Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vốn tư nhân là nguồn lực cần thiết cho đầu tư y tế
Hải Bằng - 27/02/2017 12:02
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Kết quả hoạt động đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước cho ngành y tế trong thời gian vừa qua có gì đáng chú ý, thưa Bộ trưởng?

Bộ Y đã tế tập trung đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện, chỉ đạo các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng bệnh viện. Đến nay, phần lớn các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong giai đoạn 2012 - 2016, có 119 bệnh viện được xây mới, trong đó tuyến trung ương có 3 bệnh viện và tuyến tỉnh, huyện có 116 bệnh viện. Ngoài ra, đã xây mới, mở rộng và cải tạo 1.839 khoa, phòng; tăng thêm 5.129 bàn, buồng khám bệnh.

Ngành y tế còn những dự án lớn nào đang và sẽ tiếp tục triển khai?

Các dự án đang tiếp tục hoàn thiện và chuẩn bị xây dựng đề án gồm: Bệnh viện Da liễu Trung ương, Khu điều trị của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Nhà 15 tầng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Nhi TP.HCM, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 của TP.HCM, Cơ sở 2 của Bệnh viện Mắt Trung ương, Cơ sở 2 của Bệnh viện Lão khoa Trung ương…

Được biết, Bộ Y tế cũng khuyến khích các cơ sở y tế thu hút vốn đầu tư tư nhân. Hiệu quả của chủ chương này đến nay ra sao, thưa Bộ trưởng?

Trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn chế, việc xã hội hóa để cung cấp dịch vụ y tế thời gian qua đã góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân, hạn chế việc người bệnh phải đi khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Việc thực hiện xã hội hóa đã góp phần phát triển kỹ thuật, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.

Hiện nay, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được bảo hiểm y tế thanh toán. Ở nhiều bệnh viện, các trang thiết bị xã hội hóa được dùng chung cho toàn bộ bệnh viện, nên ngay cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng được hưởng lợi vì cùng được sử dụng các dịch vụ này.

Xin Bộ trưởng cho biết, giá của các dịch vụ y tế có nguồn vốn từ hợp tác công - tư được xây dựng trên các tiêu chí nào? Giá đó do ai quyết định và Bộ Y tế có yêu cầu điều chỉnh giảm giá sau thời gian khai thác các thiết bị xã hội hóa hay không?

Giá của các dịch vụ xã hội hóa được tính theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy. Mức giá này do thủ trưởng các đơn vị công lập chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành theo quy định.

Việc xây dựng và ban hành giá của các dịch vụ này phải tuân thủ các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Khấu hao là một yếu tố chi phí, pháp luật đã quy định: khi hết khấu hao, nhưng tài sản vẫn còn sử dụng được thì không được tính khấu hao vào giá, nên về nguyên tắc, các đơn vị sẽ phải điều chỉnh lại giá dịch vụ sau khi hết thời gian khấu hao mà thiết bị vẫn có thể sử dụng để cung cấp dịch vụ cho người bệnh.

Có một số bệnh viện quá tải nghiêm trọng, nhưng vẫn dành tỷ lệ lớn giường dịch vụ. Vậy Bộ Y tế có khống chế số giường dịch vụ tại các bệnh viện hay không?

Hiện số giường dịch vụ chiếm khoảng 5% tổng giường thực kê và bằng khoảng 6% tổng số giường kế hoạch. Tỷ lệ này tại bệnh viện tuyến trung ương khoảng 10 - 11%.

Việc tổ chức các giường bệnh dịch vụ đã góp phần tăng số giường bệnh phục vụ người dân, góp phần giảm quá tải cho giường bệnh thông thường. Nhiều bệnh viện đã thu gọn khu vực hành chính để có diện tích kê thêm giường dịch vụ, chứ không phải các bệnh viện giảm bớt giường bệnh kế hoạch để kê thêm giường dịch vụ. Như vậy, khi có giường dịch vụ, nhiều người chuyển sang nằm giường dịch vụ sẽ giảm tải cho các giường bệnh thông thường.

Tuy nhiên, thực tế cũng có một số bệnh viện bố trí phòng dịch vụ không hợp lý, không tách biệt với khu vực khám chữa bệnh thông thường, nên người dân bức xúc và thiếu thiện cảm khi nhìn nhận vấn đề này, cảm giác bị phân biệt đối xử. Vì vậy, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo các bệnh viện có tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải vay vốn, huy động vốn, liên kết hợp tác đầu tư thành khu vực riêng.

Mở rộng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư