Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vinalines sẽ thoái vốn mạnh tay ở những cảng biển nào?
Anh Minh - 09/07/2015 08:05
 
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có thể tiến hành thoái vốn sâu tại một số cảng biển trọng yếu quốc gia theo một lộ trình kéo dài khoảng 5 năm.

Phương án điều chỉnh mới nhất

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã bắt đầu lấy ý kiến của các bộ, ngành về đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) liên quan tới Phương án Tổng thể hệ thống cảng biển do Vinalines nắm giữ sau tái cơ cấu.

Đề xuất này được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 6/2015 trên cơ sở phương án nắm giữ cổ phần tại 17 cảng biển lớn, trong đó có 10 cảng đầu mối quốc gia do Vinalines xây dựng.

Vinalines se? phải giảm mạnh cổ phần tại nhiều cảng biển trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh
Vinalines sẽ phải giảm mạnh cổ phần tại nhiều cảng biển trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh

 

Đây là phương án mới nhất được Vinalines chỉnh sửa (Phương án tháng 6), sau khi Bộ GTVT yêu cầu tổng công ty này phải thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của bộ chủ quản về việc thoái vốn tại cảng biển hiện tại theo hướng không nắm giữ cổ phần chi phối, có thể thoái hết vốn của công ty mẹ, để tập trung phát triển cảng biển cửa ngõ quốc tế và cảng trung chuyển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lạch Huyện (Hải Phòng).

Cụ thể, Vinalines sẽ thoái vốn, duy trì tỷ lệ nắm giữ thấp nhất 51% vốn điều lệ tại các công ty cổ phần cảng Hải Phòng, Vinalines Đình Vũ, Đà Nẵng đến năm 2018 (khi đưa vào khai thác cảng Lạch Huyện và hoàn thành cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn II); tiếp tục thoái vốn xuống tỷ lệ nắm giữ 49% vốn điều lệ tại các công ty cổ phần cảng này sau năm 2018.

Vinalines cũng xin thoái một phần vốn để nắm giữ 36% vốn tại các công ty cổ phần cảng Nghệ Tĩnh, Cam Ranh và Cần Thơ.

Bất chấp việc đang trong tình trạng thua lỗ và ngủ đông, nhưng đối với nhóm cảng liên doanh với đối tác nước ngoài tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, Vinalines chủ trương tiếp tục nắm giữ 36% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (CMIT); 11,7% vốn điều lệ tại Công ty liên doanh Dịch vụ container quốc tế Cảng Sài gòn - SSA (SSIT).

Các cảng biển dự kiến sẽ được Vinalines thoái vốn triệt để trong thời gian tới là Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân (CPI), Công ty TNHH Cảng quốc tế SP – PSA, Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương, Công ty cổ phần Cảng Năm Căn.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất tại phương án vừa được Vinalines chỉnh sửa lần này liên quan tới Cảng Sài Gòn - doanh nghiệp vừa tiến hành IPO thành công 35,7 triệu cổ phiếu hồi cuối tháng 6/2015. Công ty mẹ của Cảng Sài Gòn muốn nắm giữ 36% vốn điều lệ tại đây so với mức 64% hiện hữu. Các cổ đông chiến lược dự kiến nắm nốt lượng cổ phiếu đặc biệt này là Vingroup và Ngân hàng ViettinBank.Vinalines cũng xin Bộ GTVT và Chính phủ cho phép Tổng công ty được đầu tư trực tiếp (không thông qua công ty con là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng) vào Dự án Xây dựng mới cảng Lạch Huyện.

Những rào cản khó vượt

Mặc dù vẫn còn một khoảng cách so với chỉ đạo của Bộ GTVT, nhưng so với Phương án Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển do Vinalines được Tổng công ty trình bộ chủ quản vào đầu tháng 5/2015 (Phương án tháng 5), đây đã là một bước đột phá lớn.

Trước đó, trong Phương án tháng 5, Vinalines xin Bộ GTVT cho tiếp tục nắm giữ 51% - 65% vốn điều lệ tại cảng Hải Phòng (hiện nắm 94,68% và nắm 51% vốn điều lệ đối với ba cảng trọng điểm vùng là Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinalines Đình Vũ.

Có khá nhiều lý do dẫn đến sự ngập ngừng của Vinalines trong việc cụ thể hóa yêu cầu của Bộ GTVT trong việc thoái vốn sâu và triệt để tại 10 cảng biển lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ và Năm Căn.

Đầu tiên là việc tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại các cảng đã được quy định khá chặt chẽ tại Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 được phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg và Công văn số 2342/TTg-ĐMDN ngày 21/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012 - 2015.

Lý do thứ hai, theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines, việc thoái vốn mạnh theo chỉ đạo của Bộ GTVT có thể dẫn tới hệ lụy lớn là các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đang thua lỗ nặng nề không có dòng tiền bù đắp.

Theo một chuyên gia, việc duy trì vai trò chi phối tại một số cảng biển đang cho lợi nhuận tốt như các cảng Hải Phòng, Sài Gòn với lộ trình thoái vốn phù hợp sẽ là điểm tựa để Công ty mẹ - Tổng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn với khoản thua lỗ lên tới 382 tỷ đồng trong năm 2014. Đồng thời, đây cũng là điều kiện then chốt để Vinalines hoàn thành mục tiêu là doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực khai thác biển.                     

Trên thực tế, đã xuất hiện ý kiến phản biện mạnh mẽ đối với đề xuất mới nhất của Bộ GTVT. Cụ thể, trong văn bản góp ý của Bộ Tài chính được gửi đi vào cuối tuần trước, bộ này đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, Vinalines tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại các cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế (10 cảng).

“Việc tiếp tục duy trì cổ phần nắm giữ tại các cảng kinh doanh có hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc cân đối dòng tiền, góp phần ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinalines”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khuyến nghị.

Tổng công ty Đường sắt vẫn quyết thoái vốn tại Khách sạn Sài Gòn
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định việc góp vốn và thoái vốn tại Công ty TNHH Thương mại khách sạn Sài Gòn (Hà Nội) là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư