Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Vinh danh thầy cô và học sinh tiêu biểu: Trò như bó đuốc tiềm ẩn nhiệt huyết, thầy phải là người thắp lửa
Hải Hà - 18/10/2017 14:40
 
Sáng nay, 18/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 cho 64 thầy cô giáo và 63 em học sinh tiêu biểu trên toàn quốc.
.
Những giáo viên, học sinh được vinh danh được đánh giá là nhân tố đầu tiên quyết định cho thành công của chuyển đổi giáo dục từ đào tạo thụ động sang sáng tạo

Trước đó, ngày 19 tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS TS Phùng Xuân Nhạ đã phát động phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học trong toàn ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhắc tới hình ảnh các cô giáo mầm non ở Phú Yên không tiếc thân mình để cứu học trò trong lũ dữ hay tấm lòng của thầy giáo Ninh Văn Dậu và những thầy cô giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không quản ngại khó khăn, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người.

“Ngoài những giáo viên vượt lên hoàn cảnh để gắn bó với các em học sinh vùng sâu, vùng xa thì nhưng giáo viên được vinh danh hôm nay hầu hết là những tấm gương không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, từ việc thiết kế những bài giảng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy như phương pháp giáo dục VNEN, STEM hay đẩy mạnh các hoạt động giáo dục mang tính thực tiễn, tạo môi trường học tập mở. Cùng với đó, chúng tôi cũng tổ chức biểu dương các em học sinh hết mình vì bạn bè, vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, giành nhiều thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật giành cho học sinh phổ thông, các cuộc thi Olympic khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Trao đổi bên lề buổi lễ, thầy giáo Lê Quang Nhân, Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đăk Lắc tỏ ra khá khiêm tốn khi nhận mình là may mắn vì còn nhiều thầy, cô giáo tại Đăk Lắc xứng đáng hơn.

Đáng chú ý, thầy Nhân không phải là giáo viên phụ trách những môn học chính như toán, văn hay ngoại ngữ mà phụ trách môn tin học.

Môn học theo thầy là khá đặc thù và được xếp hạng là môn phụ trong các trường THPT. Đây cũng không phải là môn được lựa chọn để thi tuyển đầu vào đại học nên việc thu hút hứng thú của học sinh thời gian đầu là khá khó khăn.

“Học sinh như bó đuốc, nhiệm vụ của tôi là truyền lửa cho bó đuốc đó cháy. Nhưng trước khi truyền lửa được thì giáo viên phải là người yêu thích, say mê tìm tòi, chắt lọc cái hay trong môn học, khơi gợi cho các em tự tìm tòi, tự phát hiện ra vấn đề. Môi trường của trường chuyên cho phép tôi tạo ra những lớp học trực tuyến giúp các em lập trình hay giải toán trực tuyến. Thông qua những lớp học này, học sinh sẽ tự thấy mình đang ở thứ hạng nào so với các học sinh khác trong lớp. Một số trang web giải toán trực tuyến không chỉ cho các em học sinh biết kết quả ngay mà còn giúp các em biết được thứ hạng của mình so với các học sinh trên toàn quốc. Do đó, thông qua các lớp học như vậy, học sinh có khao khát thăng hạng và tự thúc đẩy bản thân. Tôi chỉ là người hướng dẫn”, thầy Nhân nói.

Cách dạy của thầy Nhân cũng chính là tinh thần mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới khi triển khai Nghị quyết 29 khi xác định “giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định việc dạy và học có chất lượng. Sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của giáo viên và học sinh là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà”.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nhạ tiếp tục khẳng định: “Những tấm gương được vinh danh hôm nay là những nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của nước ta theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới”.

Cũng theo ông Nhạ, Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ một nền giáo dục thụ động, nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục sáng tạo, phát huy năng lực, phẩm chất của người học.

“Đổi mới là một quá trình, sáng tạo là một hành trình không có điểm cuối. Vì vậy, chúng ta chưa thể bằng lòng với những gì đã làm được. Ngành Giáo dục đang tiếp tục chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện, trước mắt là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Những đổi mới, sáng tạo từ hôm nay sẽ là bước chuẩn bị tốt để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới. Đổi mới giáo dục sẽ chỉ thành công khi mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình đổi mới đó”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.   

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Tới 2020, tất cả các trường phải tự chủ
Những vấn đề nóng của giáo dục thời gian qua như mưa điểm 10, 30 điểm vẫn trượt Đại học, thí sinh trúng tuyển không nhập học… đã được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư