Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vụ Bệnh viện Bưu điện “rút ruột” tiền công: Thu hồi tiền, xử lý cán bộ vi phạm
Hữu Tuấn - 23/04/2015 14:25
 
Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quyết định thu hồi số tiền bị chiếm dụng trái phép tại Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (BVĐKBĐ) và sẽ xử lý cán bộ vi phạm theo thẩm quyền.

Liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại BVĐKBĐ, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, hiện VNPT biết thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân, nhưng VNPT chưa nhận được văn bản đề nghị xử lý cán bộ VNPT có liên quan trong vụ án này. Khi chưa có bản án cuối cùng của tòa án, thì VNPT chưa thể bình luận gì về vấn đề này.

Đối với số tiền gần 28 tỷ đồng của VNPT bị lãnh đạo BVĐKBĐ “rút ruột”, đại diện VNPT cho biết, về nguyên tắc, số tiền này sẽ phải được thu hồi. Hiện VNPT đã ra quyết định thu hồi số tiền này.

 

Được biết, BVĐKBĐ là đơn vị y tế sự nghiệp có thu thuộc VNPT được thành lập theo Quyết định số 147/QĐ-TCCB-HĐQT ngày 9/6/2009 của Chủ tịch HĐQT trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Bưu điện 2 và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Bưu điện 2.

Vụ việc nói trên xảy ra trong quá trình VNPT tiến hành tái cấu trúc từ năm 2009 đến 2011. Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, từ năm 2009 đến 2011, Trương Anh Kiệt, nguyên Giám đốc; Phạm Văn Sửu, nguyên Kế toán trưởng và Trương Bích Nguyệt, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BVĐKBĐ đã lợi dụng các đoàn cán bộ của các đơn vị thuộc VNPT đến Bệnh viện khám rồi về trong ngày để lập khống hồ sơ, bệnh án, kê khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú… rồi trình VNPT quyết toán khống. 

Năm 2008, Kiệt lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Bưu điện II đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế toán lập Báo cáo kế hoạch chi tiêu y tế, thu chi tài chính năm 2009 của Bệnh viện kèm theo các bản tổng hợp kế hoạch thu chi tài chính trình Kiệt ký gửi VNPT. Trong đó, kê khai chỉ tiêu số giường điều dưỡng nội trú là 120 giường, tương ứng với 4.380 lượt người và 43.800 ngày điều dưỡng, số giường điều trị nội trú là 40 giường, tương ứng với 1.460 lượt người và 14.600 ngày điều trị. VNPT đã phê duyệt kinh phí như Kiệt ký trình.

Trên thực tế, khi lập báo cáo lên VNPT, Kiệt, Sửu, Nguyệt đều biết rõ thực tế số giường bệnh được trang bị lúc cao nhất là 111 giường, số lượng cán bộ, y bác sỹ ở các khoa và khả năng thực tế khám và điều trị, điều dưỡng thực hiện hàng năm không thể thực hiện được như báo cáo với VNPT. Nhưng để quyết toán kinh phí hỗ trợ của VNPT đưa vào nguồn thu của Bệnh viện, Kiệt đã ký kế hoạch chuyên môn năm 2009, ấn định chỉ tiêu khám, chữa bệnh cho từng khoa. Sau đó, giao Phòng Hành chính - Quản trị soạn thảo quyết định để ông Phạm Tuấn Khoa, Phó giám đốc ký quyết định giao chỉ tiêu chuyên môn chính thức cho từng khoa.

Do thực tế lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú tại Bệnh viện rất ít, nhưng vì ông Kiệt chỉ đạo là phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn được giao, nên các khoa đã dùng danh sách các đoàn cán bộ đến khám, không nằm điều dưỡng, điều trị nội trú để lập hồ sơ khống bệnh án, kê khống ngày điều trị, điều dưỡng nội trú.

Tháng 6/2009, BVĐKBĐ được thành lập (trên cơ sở sáp nhập 2 bệnh viện như đã nêu ở trên), Kiệt được giữ chức vụ Giám đốc. Kiệt cũng đã chỉ đạo lập báo cáo kế hoạch chuyên môn của cả 2 bệnh viện và nâng khống số giường bệnh điều trị nội trú.

Cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn này, từ năm 2009 đến 2011, BVĐKBĐ đã lập khống 13.077 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú; kê khống hơn 100.000 ngày điều dưỡng, điều trị nội trú... nhằm mục đích rút tiền hỗ trợ hàng chục tỷ đồng của VNPT để sử dụng chi lương, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên trong toàn bệnh viện. Tổng giá trị quyết toán khống của VNPT là hơn 22 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tiền giường và trên 5,7 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tiền ăn tại Bệnh viện.

Trong tổng số tiền thiệt hại được xác định nêu trên, các bị can đã đưa 11 tỷ đồng vào quỹ lương chia cho cán bộ. Bản thân Kiệt được chia hơn 112 triệu đồng, Sửu được chia gần 73 triệu đồng, Nguyệt 73,5 triệu đồng. Các cá nhân khác như ông Phạm Tuấn Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện cũng được hưởng lợi qua chênh lệch lương hơn 80 triệu đồng, bà Phạm Thị Kim Hoa, Phó giám đốc gần 80 triệu đồng, ông Ngô Xuân Bình, Trưởng phòng Hành chính hơn 77 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thảo, Kế toán gần 40 triệu đồng...

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố Trương Anh Kiệt, Phạm Văn Sửu và Trương Bích Nguyệt về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Còn đối với nhiều cá nhân khác, Cơ quan điều tra cũng đề nghị VNPT xử lý nghiêm tùy theo mức độ vi phạm.

VNPT xác nhận vụ hàng nghìn modem không đổi được password
Lãnh đạo VNPT Hà Nội chính thức xác nhận và thông báo cụ thể về sự cố gần 1.000 modem Huawei HG8045A mà đơn vị này đã cung cấp ra thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư