Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
"Việt Nam tích cực thực hiện các kế hoạch hành động của ASEAN"
Thanh Huyền (Theo TTXVN) - 06/08/2016 13:33
 
Nhân kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á–ASEAN (8/8/1967- 8/8/2016) và 21 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam về những nội dung liên quan đến ASEAN, quan hệ Việt Nam-ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Nguồn ảnh: Trường Sơn/thanhnien.com.vn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Nguồn ảnh: Trường Sơn/thanhnien.com.vn

Sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời vào ngày 31/12/2015. Từ đầu năm đến nay, Cộng đồng ASEAN có những bước tiến gì thưa Thứ trưởng?

Nét bổi bật của Cộng đồng ASEAN kể từ khi thành lập đã triển khai những kế hoạch đề ra. Trong lĩnh vực hòa bình, an ninh có gần 300 dòng hành động trong kế hoạch đề ra đã thực hiện được khoảng 40%. Trong lĩnh vực kinh tế đã thúc đẩy được các hoạt động, nhất là liên kết với các đối tác bên ngoài và thực hiện những thỏa thuận trong khuôn khổ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng như vậy. Hiện nay cả thế giới đều biết đến sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, uy tín của ASEAN với cộng đồng quốc tế rõ ràng đã được nâng cao.

Trên lĩnh vực kinh tế, trong 7 tháng vừa qua ASEAN đã có những bước tiến nổi bật đó là thực hiện những kế hoạch đề ra, như tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ; thực hiện sáng kiến kết nối trong ASEAN. Đồng thời các nước đi vào những hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, lao động, thương mại, đầu tư thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN.

Khi trở thành công dân của ASEAN, người dân có được môi trường hòa bình, ổn định hơn. Rõ ràng với việc Cộng đồng ASEAN ra đời đã tạo nên sức mạnh tập thể, tạo nên sức mạnh chung đoàn kết để cùng nhau xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, ví dụ như vấn đề chống khủng bố hay đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, chống tội phạm...

Thị trường chung ASEAN có tới hơn 600 triệu người, với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, hạn chế hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy đầu tư, sẽ đem lại việc làm nhiều hơn.

Dự kiến đến năm 2025, việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 14-15 triệu lao động. Lực lượng lao động của Việt Nam chiếm khoảng 1/6 lực lượng lao động ASEAN hiện nay, như vậy Việt Nam có thể giải quyết việc làm cho khoảng 1-2 triệu lao động.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, ngay cả việc du lịch, đi lại cũng thuận lợi hơn, chứng nhận về bằng cấp, cho phép làm việc tại các quốc gia ASEAN trong một số ngành nghề đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân ASEAN.

Hướng tới một nền văn hóa chung ASEAN cũng là một trong những hoạt động rất cụ thể.

Tỷ lệ khách du lịch các nước ASEAN đến Việt Nam đông hơn, người Việt Nam đi du lịch đến các nước ASEAN cũng nhiều hơn, điều kiện đi lại thuận lợi hơn, hiểu biết nhau hơn.

Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào để góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh thưa Thứ trưởng?

Những đóng góp của Việt Nam được thể hiện ngay từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN. Đến nay, đóng góp lớn của chúng ta chính là thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển. Do đó hoạt động của Việt Nam trong ASEAN và ngoài ASEAN đều theo định hướng như vậy.

Việt Nam đã đóng góp vào việc xây dựng Kế hoạch để triển khai Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025, đi đầu trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam là đầu mối trong việc chủ trì các phần về đầu tư, dịch vụ trong các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại, liên kết kinh tế. Trong lĩnh vực chính trị, an ninh, Việt Nam đã rất tích cực thực hiện các hoạt động trong ASEAN.

Hiện nay, vai trò trung tâm của ASEAN được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát huy Cộng đồng ASEAN. ASEAN có được tiếng nói trong những vấn đề chiến lược.

Việt Nam đã tích cực tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động, chủ động đưa ra những sáng kiến cụ thể trên nhiều lĩnh vực, chủ trì các cuộc thương lượng và triển khai các sáng kiến, các cam kết của Việt Nam liên quan đến vấn đề đầu tư, xuất nhập cảnh, cam kết trong vấn đề an ninh, chính trị, lãnh sự…

Thời gian gần đây, ASEAN đứng trước nhiều thử thách, trong đó có vấn đề về đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Không chỉ ASEAN mà các tổ chức khu vực đang đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Về kinh tế, rõ ràng quá trình phục hồi k hông chắc chắn.

Mới nhất là sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu ( EU ) cũng tạo ra những chấn động nhất định về mặt kinh tế. Về mặt an ninh truyền thống, nhiều khu vực như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á bất ổn vẫn tiếp tục diễn ra, khủng bố ngày càng tàn bạo với quy mô, tần suất, khu vực địa lý tăng lên và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác như khí hậu, dịch bệnh… cho nên đây là một thách thức chung với khu vực, tác động tới khu vực Đông Nam Á và ASEAN.

Trong bản thân ASEAN thì cũng gặp những thách thức, một là tác động chung từ khó khăn toàn cầu và đồng thời là những thách thức bên trong, đó là diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông.

ASEAN và các tổ chức khu vực đều đứng trước thách thức lớn, sức mạnh thể chế của các khu vực đều có những hạn chế. Liên minh châu Âu thành lập từ rất lâu mà hiện nay cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy, ASEAN đã khẳng định lại các nguyên tắc rất cơ bản qua các hội nghị, gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản của ASEAN về việc cần làm gì, các nguyên tắc nào cần tôn trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh, ổn định khu vực.

Tại Hội nghị lần này có riêng một tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc về vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Đây là những yếu tố rất quan trọng, một trong những định hướng lớn nội dung hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực hòa bình, an ninh là xây dựng chuẩn mực những nguyên tắc tiến bộ, thực sự vì lợi ích chung, hòa bình và an ninh.

Nguyên tắc đó là một trong những nền tảng, góp phần tạo ra những khuôn khổ để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

Qua các thể chế và các hoạt động toàn thể, các nước chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực để hiểu nhau hơn và đề ra những biện pháp cụ thể như hợp tác tuần tra trên biển, hợp tác về vấn đề chống tội phạm xuyên quốc gia, chống tội phạm và an ninh mạng, những cơ chế đó đã đi vào hiệu quả, được thực hiện cụ thể.

ASEAN đã thể hiện được vai trò trung tâm của mình, không những trong ASEAN, mà ASEAN còn là nơi có những thể chế khác nhau như Diễn đàn cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực hoặc những cơ chế đối thoại giữa ASEAN với từng nước đối tác mà các nước này đều là cường quốc ở khu vực hoặc toàn cầu, ví dụ ASEAN có quan hệ đối tác với Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu...

Rõ ràng, những việc này đã đóng góp và tạo điều kiện để ASEAN trở thành một cộng đồng, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thành lập Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư