Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt ngay cả khi không có TPP
Thanh Tùng - 08/01/2017 13:35
 
Ông Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử, gần đây tuyên bố rằng quốc gia này sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi ông chính thức nắm quyền.
.
 Chuyên gia kinh tế Raymond Mallon

Chuyên gia kinh tế Raymond Mallon - hiện đang tư vấn cho Chương trình cải cách kinh tế Australia - Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về triển vọng kinh tế của Việt Nam khi có hoặc không có TPP.

Trong trường hợp không có TPP, ông đánh giá thế nào về quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai?

Nếu TPP không được thông qua, thì điều đó sẽ làm giảm niềm tin trong khu vực đối với cam kết của Hoa Kỳ với châu Á.

Việc TPP không được thông qua có thể sẽ làm giảm tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, sẽ tác động tiêu cực vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có TPP, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong khi tỷ trọng của Hoa Kỳ trong tổng thương mại với Việt Nam có thể sẽ giảm bớt, thì Hoa Kỳ vẫn có thể là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2016, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch là 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam, với tổng kim ngạch là 8,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, ngay cả khi không có TPP, thì kinh tế Việt Nam vẫn sáng sủa do môi trường kinh doanh được cải thiện, cùng với lợi ích từ nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết. Ông có thấy như vậy không?

Việt Nam có tỷ trọng thương mại và đầu tư nước ngoài trên GDP rất lớn, nhiều đối tác đầu tư và thương mại đa dạng. Ngoài ra, các bạn cũng có nhiều hiệp định hợp tác kinh tế với nhiều đối tác quan trọng. Chẳng hạn như, Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được coi là những nguồn tăng trưởng đầu tư và thương mại đầy tiềm năng của Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, Việt Nam đang thực thi các biện pháp để thu hút bạn hàng và nhà đầu tư từ nhiều quốc gia. Những nghị quyết gần đây của Chính phủ (như Nghị quyết 19/NQ-CP và 35/NQ-CP), và nghị quyết của Đảng về mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam, đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển nền kinh tế năng suất và cạnh tranh hơn. Các nghị quyết này cũng đã nêu rõ biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Cho dù còn nhiều việc phải làm, nhưng Việt Nam đã cải thiện đáng kể kỹ năng lao động, kết cấu hạ tầng và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trên tổng thể, các chính sách đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện mạnh mẽ.

Nhiều cuộc cải cách đã được thực hiện theo cam kết của TPP, nhưng đó cũng là vì lợi ích quốc gia của Việt Nam. Tôi cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh các cải cách, tăng cường cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Cho dù có vì cam kết TPP hay không, thì những nỗ lực như vậy là nhằm dỡ bỏ các rào cản đối với cạnh tranh, chẳng hạn như, giảm thiểu ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, cạnh tranh mạnh mẽ hơn chính là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất, cũng như đảm bảo rằng, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được các cơ hội kinh tế đang lớn mạnh tại Việt Nam.

Theo ông, đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới?

Hội nhập của Việt Nam vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu sẽ là động lực rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng năng suất và tiếp cận các thị trường có giá trị gia tăng cao hơn.

Việc đảm bảo lợi ích bình đẳng từ các mạng lưới sản xuất khu vực sẽ đòi hỏi những mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp nước ngoài và nhà sản xuất trong nước. Điều này cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các thể chế thị trường, các kỹ năng nghề nghiệp và kết cấu hạ tầng.

Khi tầng lớp trung lưu lớn mạnh, thì vai trò của tiêu dùng nội địa trong việc kích thích tăng trưởng sẽ trở nên ngày càng quan trọng. Việc đảm bảo phân phối lợi ích một cách công bằng từ tăng trưởng kinh tế sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của tầng lớp trung lưu, kích thích nhu cầu trong nước về hàng hóa và dịch vụ. Việc phụ thuộc vào các hàng hóa chưa qua chế biến như gạo và dầu thô để làm chỗ dựa chính cho tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm đi.

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng cho năm 2017 là 6,7%. Theo ông, mục tiêu này liệu có khả thi?

Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng này. Lý do là, nông nghiệp đang lấy lại đà tăng trưởng, trong khi cầu hàng hóa trong nước đang tăng mạnh, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn và bền vững đang vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có một số thách thức, như thiên tai và các rào cản về cấu trúc kinh tế, hay như việc thành công trong kinh doanh các ngành công nghiệp và dịch vụ tiếp tục phụ thuộc phần nào vào một số cá nhân có quyền ra quyết định về phân bổ đất đai, giấy phép và hợp đồng. Sự khác biệt trong năng suất giữa lao động nông thôn và thành thị, giữa lao động nam và lao động nữ vẫn còn cao. Việc đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn đòi hỏi cải cách thể chế mạnh hơn nữa, để mọi người đều có cơ hội như nhau.

Không TPP, áp lực cải cách sẽ càng mạnh mẽ
Vốn được cho là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên giả định không có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư