Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Viettel tìm cơ hội ở các quốc gia mới
Tú Ân - 28/02/2016 12:06
 
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là công ty Việt Nam duy nhất góp mặt tại Hội nghị di động thế giới (MWC) diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha).

“Di động tại các quốc gia đang phát triển” là chủ đề mà Viettel mang đến MWC 2016. Doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam này không chỉ giới thiệu giải pháp độc đáo về viễn thông kết hợp công nghệ thông tin, mà còn tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Theo đại diện Viettel, chủ đề được giới thiệu tại hội nghị lần này là “Mobile in emerging markets” - Di động tại các quốc gia đang phát triển. Theo đó, với kinh nghiệm triển khai ở 10 quốc gia trên thế giới, Viettel hiểu rằng, viễn thông nói chung và mobile nói riêng có thể rút ngắn khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển một cách nhanh nhất. Viettel có công nghệ của riêng mình để tạo nên sự bùng nổ về viễn thông tại tất cả các nước mà mình đầu tư. Tính tới thời điểm này, Viettel đã đầu tư tại 10 quốc gia, trong đó hầu hết các quốc gia kinh doanh trên 2 năm đều đã có lãi và đều là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường.

Gian hàng của Viettel tại Hội nghị di động thế giới (MWC 2016).
Gian hàng của Viettel tại Hội nghị di động thế giới (MWC 2016).

Trong số đó, Timor Leste là quốc gia có dự án có lãi sau 6 tháng kinh doanh, còn thương hiệu Movitel tại Mozambique tạo ra nhiều thay đổi lớn về viễn thông tại đây và được mệnh danh là “Điều kỳ diệu châu Phi”.

 “Một số vị khách tham quan gian hàng vô cùng ngạc nhiên khi được biết, Viettel đã phổ cập viễn thông di động, thậm chí cả 3G tới những vùng đất rất nghèo, thậm chí còn chưa có điện tại Việt Nam, và cả những nước châu Phi xa xôi. Họ rất tò mò về bí quyết giúp Viettel có thể làm được điều đó”, một thành viên trong đoàn Viettel tại MWC 2016 nói.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết một vài số liệu cập nhật: Hai thị trường châu Phi mới đi vào hoạt động trong năm 2015 đã đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục. Tại Burundi, thương hiệu Lumitel của Viettel từ doanh nghiệp thứ tư trở thành lớn nhất sau chưa đầy 3 tháng kinh doanh, còn ở Tanzania, Halotel đã cán mốc 1 triệu khách hàng chỉ sau 3 tháng.

Xây dựng hạ tầng rộng khắp, tạo cơ hội cho người dùng ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào cũng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ, tạo ra sự bùng nổ ở thị trường viễn thông, Viettel còn tiếp tục chuẩn bị cho  cuộc cách mạng mới. Cách đây 5 năm, Viettel đã tuyên bố, viễn thông sẽ không chỉ là viễn thông, viễn thông sẽ len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội bằng cách kết hợp với công nghệ thông tin và thiết bị điện tử chuyên ngành.

 “Tại Việt Nam và các quốc gia Viettel đầu tư, chúng tôi đều thực hiện chiến lược đưa viễn thông và công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và triển khai một cách nhanh nhất, rộng nhất và sâu nhất. Chúng tôi hiểu rằng, đây là cách để chúng ta thay đổi cách sống, học tập, làm việc và giải trí, làm cho cuộc sống thông minh hơn, xã hội phát triển nhanh hơn”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng cho biết, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 phải đứng trong top 10 doanh nghiệp viễn thông về đầu tư ra nước ngoài trên thế giới. Viettel sẽ có mặt ở 20 đến 25 nước, với lượng khách hàng từ 600 - 800 triệu. Trung bình mỗi năm, Viettel đầu tư vào 1 đến 2 thị trường mới. Đây cũng là lý do Viettel đầu tư đáng kể cho việc tham gia MWC 2016, để tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia mới.

Zalo vượt mặt MobiFone và VinaPhone, sắp đuổi kịp Viettel về số lượng người dùng
Zalo vừa phát đi thông cáo, từ tháng 2/2016, Zalo chính thức có 45 triệu thành viên. Với cột mốc này, Zalo tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư