Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vợ chồng tôi mua nhà để buộc mình phải tiết kiệm
Bảo Ngọc (VnExpress) - 11/12/2017 09:18
 
Kiếm 50 triệu mỗi tháng nhưng mua sắm hết sạch, chị Lan chỉ để dành được tiền khi ép bản thân phải trả nợ định kỳ.
 Ảnh minh họa: Rew
Ảnh minh họa: Rew

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Bùi Thanh Lan, 38 tuổi (quận 2, TP HCM) về những kinh nghiệm khi cố gắng kìm hãm tính tiêu hoang. 

Tôi và chồng đều là dân du học về, công việc thu nhập tốt, tổng lương tầm trên 50 triệu đồng, chưa kể khoản thưởng cuối năm cũng được vài tháng lương. Sau khi kết hôn, được ba mẹ hai bên cho một phần, vợ chồng tôi dồn tiền và vay thêm mua được căn hộ hai phòng ngủ. 

Điểm khá giống nhau của vợ chồng tôi là chi tiêu thoáng tay. Làm văn phòng, lướt mạng thấy có đồ hợp ý hay được giảm giá là tôi đặt liền. Nhiều lần chỉ định mua một đôi giày mà cuối cùng vác về đủ thứ váy, áo, túi... Vợ chồng tôi sống ngẫu hứng, thích xả hơi là đi ăn hàng hay đặt vé, đặt phòng lên đường. Có những dịp, tháng nào cả nhà cũng có một chuyến đi chơi xa. Nhịp sống như vậy khiến tiền làm ra bao nhiêu chúng tôi xài hết bấy nhiêu. 

Khi hai con đi học mầm non, tôi cũng tham gia vào các nhóm, hội cha mẹ nuôi dạy con trên mạng. Thấy mọi người bàn chuyện đầu tư cho con học trường quốc tế rồi đi du học, tôi cũng ham. Nhưng khi đó, tôi mới giật mình nhìn lại tình hình tài chính gia đình. Ngoài ngôi nhà và vô số các vật dụng mua khá tốn tiền - nhưng chẳng dùng đến và chưa chắc bán có ai mua không - vợ chồng tôi không có gì thêm. Tôi bàn với chồng phải tìm cách tiết kiệm thì mới mong đầu tư dài hạn cho con cái được và phòng lúc bất trắc.

Lên quyết tâm là vậy nhưng thực hành không đơn giản. Trong vòng 5 năm sau đó, tôi đã theo đuổi rất nhiều cách quản lý chi tiêu được chia sẻ trên mạng nhưng đa phần là thất bại. Nghe một số chị em bày là phải ghi chép lại chi tiêu thì mới thấy mình xài sao mà hãm lại, tôi thực hiện nhưng chỉ được vài tháng là thấy oải. Nhiều khi tôi tiêu ào ào cả tuần rồi mới ngồi nghĩ lại xem đã mua gì để ghi thì món nhớ món quên. Có lúc nhỡ đặt hàng quá tay, tôi tự thấy xấu hổ nên cũng không muốn ghi lại nữa. Vì thế cách này là vô hiệu.

Tiếp đó tôi dùng biện pháp gửi tiết kiệm online. Ngay khi vừa nhận được lương, hai vợ chồng sẽ ngắt ngọn gửi luôn 20 triệu vào tài khoản tiết kiệm. Sau vài tháng vui mừng vì đã làm được việc này, tôi lại rút tiền ra tiêu khi có việc phát sinh hay lỡ vào trung tâm thương mại mua thỏi son mà cuối cùng lại xách về cả bộ mỹ phẩm gần chục triệu. Việc tất toán tiết kiệm online quá dễ dàng không thể ngăn ý muốn mua sắm của tôi. Nhiều lần, vợ chồng tôi tưởng chừng đã tích cóp được một món to to nhưng đùng cái mua được voucher giảm giá hay bạn bè rủ chuyến ra nước ngoài là lại rút ra tiêu sạch.

Loay hoay mãi thấy cứ kiểu sống như vậy nhỡ mình có chuyện gì hoặc không thể kiếm được tiền như hiện tại nữa thì cả nhà sẽ lao đao, con cái không biết dựa dẫm vào đâu, tôi quyết tâm phải thay đổi. Đầu tiên, tôi lấy giấy ghi ra tất cả các khoản chi tiêu cố định để biết mỗi tháng gia đình cần bao nhiêu tiền, phần còn lại sẽ dành tiết kiệm. Khi có lương, vợ chồng tôi sẽ để riêng các khoản như tiền học phí, sữa, điện, nước... vì chắc chắn phải dùng đến. Phần còn lại sẽ dành mua đồ ăn và giải trí. Đến giữa tháng, nếu kiểm tra thấy còn ít tiền thì sẽ ngưng hết các khoản giải trí lại. 

Phần tiền để tiết kiệm thì tôi không gửi online nữa mà mang tới ngân hàng gần cơ quan để làm sổ. Để tiện lợi hơn, sau đó, tôi đăng ký tiết kiệm gửi góp tự động vào mỗi tháng và chỉ tất toán được khi đến hạn đã đăng ký, ít nhất là 6 tháng (tôi đăng ký hẳn một năm). Tôi nhận ra rằng cần phải làm cách nào đó để mình không nhìn thấy tiền trước mắt hay trong tầm tay thì mới tích lũy được.

Thấy dành dụm được kha khá, vợ chồng tôi lại thêm động lực tiết kiệm. Chúng tôi bàn nhau rằng muốn để dành được khoản to thì cần làm lớn nên đã mua một căn hộ giá hơn 3 tỷ, vay ngân hàng một nửa. Khi hàng tháng phải trả một khoản nợ, chúng tôi tự động phải xem xét kỹ các món đồ cần mua là có cần thiết không chứ không dễ dàng mở ví như trước. Tới thời điểm này, căn hộ vợ chồng tôi vay ngân hàng để mua đang được cho thuê, mang lại một nguồn thu nhập nữa. Khoản nợ chúng tôi cũng trả gần hết.

Mỗi người sẽ có cách tiết kiệm riêng. Vấn đề là bạn cần có mục tiêu về tài chính và không ngại thử các cách khác nhau để tìm ra cách tích lũy phù hợp với mình và gia đình. Vợ chồng tôi giờ vẫn ăn tiêu thoải mái nhưng biết dùng tiền vào những thứ hữu ích và làm gì cũng có kế hoạch chứ không "thích là nhích" như trước. Nếu ngay từ đầu đã thực hiện được như vậy, có lẽ bây giờ chúng tôi không chỉ có hai ngôi nhà. Dẫu vậy, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu dành dụm.

Vay tiền người thân để khỏi gánh lãi mua nhà, tôi lao đao khi trả
"Cậu tôi cho mượn 50 triệu, nói vài năm sau mới phải trả nhưng chỉ được 6 tháng thì đòi để cho con đi nước ngoài", chị Hoàn kể.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư