Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vinatex chọn Tuyên Quang làm địa chỉ đầu tư mới
Thế Hoàng - 25/05/2015 15:06
 
Tiếp sau các địa phương tại miền Bắc như Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và Thanh Hóa… Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã lựa chọn Tuyên Quang làm địa chỉ đầu tư mới để nhanh chóng bổ sung thêm năng lực sản xuất cho Tập đoàn.

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn và đại diện một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP May Nam Định, Tổng công ty CP May 10 đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang và đi khảo sát thực địa về cơ hội đầu tư các dự án dệt may trên địa bàn tỉnh này.

Những năm gần đây, Tuyên Quang đã tập trung quy hoạch đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và đã có một số Dự án dệt may đầu tư khá hiệu quả. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với năng lực gần 200 chuyền may và 11 Nhà máy sản xuất hàng may mặc.

Tuyên Quang hiện có 2 Khu công nghiệp, gồm KCN Long Bình An và KCN Sơn Nam cùng một sốc cụm công nghiệp khác, đều đã đón các nhà đầu tư dệt may đến xây dựng Nhà máy.

Lãnh đạo Vinatex khảo sát địa điểm đầu tư tại KCN Long Bình An tại Tuyên Quang
Lãnh đạo Vinatex khảo sát địa điểm đầu tư tại KCN Long Bình An tại Tuyên Quang

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng: "Tuyên Quang có lợi thế cả về dân cư, giao thông để nghiên cứu phát triển ngành may. Đây là ngành còn mới đối với Tuyên Quang và là ngành công nghiệp đang có tốc độ phát triển tốt nhất tại Việt Nam. Do vậy, Tuyên Quang là địa điểm đầu tiên tại phía Bắc mà Vinatex khảo sát để mở rộng ngoài các tỉnh truyển thống về dệt may như Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên”.

Việc đầu tư này sẽ được tiến hành ngay trong năm 2015-2016 nhằm tận tụng lợi thế việc tham gia các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU…

Theo kế hoạch, trước mắt, Vinatex và một số doanh nghiệp thành viên sẽ chọn 2 KCN Long Bình An và KCN Sơn Nam để đầu tư các dự án sản xuất hàng may mặc. Khi các dự án hoạt động hiệu quả, cùng với chính sách ưu đãi của địa phương, sẽ tính toán để đầu tư các dự án nguyên phụ liệu.

Nằm trong kế hoạch đầu tư năm 2015, Vinatex đã quyết định chi cho đầu tư mở rộng năng lực sản xuất với tổng vốn khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó tập trung tới 80% nguồn vốn vào các dự án sản xuất vải dệt kim và dệt thoi.

Việc đầu tư các dự án sản xuất vải sẽ được bố trí tại nhiều Khu công nghiệp từ Bắc vào miền Trung.

Đơn cử, tại Khu Công nghiệp Phố Nối B (Hưng Yên) sẽ đầu tư sản xuất vải dệt thoi công suất 25 triệu mét năm, mở rộng nhà máy dệt kim đang có từ 3000 tấn – 5000 tấn năm, đầu tư thêm nhà máy sợi công suất 5.800 tấn năm.

Khu Công nghiệp Hòa Xá (Nam Định) đầu tư nhà máy sản xuất vải dệt thoi 20 triệu mét năm, vải yarn dyed 10 triệu mét năm, 3 nhà máy sợi với tổng công suất trên 12.000 tấn/năm. Tại Khu Công nghiệp Nam Đàn (Nghệ An) và Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) sẽ đầu tư nhà máy dệt kim công suất 3.000 tấn năm và nhà máy sợi công suất 4.000 tấn/năm….

Theo Vinatex, với các dự án đầu tư kể trên, dự kiến, hết năm 2016 tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ tăng thêm trên 100 triệu mét, tăng 40% so với năng lực hiện tại của Tập đoàn; vải dệt kim tăng thêm 20.000 tấn năm, tăng gấp đôi năng lực hiện nay); sợi các loại thêm 29.000 tấn năm, tăng thêm 25% năng lực hiện tại.

Vinatex vung 9.400 tỷ đầu tư 59 dự án dệt may
Gần 9.400 tỷ đồng là tổng mức đầu tư mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ chi trong giai đoạn 2015-2017 để thực hiện 59 dự án dệt, nhuộm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư