Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vissan đặt kế hoạch tiêu thụ hơn 53.000 tấn thực phẩm trong năm 2019
Thị Hồng - 06/04/2019 10:31
 
Năm 2019, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã: VSN) đặt kế hoạch tổng doanh thu sẽ đạt 4.850 tỷ đồng, qua khả năng sản xuất, kinh doanh hơn 53.000 tấn thực phẩm (bao gồm thịt tươi sống và chế biến).

Kế hoạch tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ trong 2019 của Vissan tăng 10% so với thực hiện năm 2018.

Cụ thể, trong năm 2018, Vissan sản xuất, kinh doanh 48.200 tấn, trong đó, 25.500 tấn thực phẩm tươi sống gồm thịt heo các loại và thịt bò, 22.600 tấn thực phẩm chế biến. Dù vậy, tổng sản lượng này thấp hơn 15% so với kế hoạch năm.

Nhóm thịt tươi sống đã đóng góp gần 48% doanh thu thuần năm 2018 tuy nhiên chiếm 26,6% lợi nhuận gộp.

Trong khi đó, thực phẩm chế biến cũng mang về 2.000 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng chi phối gần 70% lợi nhuận gộp của Vissan, với 628,8 tỷ đồng. Việc ra mắt 13 sản phẩm mới trong năm cũng góp phần đưa tổng sản lượng nhóm này tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Ban lãnh đạo Vissan lý giải, lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017 nhưng thấp hơn 2% so với kế hoạch, do giá heo hơi mua vào bình quân trong năm tăng gần 49% so với năm 2017.

Cùng với đó là khó khăn về tình hình nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như sự hạn chế trong việc tăng giá bán thịt heo.

Vissan cũng đang hoàn thiện công tác di dời nhà máy như đã hoàn thiện thủ tục pháp lý thành lập Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An; hoàn tất hồ sơ mời thầu gói thầu Cung cấp và lắp đặt dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/1 giờ,…

Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021.

Trong 2019, Vissan sẽ tái cấu trúc tỷ trọng ngành hàng thực phẩm chế biến, hệ thống phân phối, đa dạng hóa sản phẩm theo phân khúc khách hàng.

Ngoài kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, ra mắt các sản phẩm giá trị gia tăng trong nhóm thực phẩm tươi sống như sản phẩm tẩm ướp có kèm gói xốt, các combo tươi sống sử dụng cho lẩu hoặc nướng,…Vissan kỳ vọng có thể đa dạng hoá sản phẩm theo trào lưu sản phẩm ăn vặt, tiện lợi tại các kênh bán hàng dành cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tại chỗ.

Cùng với đó là phát triển chuỗi Vissan Premium, hiện đã khai trương một cửa hàng tại quận 1, TP.HCM và mỗi năm mở 5 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu dân cư đông đúc. 

Hiện có 49 cửa hàng Vissan trên cả nước. Dự kiến thời gian tới, sản lượng tiêu thụ tại Coopmart, Satrafoods và Coopfoods sẽ tăng lần lượt 400 tấn (heo + bò), 600 tấn, và 800 tấn mỗi năm. Còn hệ thống siêu thị khác tăng khoảng 95 tấn/năm.

Dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 11/04 tới, Ban lãnh đạo Vissan sẽ trình cổ đông việc miễn nhiệm một thành viên HĐQT với ông Trần Ngọc Đăng và hai thành viên Ban kiểm soát gồm ông Phạm Hoàng Sơn cùng ông Lê Quang Liêm.

Tính đến 31/12/2018, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) nắm 67,76% vốn tại Vissan, trong khi CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) có 24,94% vốn. 

Masan đưa người sang quản trị Vissan
Ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Anco (thuộc Tập đoàn Masan) có số phiếu bầu cao nhất trong các thành viên được xét duyệt vào Hội đồng quản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư