Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam cần có thị trường mua, bán ý tưởng công nghệ
Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+) - 17/10/2015 15:22
 
Ngày 16/10, tại tọa đàm “Xây dựng thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, tiến sỹ Hilton L.Root, Trường Đại học George Mason, Hoa Kỳ, cho rằng biến những ý tưởng trừu tượng thành những sản phẩm có giá trị chính là con đường quan trọng nhất để xóa đói giảm nghèo trong thế kỷ 21.
Khách tham quan gian trưng bày sản phẩm năng lượng điện gió của Đại học Công nghệ Hà Nội tại Hội chợ triển lãm quốc tế Năng lượng hiệu quả - Môi trường Hà Nội 2015. Ảnh minh họa. Trần Việt/TTXVN
Khách tham quan gian trưng bày sản phẩm năng lượng điện gió của Đại học Công nghệ Hà Nội tại Hội chợ triển lãm quốc tế Năng lượng hiệu quả - Môi trường Hà Nội 2015. Ảnh minh họa. Trần Việt/TTXVN

Là chuyên gia học thuật và chính sách trong nền kinh tế và sự phát triển chính trị quốc tế, phát triển và cải cách chính sách và các vấn đề châu Á, tiến sỹ Hilton L.Root nhấn mạnh, tiếp thu những kỹ năng công nghệ không phải là rào cản duy nhất đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển.

Ngày nay, thành công trong thời đại tri thức không thể đơn thuần đạt được nhờ việc chuyển giao bí quyết công nghệ. Quan niệm cho rằng “cứ làm thì thành công tất sẽ đến” là không thực tế. Việt Nam cũng giống Hàn Quốc, có những bạn trẻ thông minh, được đào tạo bài bản về công nghệ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tự khởi nghiệp và ở trong nước thường có các nhà đầu tư, tổ chức có nguồn vốn dồi dào. Tuy nhiên, tài trợ tiền để thực hiện các ý tưởng vẫn chưa đủ; việc tạo ra những doanh nghiệp vững mạnh có thể sản xuất và bán những thành phẩm khả thi về thương mại đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng trung gian. Việt Nam cần xây dựng thị trường để ở đó có thể mua, bán các ý tưởng, sản phẩm công nghệ.

Ở Mỹ, việc thiếu khâu trung gian để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp thường được bù đắp bằng các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư mạo hiểm đóng vai trò rất quan trọng để tránh việc lựa chọn các dự án một cách lãng phí. Nhờ đặc trưng quản trị và quản lý vững chắc nên các nhà đầu tư mạo hiểm tìm đến cơ cấu quản lý và sản phẩm nhạy cảm với tín hiệu thị trường, do vậy đảm bảo tỷ lệ thuận giữa đầu tư và giá trị gia tăng, tránh được sai lầm “đắt giá."

Ông đưa ví dụ cụ thể về mạng lưới chiến lược nổi tiếng thế giới Silicon Valley. Sở dĩ Silicon Valley thành công phần lớn là nhờ những nhà đầu tư cá nhân đánh cược với tương lai dựa vào tầm nhìn, trí tưởng tượng và niềm tin của họ vào tương lai. Các doanh nghiệp ở Silicon Valley nhìn chung không quen với kiểu được chính phủ bao bọc.

Một cá nhân có tinh thần đổi mới sáng tạo phải có niềm tin vào khả năng được hưởng những giá trị nhờ đầu tư vào những phát minh và đổi mới sáng tạo. Vị trí tiên phong về công nghệ đòi hỏi phải có những thể chế là cầu nối giữa ý tưởng và nguồn vốn để biến ước mơ thành những sản phẩm mà thị trường cần.

Theo tiến sỹ Hilton L.Root, để tăng khả năng đổi mới sáng tạo Chính phủ nên tập trung vào những vấn đề nhức nhối nhất trong xã hội có thể thu hút được vốn. Chính sách của Chính phủ nên tập trung vào những ngành hoặc những giai đoạn phát triển sản phẩm đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian học hỏi. Thể chế với tư cách là các vườn ươm của xã hội. Các quỹ tín thác, pháp luật, các lực lượng trong xã hội, cơ cấu quản trị nội bộ, trung gian tài chính và thông tin, các cơ quan quản lý và xã hội dân sự đều có những đóng góp quan trọng.

TPP sẽ thúc đẩy FDI vào công nghệ cao
Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đổ vào Việt Nam không chỉ trong các lĩnh vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư