Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Vinalines thoái vốn sâu tại cảng Hải Phòng
Anh Minh - 23/02/2017 13:49
 
Việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) xin giảm tỷ lệ nắm giữ từ 92,56% xuống 65% vốn điều lệ sẽ mở cánh cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trở thành cổ đông lớn tại cảng Hải Phòng.
Cảng Hải Phòng vẫn cần thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo cú hích phát triển. Trong ảnh: Khu tập kết container cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh
Cảng Hải Phòng vẫn cần thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo cú hích phát triển. Trong ảnh: Khu tập kết container cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Nuối tiếc

Cho đến thời điểm này, Vinalines vẫn tỏ ra nuối tiếc về thương vụ Quỹ đầu tư Vương quốc Oman (SGRF) mua hụt cổ phiếu CTCP cảng Hải Phòng (mã chứng khoán PHP), dù sự việc đã diễn ra cách đây gần 2 năm.

Trong Văn bản số 325/HHVN - TCKT báo cáo việc SGRF mua cổ phần của Vinalines tại cảng Hải Phòng được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào đầu tuần trước, “ông lớn” vận tải biển và khai thác cảng đã đánh giá rất cao tiềm năng hợp tác với quỹ đầu tư đến từ Trung Đông này.

Theo thông tin do Vinalines cung cấp, SGRF được thành lập vào năm 1980 bởi Chính phủ Oman với tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD. Về cảng biển, SGRF đã và đang đầu tư nhiều cảng biển lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Brazil với tổng giá trị trên 1 tỷ USD.

Được biết, vào năm 2015, Vinalines đề nghị Chính phủ cho phép chuyển nhượng cho SGRF tối thiểu 19,68%, tối đa là 29,68% cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty tại cảng Hải Phòng (tương đương 97.057.400 cổ phần) và đảm bảo phần vốn còn lại của Tổng công ty tại doanh nghiệp khai thác cảng lớn nhất miền Bắc từ 65% đến 75% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Vinalines cũng xin áp dụng phương thức thỏa thuận trực tiếp tương tự trường hợp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sau IPO mà Tổng công ty Hàng không Việt Nam được phép áp dụng.

“Theo quy định của Chính phủ Oman, SGRF không được phép tham gia đấu giá trong các khoản đầu tư, mà chỉ được thực hiện đầu tư thông qua đàm phán với đối tác, hay nói cách khác, việc thỏa thuận trực tiếp là điều kiện tiên quyết cho dự án đầu tư của SGRF”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ý kiến của các cấp có thẩm quyền, cảng Hải Phòng đã tiến hành niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Do vậy, đề xuất mua cổ phần cảng Hải Phòng theo hình thức thỏa thuận trực tiếp của SGRF không thực hiện được kể từ ngày 12/8/2015 - thời điểm cổ phiếu PHP được niêm yết chính thức.

Một lãnh đạo Vinalines cho biết, nếu SGRF trở thành cổ đông chiến lược tại cảng Hải Phòng, với giá chuyển nhượng tối thiểu dự kiến 13.800 đồng/cổ phiếu, Vinalines dự kiến thu được khoảng 1.339 tỷ đồng. Quan trọng hơn, đối tác Oman đã đề xuất một kế hoạch chi tiết và rất thuyết phục với lộ trình và giá trị tăng thêm cụ thể để cải thiện năng suất và lợi nhuận thương cảng lớn nhất phía Bắc này.

Cụ thể, nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược, SGRF cam kết hỗ trợ khoảng 2 triệu USD/năm trong vòng 3 năm cho chi phí đội ngũ chuyên gia, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả cảng Hải Phòng để đưa cảng biển này trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển toàn cầu.

Tiếp tục thoái vốn

Cũng trong Văn bản số 325/HHVN  - TCKT, “ông lớn” vận tải biển còn đề nghị Bộ GTVT cho phép được giảm tỷ lệ nắm giữ tại cảng Hải Phòng xuống 65% vốn điều lệ theo các quy định hiện hành.

Hiện CTCP cảng Hải Phòng có số vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nắm giữ của Vinalines tại thời điểm 10/2/2017 là 92,56% vốn điều lệ. Cần phải nói thêm, đề xuất này cần được sự phê chuẩn không chỉ của riêng bộ chủ quản bởi theo Thông báo số 449/TB- VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ, cảng Hải Phòng là một trong 3 cảng biển trọng yếu Vinalines phải mà nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên (Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng).

Theo ông Tĩnh, kể từ khi hoàn thành cổ phần hóa đến nay, ngoài việc giảm 2,12% vốn điều lệ để hoán đổi nợ với VietinBank, Vinalines chưa thực hiện giảm tỷ lệ nắm giữ tại cảng Hải Phòng. Mặt khác, từ khi hoạt động theo mô hình CTCP (năm 2013), cảng Hải Phòng đã có những tăng trưởng đáng kể về hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi năm 2016 doanh thu cảng này tăng 34%, lợi nhuận tăng khoảng 38% so với năm 2016.

Lãnh đạo Vinalines cho rằng, mức lợi nhuận này chưa tương xứng với quy mô và thương hiệu của cảng Hải Phòng. Cảng Hải Phòng vẫn cần thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực về tài chính và kinh nghiệm khai thác cảng để cú hích mới, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư vào cảng Lạch Huyện.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương giao Vinalines (thông qua CTCP cảng Hải Phòng) trực tiếp đầu tư 2 bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực cảng Lạch Huyện để di dời cầu cảng nằm ở trung tâm TP. Hải Phòng. Cả hai dự án này đều cần một khối lượng vốn rất lớn cũng như kỹ năng quản lý cảng hiện đại.

Do Vinalines không nêu rõ phương thức thoái vốn, nhưng do cảng Hải Phòng là doanh nghiệp đã niêm yết tại HXN, nên việc giảm tỷ lệ nắm giữ của Vinalines sẽ phải thực hiện công khai, minh bạc qua sàn giao dịch chứng khoán.

“Tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhu cầu trở thành cổ đông của cảng Hải Phòng, trong đó có cả Quỹ đầu tư Oman – tổ chức luôn mong trở thành cổ đông chiến lược sẽ tham gia như một nhà đầu tư chứng khoán khi Vinalines giảm tỷ lệ sở hữu”, ông Tĩnh cho biết.

Nhiều điểm mới hoàn chỉnh phương án cổ phần hóa ông lớn Vinalines
Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư