Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vụ cưỡng chế Khách sạn Sài Gòn - Thương mại Nghệ An: Đối thoại bất thành, luật sư hẹn "đấu nhau” trước tòa
Hoàng Hảo - 14/07/2016 20:00
 
Sáng 13/07, lãnh đạo Công ty CP Thương mại Nghệ An và Công ty CP đầu tư Môi trường xanh đã có buổi đối thoại nhằm tìm ra giải pháp hòa giải cho cuộc xung đột lợi ích giữa hai bên. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đi vào chiều hướng bế tắc bởi xung đột quan điểm về việc thẩm định giá trị đầu tư. Lluật sư của hai bên cho biết sẵn sàng “đấu nhau” trước Tòa về vấn đề này…

Cần nói rõ rằng, đây là cuộc đối thoại hòa giải hoàn toàn do hai bên tự dàn xếp. Cuộc đối thoại không có chủ tọa, không có thư ký ghi biên bản và không có đại diện cơ quan chức năng nào đến chứng kiến. Tuy nhiên, vẫn có khá đầy đủ đại diện của hai công ty và thu hút được gần chục phóng viên báo chí quan tâm theo dõi.

.
.

Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Môi trường xanh tỏ ra bức xúc khi trình bày những vấn đề liên quan đến công nợ; kết quả thẩm định giá trị do bên B đã đầu tư nâng cấp, cải tạo khách sạn. Theo ông Hồng,  Công ty Thương mại đã áp đặt nhiều khoản nợ phi lý đối với Công ty Môi trường xanh, có nhiều khoản tính toán “gian lận”, đẩy con số nợ lên cao đến mức hơn 9 tỷ đồng, do đó Công ty Môi trường xanh không chấp nhận nên chưa thanh toán chứ không phải Công ty Môi trường xanh cố tình không thanh toán nghĩa vụ.

Về kết quả thẩm định giá trị đầu tư do Công ty Thương mại Nghệ An ký hợp đồng thuê Công ty thẩm định giá Miền Nam thực hiện, ông Hồng cho rằng có quá nhiều điểm bất công đối với Công ty Môi trường xanh, vì nhiều hạng mục đã được đầu tư nhưng không đưa vào tính toán khiến cho giá trị đầu tư chỉ hơn 7,6 tỷ đồng. Bởi vậy Công ty Môi trường xanh không chấp nhận kết quả thẩm định giá đó và yêu cầu hai bên thống nhất thuê một đơn vị thẩm định giá khác để thẩm định lại nhằm đảm bảo công bằng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc và chính là người đầu tiên sáng lập Công ty CP đầu tư Môi trường xanh 27/7 (ông Hùng là thương binh ¼), tỏ ra rất cầu thị và chân thành. Ông Hùng nói: “Chúng ta cần bình tĩnh, thẳng thắn, chân thành với nhau. Mỗi bên chấp nhận chịu thiệt một chút thì mới giải quyết được. Doanh nghiệp chúng tôi hầu hết là những thương binh, cựu chiến binh, làm kinh tế vì niềm đam mê và mong muốn tiếp tục được cống hiến cho đất nước, cho xã hội và tạo công ăn việc làm cho con cháu, chứ chúng tôi không vì đồng tiền mà đánh mất phẩm chất, bất chấp pháp luật, coi nhẹ đạo lý. Chúng tôi không khai gian một xu nào để gây thiệt hại cho đối tác. Bởi vậy, đề nghị Công ty Thương mại và đơn vị thẩm định giá đi cùng chúng tôi trực tiếp đến kiểm tra thực tế từng hạng mục đã đầu tư. Cái gì chúng tôi đã làm thì phải ghi nhận và tính vào giá trị, vì đó là những cái được đầu tư bằng những đồng lương của các thương, bệnh binh, các cựu chiến binh và đồng tiền mồ hôi nước mắt lao động của con cháu chúng tôi gom góp lại”.

Trả lời ý kiến bên phía Công ty Môi trường xanh, ông Trịnh Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Thương mại cho biết: “Việc đối chiếu công nợ thì chúng tôi sẵn sàng, kế toán hai bên có thể lên đối chiếu với nhau bất cứ lúc nào. Nhưng đề nghị thuê đơn vị thẩm định giá khác để thẩm định lại giá trị đầu tư do bên phía Công ty Môi trường xanh đưa ra thì chúng tôi không chấp nhận”.

Luật sư Hoàng Văn Dào – người bảo vệ quyền lợi bên phía Công ty Môi trường xanh cho rằng: “Có hai vấn đề chính cần giải quyết dứt điểm giữa hai bên. Đó là vấn đề công nợ và giá  trị thực tế đã đầu tư cải tạo nâng cấp khách sạn Sài Gòn – Thương mại mà Công ty Môi trường xanh thực hiện. Việc đối chiếu để làm rõ công nợ thì hai bên đã đồng ý, còn lại vấn đề thẩm định giá trị đầu tư của bên B.

Về nguyên tắc, kết quả thẩm định giá trị đã đầu tư cải tạo khách sạn Sài Gòn Thương mại do Công ty thẩm định giá miền Nam đưa ra chỉ có giá trị để Tòa án lấy làm căn cứ khi đã được hai bên thống nhất. Nhưng ở đây, kết quả thẩm định giá đưa ra con số 7,6 tỷ là quá chênh lệch so với con số 27,8 tỷ mà Công ty Môi trường xanh đưa ra và không được Công ty Môi trường xanh chấp nhận. Bởi vậy cần thiết phải thuê một đơn vị thẩm định giá độc lập khác để đưa ra một kết quả khách quan và đúng với thực tế.

Trong khi đó. Luật sư Đào Thị Hằng, người bảo vệ quyền lợi bên phía Công ty Thương mại vẫn khẳng định:  “Chúng tôi không thể chấp nhận đề nghị của Công ty Môi trường xanh về việc thuê một đơn vị thẩm định giá khác để thẩm định lại giá trị đầu tư”. Khi được hỏi lý do vì sao Công ty Thương mại khăng khăng giữ nguyên kết quả thẩm định giá trị đầu tư do Công ty CP thẩm định giá miền Nam đưa ra, luật sư Hằng ngập ngừng một chút rồi nói: “Vấn đề này chúng tôi sẽ trả lời trước Tòa”.

Không thống nhất được vấn đề thẩm định giá trị đầu tư, hai bên trở lại vấn đề đối chiếu công nợ, luật sư Hằng yêu cầu Công ty Môi trường xanh ấn định thời hạn đối chiếu. Ông Trần Văn Hồng lập tức nổi nóng: “Bây giờ Cơ quan thi hành án và Công ty Thương mại đã niêm phong phòng làm việc của chúng tôi. Tất cả giấy tờ, sổ sách kế toán đều đang để trong phòng làm việc bị niêm phong, vậy chúng tôi lấy gì để mà đối chiếu công nợ? Tôi yêu cầu Công ty Thương mại trả lại phòng làm việc cho chúng tôi. Bởi vì theo hợp đồng hai bên đã ký thì Công ty Môi trường xanh được đặt phòng làm việc tại Khách sạn Sài Gòn – Thương mại”.

Ông Trịnh Ngọc Sơn trả lời: “Công ty Thương mại sẵn sàng mở cửa phòng để Công ty Môi trường xanh lấy hồ sơ, tài liệu. Nhưng sẽ bố trí cho Công ty Môi trường xanh một văn phòng làm việc ở nơi khác”.

Kết thúc buổi đối thoại, hai bên vẫn chưa đi đến một sự thống nhất rõ ràng nào. Thời gian tổ chức đối chiếu công nợ giữa hai bên không được ấn định; Vấn đề thẩm định giá trị đầu tư của bên B chưa tìm được tiếng nói chung. Luật sư của cả hai bên đều nhận định vụ tranh chấp chỉ có thể giải quyết trước Tòa.

Tuy nhiên, ngày 14/07, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn điện thoại trao đổi với cả ông Trịnh Ngọc Sơn và ông Trần Văn Hồng hỏi về quan điểm của hai bên sau cuộc đối thoại, thì cả ông Sơn và ông Hồng đều cho biết, tuy chưa tìm được sự thống nhất, nhưng cuộc đối thoại cũng đã mở ra được triển vọng về khả năng thương lượng.

Vướng mắc lớn nhất còn lại là việc thẩm định giá trị đầu tư, ông Sơn cho biết, trước đây Công ty Thương mại đã phải chi ra hơn 100 triệu đồng thuê Công ty CP Thẩm định giá miền Nam thực hiện trong hơn 6 tháng trời. Bây giờ nếu lại thuê một Công ty thẩm định giá độc lập khác làm lại từ đầu thì phải tiếp tục mất hàng trăm triệu đồng nữa và cũng mất thời gian rất lâu mới có kết quả. Như vậy vừa tốn kém về tiền bạc vừa lãng phí thời gian. Nếu Công ty Môi trường xanh khăng khăng thuê đơn vị thẩm định giá khác làm lại từ đầu thì họ phải tự bỏ tiền ra thuê rồi cứ mang hai bản thẩm định giá ra trước Tòa đối chiếu và do Tòa quyết định.

Cũng theo ý ông Sơn, để tránh mất thời gian và lãng phí tiền bạc thì hai bên nên thống nhất dùng bản thẩm định giá đã thực hiện của Công ty CP Thẩm định giá miền Nam, bên Công ty Môi trường xanh xem xét lại nếu thấy hạng mục nào đã có số liệu chính xác thì chấp nhận, hạng mục nào chưa đúng hoặc còn thiếu sót thì liệt kê ra đề nghị bổ sung.

“Chúng tôi sẵn sàng mời Công ty CP Thẩm định giá miền Nam kết hợp cả 3 bên tiếp tục đến thực tế tại khách sạn kiểm tra, thẩm định bổ sung cho hoàn thiện” – ông Sơn nói. Khi được hỏi về ý kiến nói trên của ông Sơn, ông Trần Văn Hồng tỏ ra đồng ý: “Như vậy cũng được. Chúng tôi chỉ yêu cầu kết quả thẩm định đúng với thực tế".

Cưỡng chế Khách sạn Sài Gòn - Thương mại Nghệ An có đúng luật?
Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán Nguyễn Hữu Thái, Toà án nhân dân TP Vinh dẫn đến việc cưỡng chế tại Khách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư