Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vốn châu Á "đại náo" làng công nghệ
Hữu Tuấn - 25/05/2018 17:42
 
Lĩnh vực công nghệ đang thu hút vốn ngoại một cách mạnh mẽ, với sự hiện diện của hàng loạt đại gia nước ngoài đến từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Dù lỗ, vốn ngoại vẫn ào ạt chảy vào thương mại điện tử

Với tốc độ tăng trưởng khoảng 22%/năm và quy mô dự kiến 7,5 tỷ USD đến năm 2025, thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực dẫn đầu danh sách hút vốn ngoại của Việt Nam. Riêng năm 2017, đã có 21 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực này, với tổng giá trị 83 triệu USD. Điều thú vị là phần lớn vốn ngoại đến từ châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…).

Dù đang bị lỗ, Tiki.vn vẫn nhận được khoản đầu tư 54 triệu USD từ JD.com và STC Investment.
Dù đang bị lỗ, Tiki.vn vẫn nhận được khoản đầu tư 54 triệu USD từ JD.com và STC Investment.

Đáng chú ý nhất là khoản đầu tư 54 triệu USD mà Tiki.vn nhận từ JD.com và STC Investment, dù Tiki đến nay vẫn đang bị lỗ, nâng tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài tại Tiki vượt mức 40%. Lazada, doanh nghiệp TMĐT số 1 thị trường Việt Nam hiện nay, cũng đã thuộc sở hữu của Alibaba (Trung Quốc). Tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để thâu tóm toàn bộ chi nhánh Lazada tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tháng 3/2018, Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư của Alibaba ở Lazada lên 4 tỷ USD.

Một cái tên nữa trong Top 3 doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam là Shopee cũng đang thuộc sở hữu 100% nước ngoài, hoạt động phủ khắp Đông Nam Á, giống như Lazada. Shopee là một sản phẩm của SEA.ltd (Singapore) ra mắt từ tháng 8/2016. Tiền thân của SEA chính là Garena, một start-up khủng của Singapore được thành lập năm 2009, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến. Đến ngày 30/6/2017, Tencent (Trung Quốc), đối thủ hàng đầu của Alibaba, đang là cổ đông lớn nhất của SEA với 39,7% cổ phần chi phối.

Có thể thấy, trong Top 10 doanh nghiệp TMĐT dẫn đầu thị trường Việt Nam hiện nay, trừ Adayroi.com của Vingroup và Thế giới Di động, Điện máy Xanh, những cái tên còn lại đều đang có tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao: Nguyễn Kim và Zalora.vn đều có 49% cổ phần thuộc Central Group (Thái Lan), Nhommua.com bán 26,9% cổ phần cho Scroll (Nhật Bản), Sendo (33% cổ phần thuộc các doanh nghiệp Nhật)… Điều này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại đang rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của TMĐT, một thị trường mà sự trường vốn luôn là yêu cầu tiên quyết.

Ngay cả một số doanh nghiệp TMĐT nhỏ cũng nhận được vốn đầu tư khủng lên đến hàng chục triệu USD từ nước ngoài, như Weshop, trên danh nghĩa là Công ty Peacesoft Việt Nam nhưng hợp tác với Weshop Global Group (Singapore) và Interpark Group (Hàn Quốc), Chotot được Công ty Telenor mua 100% cổ phần…

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group nhận xét, gần đây nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính trong và ngoài nước đã tham gia thị trường TMĐT và họ chấp nhận chịu lỗ lớn với mục đích thu hút được nhiều khách hàng, chiếm thị phần lớn. Điều này khiến sự cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT trở nên khốc liệt và nhiều doanh nghiệp không còn tiền tiếp tục đầu tư, phải rời thị trường. 

Nước ngoài chi phối nhiều trung gian thanh toán Việt!

Trung gian thanh toán, một lĩnh vực non trẻ mới xuất hiện từ năm 2016 tại Việt Nam, đang chứng kiến những thương vụ đầu tư sôi động nhất. Chỉ trong năm 2017, lĩnh vực này đã ghi nhận 8 thương vụ với tổng giá trị lên tới 57 triệu USD. 

SEA lại một lần nữa cho thấy sự hào hứng của mình với thị trường Việt Nam khi mua lại 45,18% cổ phần của VNPay. Bản thân SEA cũng đang phát triển ví điện tử Airpay của riêng mình, được tích hợp luôn trong ứng dụng Foody và website Shopee, với nhiều ưu đãi cho người dùng. 

Không ít doanh nghiệp trung gian thanh toán đang có vốn ngoại vượt mức 50%, như VNPT Epay (65% cổ phần trong tay đối tác Hàn Quốc), hay Ngân lượng.vn (50% cổ phần đã bán cho MOL của Malaysia), Onon Pay bán 90% cổ phần cho Gobi Partnes (Trung Quốc), hay có thông tin mPos của Tập đoàn NextTech đã bán 90% cổ phần cho GHL (Malaysia).

Dù chỉ tham gia 1/3 trên tổng số 92 thương vụ gọi vốn của các start-up Việt trong năm 2017, song giá trị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đã lên đến 245 triệu USD, gấp hơn 5 lần so với các nhà đầu tư trong nước.
Nguồn: Báo cáo khởi nghiệp thường niên của Topica Founder Institute – TFI

Mới đây nhất, cuối năm 2017, báo chí nước ngoài đưa tin, ví điện tử 1Pay của Việt Nam đã chính thức về tay người Thái, khi bán hơn 90% cổ phần cho Tập đoàn Ascend. Ascend Money không phải là cái tên xa lạ với giới tài chính, bởi Tập đoàn Alibaba đang sở hữu 20% cổ phần của Ascend Money và tuyên bố sẽ tăng lên 30% trong năm 2018. 

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đang lo ngại trước sự thâm nhập mạnh mẽ của khối ngoại vào lĩnh vực thanh toán. Đó không chỉ là mất thị phần, “mạch máu tài chính” rơi vào khối ngoại, mà những lỗ hổng như vụ chuyển tiền trái phép qua AliPay, Wechat Pay thời gian qua mà chúng ta chưa thể kiểm soát được.

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thị trường thanh toán Việt Nam quá béo bở, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Do đó, việc thanh, kiểm tra, giám sát với các cổng trung gian thanh toán là cực kỳ quan trọng, để tránh xảy ra những câu chuyện tương tự VNPT Epay trong vụ Rikvip, hay những vụ chuyển ngân lậu ra nước ngoài tại Quảng Ninh thời gian qua.

Được biết, đối với dịch vụ trung gian thanh toán, các quy định của pháp luật đang thả trôi tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trừ các công ty đại chúng kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán. Trong khi đó, dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ có tính chất của hoạt động kinh doanh tiền tệ và ngân hàng. 

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, cần sự phối hợp chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng hành lang pháp lý hợp lý, cụ thể, nhất là ở khía cạnh vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực trung gian thanh toán. Đặc biệt, tham khảo tỷ lệ sở hữu cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.

Theo các chuyên gia, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ vẫn còn ồ ạt đổ vào các thị trường “nóng” như trung gian thanh toán, TMĐT trong thời gian tới. Về ngắn hạn, điều này giúp bức tranh đầu tư của Việt Nam trở nên sáng sủa, các doanh nghiệp có vốn và lực để phát triển. Nhưng rõ ràng về dài hạn, điều này cũng đặt ra bài toán về quản lý, nhằm kiểm soát được sự phát triển của thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các ông lớn nước ngoài “lắm tiền nhiều của”, tránh tình trạng doanh nghiệp nội thua trắng trên sân nhà...

Nhiều đại gia tiếp tục “bơm” vốn cho thương mại điện tử
Với quy mô doanh thu lên đến 10 tỷ USD trong 4 năm tới, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được nhiều doanh nghiệp xem là thị trường hấp dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư