chúng tôi đều nhằm sở hữu chi phối không giới hạn tối đa và chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược này với các công ty cùng ngành”, bà My nói.

Còn ông Hồ Quốc Lực nhận định: “Pan Farm là doanh nghiệp chuyên nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, có khả năng tài chính, quản trị tốt. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho công ty của tôi trong thời gian tới”.

Doanh nghiệp thực phẩm Nhật thăm dò thị trường Việt
Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư