Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam-Ba Lan: Đối tác quan trọng của nhau
Bá Thư - 27/11/2017 08:08
 
Vị thế của Việt Nam trong chiến lược phát triển thương mại của Ba Lan đã được khẳng định mạnh mẽ khi Chính phủ nước này chọn Việt Nam là một trong 5 thị trường quan trọng nhất trên thế giới.

Chuyến thăm ý nghĩa của Tổng thống Ba Lan tới Việt Nam

Trong tuần này (từ ngày 27 đến 30/11/2017), Tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang.

Theo ông Vũ Đăng Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Ba Lan có ý nghĩa rất quan trọng.

Ba Lan đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại trong chiến dịch ứng cử đăng cai Hội chợ Quốc tế EXPO 2022 tại Lodz – thành phố lớn thứ ba của nước này. Ảnh: H.H
Ba Lan đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại trong chiến dịch ứng cử đăng cai Hội chợ Quốc tế EXPO 2022 tại Lodz – thành phố lớn thứ ba của nước này. Ảnh: Huy Hào

“Đây là cơ hội hâm nóng mối quan hệ, rà soát lại các thỏa thuận, hợp tác và thiết lập các mối quan hệ, hợp tác, thỏa thuận mới sau một thời gian Ba Lan và Việt Nam tập trung phát triển và mỗi nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội”, Đại sứ Vũ Đăng Dũng đánh giá.

Không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển quan hệ giữa hai nước, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ba Lan còn tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.

Ông Mariusz Boguszewski, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho phóng viên Báo Đầu tư biết, tháp tùng Tổng thống Ba Lan có đại diện nhiều cơ quan của Chính phủ và doanh nghiệp Ba Lan tới Việt Nam để tìm hiểu, xúc tiến các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư. Đặc biệt, trong chuyến thăm này, Tổng thống Andrzej Duda sẽ khánh thành Văn phòng của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại TP.HCM.

Trong buổi tiếp phóng viên Báo Đầu tư tại Thủ đô Warsaw (Ba Lan) mới đây, TS. Arkadiusz Tarnowski (Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan) nhận định, việc mở Văn phòng của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại Việt Nam là bước tiến rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. “Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Ba Lan đặt Văn phòng của Cơ quan Thương mại và Đầu tư. Điều này khẳng định mối quan tâm của chúng tôi đối với thị trường Việt Nam. Văn phòng này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, kinh doanh và hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước”, ông Arkadiusz Tarnowski cho hay.

“Tại sao lại là Ba Lan?”

Thay vì giới thiệu ngay những tiềm năng, thế mạnh của Ba Lan, TS. Arkadiusz Tarnowski đã đặt câu hỏi như vậy. Ông muốn nhấn mạnh rằng, không chỉ có tiềm năng, Ba Lan còn xứng đáng được lựa chọn là điểm đến bởi nhiều lý do, từ sự ổn định về chính trị, vị trí trung tâm của châu Âu, đến nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo một số đánh giá, Ba Lan là nền kinh tế lớn thứ 23 trên thế giới, lớn thứ 6 ở Liên minh châu Âu (EU) và lớn nhất ở khu vực Trung Âu, với GDP đạt 510 tỷ USD. Ba Lan đang trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất trên thế giới với tổng giá trị hơn 204 tỷ USD vào năm 2016. Từ năm 1990, Ba Lan đã theo đuổi chính sách tự do hóa kinh tế và là nền kinh tế duy nhất trong EU tránh được cuộc suy thoái kinh tế 2007 - 2008. Nền kinh tế Ba Lan đã tăng trưởng đều đặn đáng ngạc nhiên trong 26 năm qua, với mức cao kỷ lục của EU.

Mới đây nhất, tháng 9/2017, FTSE Russell, một công ty chỉ số quốc tế uy tín, đã thông báo nâng cấp Ba Lan từ Thị trường mới nổi lên Thị trường phát triển.

Những thành tựu và tiềm năng của Ba Lan chính là nền tảng để nước này xác định những bước tiến mạnh mẽ hơn, vươn ra những thị trường lớn ngoài châu Âu. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường trọng điểm được Chính phủ Ba Lan lựa chọn để thúc đẩy hợp tác.

“Đối với Ba Lan, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất và là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN. Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được coi là cửa ngõ để Ba Lan tiến vào thị trường các nước thành viên khác của ASEAN. Việt Nam cũng là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu của Ba Lan ở ngoài châu Âu. Trong khi đó, Ba Lan chính là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Trung - Đông Âu. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, hai nước đã đạt kim ngạch 1,58 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước”, ông Mariusz Boguszewski, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho hay.

Hiện các lĩnh vực hợp tác phát triển năng động nhất giữa hai nước là nông sản (chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam) và dược phẩm. Những lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, năng lượng sạch, xử lý nước thải, công nghệ thông tin.

Ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan tới Việt Nam lần này, Diễn đàn Kinh tế Ba Lan - Việt Nam sẽ được tổ chức để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, kết nối và thúc đẩy hiện thực hóa các cơ hội hợp tác.

* Ba Lan có 38,5 triệu dân, là thành viên của EU từ năm 2004.
* Ba Lan và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ba Lan là một trong 7 nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1950.
* Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ba Lan đối với Việt Nam, khung thỏa thuận mới nhất với giá trị 250 triệu euro sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan lần này.
* Hơn 30.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Ba Lan. Đây là quốc gia có cộng đồng người Việt lớn thứ 5 ở châu Âu, sau Pháp, Đức, Anh và Cộng hòa Séc
Doanh nghiệp Ba Lan: Hiện thực hóa cơ hội tại Việt Nam
Ba Lan có cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo, phong trào khởi nghiệp đang được khuyến khích mạnh mẽ. Sau thời gian tích lũy tiềm lực,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư