Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vụ Vinasun kiện Grab: Chưa thể đưa ra phán quyết, Tòa tuyên hoãn lần 3
Việt Dũng - 24/11/2018 11:17
 
Ngày 23/11/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab). Sau phần xét hỏi, Tòa vẫn chưa thể đưa ra phán quyết.

Tiếp tục phiên xét xử thứ 6, HĐXX dành thời gian cho phía Vinasun và Grab tranh luận xoay quanh yêu cầu bồi thường thiệt hại gần 42 tỷ đồng.

Theo đó, đại diện phía Vinasun cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại. Vinasun hoàn toàn đồng ý kết quả giám định và văn bản giải thích của Công ty Cửu Long (công ty giám định).

.
.

Đại diện nguyên đơn cho rằng có đủ bằng chứng khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như Đề án 24.

Về thiệt hại thực tế của Vinasun, các báo cáo đều đưa ra số liệu thiệt hại của Vinasun bắt nguồn từ nguyên nhân Grab, Uber tham gia kinh doanh vận tải. Nguyên đơn cho rằng số liệu thiệt hại thực tế còn lớn hơn 42 tỷ.

Còn về phía Grab, doanh nghiệp này bác bỏ quan điểm của nguyên đơn cho rằng chính sự xâm nhập thị trường của Grab gây thiệt hại cho Vinasun. Bị đơn cho rằng Grab vào Việt Nam là được sự cho phép của Chính phủ. Hiện, Chính phủ đang xem xét để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Grab theo mô hình nào.

Bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng Vinasun đưa ra 2 báo cáo nhưng lại không được kiểm chứng, thừa nhận. Trong khi đó, đơn vị giám định là Công ty Cửu Long vắng mặt khiến các sai sót của kết luận không được đối chất.

“Điều kiện để khởi kiện là khi Grab vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật Nhà nước; phải có thiệt hại thực tế đã xảy ra và là hành vi vi phạm trực tiếp đối với Vinasun. Trên thực tế, Vinasun nói Grab gây thiệt hại cho mình nhưng lại không chứng minh được mà chỉ dựa vào con số báo cáo của Công ty Cửu Long”, Luật sư Dũng, đại diện cho Grab nói.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cũng thật sự ngạc nhiên khi với vai trò là đơn vị thẩm định được tòa chỉ định, Cửu Long hiểu rõ tầm quan trọng của sự chính xác trong các kết quả thẩm định của họ đối với vụ kiện này. Nếu bằng cách nào đó, tòa sử dụng những kết quả đánh giá thiếu chính xác của Cửu Long để tuyên án và Grab phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại được tính toán chỉ bằng những dữ liệu và giả định không chính xác của họ, liệu Cửu Long có đánh giá được mức độ thiệt hại về mặt danh tiếng đối với Grab hay không? Cửu Long đã có nhiều cơ hội trực tiếp trình bày về kết quả giám định của mình chỉ bằng cách đơn giản là có mặt tại tòa để trả lời thẳng thắn các câu hỏi của đơn vị liên quan đến báo cáo giám định của họ, nhưng thay vào đó, họ lại chọn quyền vắng mặt. Xét đến việc chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Cửu Long đến tòa để bảo vệ kết quả giám định của mình, nếu họ vẫn chọn cách tiếp tục không đến, chúng tôi chỉ có thể cho rằng Cửu Long muốn né tránh bị chất vấn”.

Như vậy, “ẩn số” Cửu Long vẫn không có lời giải và sự vắng mặt của Cửu Long tại tòa dẫn đến việc lý giải cơ sở giám định thiệt hại thiếu đi nhiều chứng cứ thuyết phục.

Kết thúc phần tranh luận của 2 bên, HĐXX cho biết, vì bản án liên quan đến nhiều đối tượng nên tòa cần thời gian để đưa ra bản án chính xác. Xét thấy vẫn chưa đủ cơ sở để ra phán quyết nên tòa tạm dừng đến ngày 30/11 sẽ tiếp tục xét xử.

Đây là lần thứ 3, Tòa tuyên tạm dừng xét xử vì chưa đủ cơ sở tuyên án.

Trao đổi bên lề phiên tòa, một luật sư cho rằng, theo Đề án 24 thì đối tượng khởi kiện ở đây phải là đơn vị ra quyết định chứ không phải đơn vị được phép thí điểm là Grab và các doanh nghiệp được phép thí điểm.

 Cụ thể, Bộ GTVT ban hành Đề án 24/QĐ- GTVT cấp phép thí điểm loại hình vận tải trong 02 năm, và vừa được Bộ giao thông gia hạn tiếp tục kéo dài thêm thời gian thí điểm. Quyết định này căn cứ vào Văn bản số 1850/TTg - KTN của Thủ tướng Chính Phủ về việc triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hàng khách theo hợp đồng.

Mục tiêu của Quyết định 24/2016 là đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành GTVT trong tương lai, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải - Đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.

Theo đề án thì điểm này đang là văn bản cao nhất cho Grab được phép hoạt động tại Việt Nam. Đối với Grab được tham gia thí điểm phải có nghĩa vụ tuân thủ quy định tại điêu 2 mục 3 quyết định số 24/QĐ - BGTVT. Phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các địa phương thí điểm. Cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực GTVT, thuế, bảo đảm quyền lợi của hàng khách trong quá trình tham gia thí điểm. Ngoài ra đề án không hề nhắc tới QĐ pháp luật khác như Luật cạnh tranh... 

Baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

Vụ Vinasun kiện Grab: Tòa hoãn tuyên án, yêu cầu kiểm tra lại chứng thư giám định thiệt hại
Chiều nay 29/10/2018, theo lộ trình Tòa Kinh tế TP.HCM sẽ tuyên án vụ án đòi "bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa Công ty cổ phần Ánh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư