Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vốn ngân hàng giải cứu “thủ phủ” cà phê
Hà Tâm - 02/12/2015 08:07
 
Trong khi người trồng cà phê tại nhiều tỉnh Tây Nguyên đang kêu trời vì thiếu vốn tái canh thì tại Lâm Đồng, hàng chục ngàn hecta cà phê già cỗi đã được hồi sinh nhờ vốn ngân hàng, cho năng suất đứng đầu thế giới.
TIN LIÊN QUAN
Ông Trần Văn Khải (Hòa Bắc, Di Linh, Lâm Đồng) bên vườn cà phê tái canh trĩu quả
Ông Trần Văn Khải (Hòa Bắc, Di Linh, Lâm Đồng) bên vườn cà phê tái canh trĩu quả

Từ cà phê “cụ” đến năng suất đứng đầu thế giới

Dọc đường dẫn đến cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) là những đồi cà phê xanh tươi trĩu quả. Thủ phủ cà phê của Lâm Đồng trước đây xơ xác những vườn cà phê già cỗi nay gần như đã lột xác với vẻ xanh tươi, trù phú.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khải, thôn 1 xã Hòa Bắc, Di Linh, Lâm Đồng cho hay, vườn cà phê có tuổi đời 30 năm nhà ông đã được thay thế cách đây 3 năm nhờ chính sách tái canh cà phê.

“Trước đây, vườn cà phê già nhà tôi chỉ cho năng suất 2-2,5 tấn/ha, đặc biệt tốn rất nhiều chi phí chăm sóc, phân bón mà còn thường xuyên sâu bệnh. Ngay khi có chủ trương tái canh cà phê, tôi đã dạn vay 200 triệu đồng từ Agribank để thực hiện trồng mới và ghép cải tạo toàn bộ 3ha cà phê của mình. Hiện tại, vườn cà phê nhà tôi đã cho năng suất 3,5 tấn/ha và sang năm có thể ổn định năng suất ở mức ít nhất 6-7 tấn/ha”, ông Khải nói.

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, với giá cà phê hiện nay, với giá cà phê và chi phí hiện nay, với năng suất 2 tấn/ha là người dân có thể hòa vốn. Vậy nên với năng suất ít nhất 6-7 tấn/ha, sau khi tái canh, người dân có thể yên tâm làm giàu với cà phê.

“Tái canh cà phê thì lo nhất là vốn, mỗi ha cà phê tái canh phải bỏ ra trên dưới 100 triệu đồng. Nếu ngân hàng không đầu tư thì người dân chúng tôi không dám làm”, ông Khải cho hay.

Cho đến nay, Agribank là ngân hàng duy nhất trên địa bàn Lâm Đồng mạnh dạn rót vốn vào tái canh cây cà phê. Tại Di Linh, mục tiêu tái canh cà phê giai đoạn 2013-2015 là 2.500 ha thì riêng Agribank chi nhánh Hòa Ninh (Di Linh, Lâm Đồng) đã cho vay tái canh tới 2.100 hộ với tổng diện tích tái canh là 2.300 ha.

Không chỉ riêng ở Di Linh mà trên toàn khu vực Tây Nguyên, gần như 100% vốn tái canh cà phê đều do ngân hàng Agribank tài trợ. Trong đó, riêng Agribank Chi nhánh Lâm Đồng đã giải ngân số tiền gần 700 tỷ đồng cho 5.156 khách hàng với 7.500 ha cà phê đã được đầu tư vốn để tái canh cà phê. Nhờ sự tích cực vào cuộc của Agribank Lâm Đồng mà diện tích tái canh cà phê của tỉnh Lâm Đồng đã đạt tới 24.700 ha, vượt mục tiêu đề ra là 23.000 ha. Trong đó, nhiều mô hình cà phê đạt năng suất 7-8 tấn/ha, thậm chí có mô hình đạt 10 tấn/ha – mức cao nhất thế giới.

Ngân hàng chịu lỗ để nông dân làm giàu

Theo ông Ngô Văn Thạo, trưởng Thôn 1, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh cho biết, do được tạo điều kiện tiếp vay vốn một cách dễ dàng, nhanh chóng, nên có tới trên 80% hộ trong thôn vay vốn với lãi suất thấp từ Agribank Chi nhánh Hòa Ninh để tiến hành tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê.

Tương tự, tại nhiều địa phương khác ở Lâm Đồng, vốn vay tái canh cà phê được giải ngân nhanh chóng. Đây cũng là lý do Lâm Đồng trở thành tỉnh duy nhất trong cả nước hoàn thành vượt định mức mục tiêu tái canh cà phê.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận xét: “Trong khi các tỉnh khác ở Tây Nguyên đều kêu khó khăn, không làm được thì riêng Lâm Đồng lại thực hiện rất tốt tái canh cà phê.  Rõ ràng, vấn đề không phải là khó thực hiện mà vấn đề là có quyết tâm hay không. Tại Lâm Đồng, ngoài sự quyết tâm của chính quyền địa phương các cấp thì còn có sự vào cuộc quyết liệt của Agribank Lâm Đồng”.

Được biết, hiện nay, tổng vốn cho vay tái canh cà phê của Agribank Lâm Đồng chiếm 87,7% tổng dư nợ cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Trọng Đại, Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng  cho hay, chính sách cho vay tái canh cà phê bắt đầu triển khai từ năm 2013 nhưng mãi đến 15/9/2015 thì NHNN mới áp dụng tái cấp vốn cho vay tái canh cà phê. Đây có thể là lý do khiến nhiều ngân hàng tại Tây Nguyên chưa dám mạnh tay triển khai cho vay tái canh. Trong khi đó, Agribank chấp nhận lỗ để triển khai cho dân vay, ngay từ khi chưa có hướng dẫn.

“Chưa có nguồn tái cấp vốn nhưng vẫn cho vay ưu đãi, Agribank Lâm Đồng đã chịu thiệt 12 tỷ đồng để làm lợi cho người dân trồng cà phê. Nhưng chúng tôi tin rằng, giúp dân có lợi thì ngân hàng sẽ không thiệt. Khi đời sống của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng sẽ tăng theo. Chúng tôi hai, là do chỉ đạo sâu sát của tỉnh,  hơn nữa tin làm cho dân lợi thì sẽ không thiệt. Khi đời sống của người dân phát triển, sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng lên”, ông Đại nói.   

Điều làm Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng băn khoăn nhất là dù Agribank đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho bà con vay vốn tái canh cà phê như: rút ngắn thời gian thẩm định, lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường các đối tượng khác – gần như ở mức hòa vốn với ngân hàng , tỷ lệ đầu tư tín dụng có thể lên tới 80% nhu cầu vốn... song với người dân, lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn còn cao, nhất là trong điều kiện bà con các vùng cà phê gần như “độc canh”  và khi thực hiện tái canh, bà con sẽ mất 2-4 năm không có thu nhập.

Được biết, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến năm 2020  sẽ nâng tổng diện tích cà phê được  tái canh, ghép cải tạo lên trên 38.000 ha và vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu này.

Để tiếp tục giữ vai trò chủ lực cho vay tái canh cà phê trên địa bàn trong 2016- 2020, Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng mục tiêu đầu tư vốn thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê giai đoạn 2016-2020 là 1.765,5 tỷ đồng để tái canh, cải tạo giống cà phê trên diện tích 16.250 ha.

Tuy nhiên, để tái canh cà phê mang lại hiệu quả cao, ông Nguyễn Trọng Đại cũng đề xuất, Bộ Tài Chính chỉ đạo triển khai mạnh mẽ bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm đối với ngành hàng cà phê, đồng thời xây dựng quỹ bình ổn giá cà phê để giảm thiểu rủi ro do giá cả không ổn định, mua tạm trữ cà phê (như tạm trữ lúa gạo) bảo đảm lợi nhuận 30% cho người trồng cà phê khi vào mùa vụ thu hoạch và giá cà phê xuống thấp; Bộ NN&PTNT phải sớm ban hành quy trình tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Ngoài ra, NHNN cũng cần rà soát và điều chỉnh kịp thời hạn mức vay tái canh cà phê và cung ứng nguồn tái cấp vốn kịp thời.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư