Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
VNPT thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ thoái vốn
Tú Ân - 07/12/2016 10:50
 
VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư của tập đoàn tại các doanh nghiệp khác thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.

Theo quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 – 2015, Tập đoàn này sẽ phải thoái vốn tại 63 doanh nghiệp, song nhiều khoản đầu tư của VNPT vẫn chưa thể tìm được người mua.

Ngày 06/04/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2016/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT. Theo quy định này, VNPT sẽ phải tiếp tục thoái vốn tại 50 công ty, quỹ, ngân hàng. Trong số này, có một số doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo mới nhất của VNPT, doanh nghiệp này đã thực hiện toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư của tập đoàn tại các doanh nghiệp khác. Trên sổ sách, VNPT đã thoái vốn được 602 tỷ đồng/2002 tỷ đồng đầu tư trên sổ sách. Tổng giá trị thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.

VNPT đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 danh mục theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, VNPT đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.

VNPT đang gặp khó khăn trong việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp.
VNPT đang gặp khó khăn trong việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT đã nhiều lần báo cáo với Bộ TT&TT về việc VNPT gặp khó khăn trong việc thực hiện thoái vốn tại nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. Đánh giá về những việc chưa hoàn thành khi triển khai tái cơ cấu VNPT trong 2 năm qua.

“Triển khai thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành, việc giảm tích tụ vốn của VNPT trong khối công ty cổ phần chưa hoàn thành, việc sắp xếp lại khối bệnh viện cũng chưa hoàn thành”, ông Hùng cho biết.

Trong thời gian qua, VNPT cũng sắp xếp lại hoạt động của 3 bệnh viện theo cơ chế tự chủ tài chính. Thực hiện tổ chức lại trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT II thành Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ III trực thuộc Tập đoàn. Trong thời gian tới, VNPT dự kiến đề xuất Bộ TT&TT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép VNPT được giữ lại Trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT III để sáp nhập vào Trung tâm CNTT của VNPT Tiền Giang.

Đối với Công ty Tài chính Bưu điện, VNPT đã có phương án báo cáo Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước phương án sắp xếp lại công ty này theo hướng chuyển nhượng vốn của VNPT tại Công ty cho các tổ chức tài chính, tín dụng.

Theo ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT cho biết, khó khăn trong công tác thoái vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện, Bộ TT&TT đã có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho ý kiến chỉ đạo, đề nghị VNPT bám sát văn bản của Bộ TT&TT để chủ động kết nối, làm việc với Ngân hàng Nhà nước tìm biện pháp tháo gỡ. Còn với phần vốn góp tại Maritime Bank, việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng có những quy định riêng rất chặt chẽ, do đó VNPT phải chủ động có giải pháp để thoái vốn theo đúng quy định của Nhà nước.

VNPT thoái hết vốn tại Maritime Bank
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã nộp hồ sơ lên UBCKNN về việc đăng ký bán đấu giá toàn bộ 71.577.141 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư