Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam sẽ có 2.200km đường cao tốc vào năm 2020
Phan Trang (VGP News) - 02/05/2015 09:28
 
Chỉ còn 5 năm nữa sẽ đến hạn Bộ GTVT đưa vào khai thác 2.000km đường cao tốc. Tuy nhiên, bài toán xã hội hóa hạ tầng giao thông để lấy kinh phí đầu tư vào hạ tầng giao thông của Bộ GTVT liệu có khả thi?
Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Về vấn đề này, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT.

Sẽ “cán đích” và vượt kế hoạch

Thưa ông, theo Đề án tái cơ cấu ngành GTVT đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 ngành sẽ phải hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc. Việc thu hút vốn đầu tư cho hạ tầng vẫn là một bài toán khó và liệu đến năm 2020 các mục tiêu mà Bộ GTVT đặt ra có hoàn thành như kế hoạch? 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói việc phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng mà ngành Giao thông đặt ra trong nhiệm kì này nên ngay khi bước vào đầu nhiệm kì, chúng tôi đã xây dựng lộ trình phát triển hệ thống đường cao tốc một cách chuẩn mực. Hiện tại, ngành Giao thông đã xây dựng được trên 600km đường cao tốc. Các tuyến cao tốc này sau khi đưa vào khai thác đều phát huy hiệu quả như: Cao tốc Nội Bài-Lào Cai (tuyến cao tốc dài nhất hiện nay và có chất lượng tốt) hay cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 làm được 2.000km đường cao tốc thì ngay từ bây giờ, chúng tôi đã lên các chương trình thu hút nguồn vốn và đưa ra giải pháp thực hiện. Vì thế, nếu như không có gì thay đổi thì đến năm 2020 ngành Giao thông sẽ đạt được khoảng 2.200 km cao tốc, vượt kế hoạch 200km. Tôi khẳng định tính khả thi của kế hoạch này rất cao.

Mục tiêu của tái cơ cấu lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 thu hút được gần 500.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách. Để đạt được số vốn như mục tiêu, Bộ GTVT sẽ có các cơ chế, ưu đãi ra sao? 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong 5 năm vừa qua, Bộ GTVT đã huy động nguồn vốn ngoài ngân sách chủ yếu tập trung phát triển tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên với số vốn gần 30.000 tỷ đồng.

Để thu hút được vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ GTVT phải kết hợp nhiều nguồn. Thứ nhất là nguồn vốn ODA cũng như nguồn vốn vay tín dụng từ các tổ chức tín dụng thế giới, đó là điều kiện để phát triển hệ thống đường cao tốc vì suất đầu tư của đường cao tốc khá lớn. Thứ hai, Bộ GTVT tiếp tục chọn những đoạn tuyến có lưu lượng xe lớn để làm BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) hoặc PPP (hợp tác công-tư). Hiện nay, hai giải pháp này đã có thuận lợi lớn, nhất là chúng ta đã ban hành được các Nghị định và Thông tư có hiệu lực từ tháng 5/2015. Khi các Nghị định có hiệu lực sẽ là điều kiện rất tốt để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Ngoài ra, đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đăng kí của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức tín dụng thế giới như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay JICA của Nhật Bản…

PPP sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư

Bên cạnh việc bán quyền khai thác các dự án hạ tầng để có vốn, Bộ GTVT cũng kỳ vọng khi Chính phủ ban hành Nghị định về đối tác công tư - PPP thì đây sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư vào hạ tầng. Thưa ông, đến thời điểm này, hình thức thu hút vốn nào đang được các nhà đầu tư quan tâm nhất? Tại sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trước đây chúng ta có Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/11/2009 về thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định này chưa đề cập đến các yếu tố hội nhập trong khu vực cũng như thế giới. Vì thế, vừa rồi Chính phủ đã ban hành lại Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP với tính pháp lý rất cao trên cơ sở tham khảo phương thức đầu tư của các nước trên thế giới và khu vực.

Thực tế, điều quan trọng nhất của hợp tác công-tư là việc Nhà nước tham gia vào quá trình đầu tư của nhà đầu tư và chấp nhận rủi ro có thể xảy ra. Đây cũng là vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay. Trước đây, Nhà nước chỉ tham gia 20-30% nhưng hiện nay con số này không giới hạn, Nhà nước có thể tham gia ít hơn hoặc tham gia đến 70-80%. Đây có thể coi là điều kiện rất mở cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chúng ta tạo ra mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để khi họ tham gia đầu tư không bị vướng yếu tố giải phóng mặt bằng, đây là yếu tố rất quan trọng. Hơn nữa, chúng ta quan tâm đến quá trình hoàn vốn của nhà đầu tư, quá trình này phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng cũng như sự thay đổi hệ số CPI để phù hợp với phương thức đầu tư này. Tôi cho rằng đây là tiền đề tốt nhất để thực hiện hợp tác công-tư trong thời gian tới.

Sẽ có lộ trình thu phí

Xung quanh bài toán tái cơ cấu lĩnh vực giao thông đường bộ, một số chuyên gia cho rằng Bộ GTVT cần có một khuôn khổ pháp lý quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên để đảm bảo lợi ích phát triển kinh tế, lợi ích của nhân dân và không phải nhà đầu tư nào cũng được phép mua lại công trình Nhà nước đầu tư. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đây là vấn đề rất mới mà chúng tôi đang trình Chính phủ trong khi chúng ta đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức xã hội hóa đồng thời mạnh dạn chuyển nhượng các dự án đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trên thực tế, việc chuyển nhượng này các nước trên thế giới đã thực hiện rồi.

Hiện nay, trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, cảng biển hay cảng hàng không, rất nhiều nhà đầu tư muốn được chuyển nhượng quyền khai thác. Việc này sẽ giúp chúng ta có nguồn vốn để đầu tư các dự án khác. Tuy nhiên để thực hiện tốt việc chuyển nhượng này thì việc xây dựng khuôn khổ pháp lý là rất cần thiết để tránh độc quyền cũng như nhiều yếu tố khác khi Nhà nước không trực tiếp quản lý. Để làm được việc đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ những quy định tạm thời cũng như trình chính thức những quy định cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một số chuyên gia lo ngại chúng ta sẽ không quản lý được vì nhà đầu tư họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Bộ GTVT sẽ có những biện pháp quản lý như thế nào để kiểm soát vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đây cũng là một vấn đề quan trọng mà Bộ GTVT đang rất quan tâm.

Hiện nay, so với thế giới, chúng ta đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT ở mức trung bình-thấp, phù hợp với thu nhập của người dân. Tuy nhiên khi xây dựng phương án BOT cũng như phương án nhượng quyền thì vấn đề phí và lệ phí Bộ GTVT sẽ đưa lộ trình cho nhà đầu tư để họ tham khảo, nếu họ chấp nhận lộ trình đó thì Bộ GTVT mới đồng ý nhượng quyền. Vì vậy, chúng ta không cần lo ngại về việc nhà đầu tư tăng, giảm phí bất cứ lúc nào vì việc đó có sự can thiệp của Nhà nước bằng thỏa thuận trong hợp đồng cũng như trong các giai đoạn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Về phía các doanh nghiệp, lộ trình mà Bộ GTVT đưa ra đã tính đến phương án làm thế nào để khi xây dựng các dự án BOT thì sự tham gia về phí sẽ chiếm tỉ lệ rất thấp và không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hơn 11.500 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa có Tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng đường cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư