Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vụ xúc xích Vietfoods: Ai làm sai sẽ phải đền bù?
Thu Trang (HNMO) - 25/05/2016 06:37
 
Vụ việc lô xúc xích nhãn hiệu Vietfoods bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ vì trong sản phẩm nghi có chứa chất tạo màu gây ung thư, nhưng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã chính thức khẳng định chất đó trong ngưỡng an toàn, khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề?
Việc cơ quan chức năng công bố dư lượng chất cấm thiếu chính xác có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp.

Văn bản "mở"...

Như Báo Hànộimới đã đưa, cuối tháng 4-2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra lô hàng hơn 3.000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Vietfoods tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh. Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia, cả 4 mẫu xúc xích Vietfoods mà lực lượng quản lý thị trường gửi sang đều chứa chất Sodium Nitrate (E251) nghi gây ung thư với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Vietfoods.

Cục phó Cục ATTP Lê Văn Giang cho rằng, theo quy định thì chất Sodium Nitrate (E251) nằm trong danh mục cho phép, được sử dụng trong pho mát. Hiện các quốc gia trên thế giới như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, EU… cho phép hàm lượng Sodium Nitrate trong sản phẩm thịt, xúc xích lên tới 500mg/kg, trong khi hàm lượng này trong sản phẩm Vietfoods chỉ là 50-100mg/kg, thấp hơn rất nhiều. Vậy vì sao lực lượng quản lý thị trường lại bắt lô xúc xích Vietfoods?

Về vấn đề này, ông Lê Văn Giang lý giải, trong vụ việc này, phía quản lý thị trường đã không đọc kỹ các văn bản, quy định của pháp luật nên hiểu sai vấn đề. Khoản 2, Điều 8, Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế ban hành năm 2012 nêu rõ: Nếu như các chất phụ gia thực phẩm không có trong danh mục Việt Nam cho phép, nhưng được quốc tế cho sử dụng mà nước ta chưa kịp cập nhật thì Bộ Y tế sẽ xem xét. Đây là điều khoản "mở" để xử lý mọi tình huống cho những chất chưa nằm trong danh mục. Với vụ việc bắt giữ lô xúc xích này, đáng lẽ khi đối chiếu không có chất E251 trong danh mục cho phép, phía quản lý thị trường phải lập tức làm công văn gửi Bộ Y tế xem chất này nằm trong trạng thái nào để còn có phương án xử lý.

"Sự việc như thế này không phải lần đầu tiên xảy ra từ quản lý thị trường. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở rất nhiều nhưng cán bộ quản lý thị trường người thì hiểu, người thì chưa rõ. Việc xử lý vội vàng từ phía quản lý thị trường đối với doanh nghiệp là rất nguy hiểm. Dù cơ quan chức năng đã "thanh minh" cho doanh nghiệp, nhưng sau những sự vụ như thế, thương hiệu của nhà sản xuất có thể sẽ mất đi" - ông Lê Văn Giang nhấn mạnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kho hàng của cơ sở kinh doanh Vietfoods.

Không thể xử lý vội vàng

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang khẳng định, phía quản lý thị trường thu giữ hàng của Vietfoods là chưa bảo đảm công bằng. Mặt khác, việc xử lý vụ việc này đã có sự nhầm lẫn về đối tượng. Công ty Vietfoods đã làm theo đúng quy định của giấy xác nhận phù hợp quy định về ATTP do Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp. Vietfoods cũng đã thực hiện công khai, minh bạch các tiêu chuẩn đã công bố, trong đó có chất Sodium Nitrate (E251). "Giả sử trong trường hợp chất Sodium Nitrate (E251) là chất cấm và không phù hợp thì cũng không phải lỗi tại Vietfoods, mà do Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp xác nhận tiêu chuẩn. Như vậy, nếu có sai sót phải xem xét trách nhiệm của Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, chứ không phải xử phạt công ty. Việc xác định lỗi vi phạm ở đây không đúng đối tượng theo quy định" - ông Nguyễn Huy Quang khẳng định thêm.

Vậy ai sẽ là người phải bồi thường cho doanh nghiệp trong vụ việc này?, ông Lê Văn Giang cho rằng, ai làm sai thì phải đền bù. Ông Lê Văn Giang cũng đưa ra khuyến cáo đối với phía quản lý thị trường, đó là khi thu giữ hàng hóa thì nên niêm phong tại chỗ và để lại bảo quản tại kho của doanh nghiệp. Việc đưa sản phẩm về kho của quản lý thị trường có thể không bảo đảm đúng điều kiện bảo quản trên nhãn và ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa. Vụ việc này tuy bé nhưng đã bị "xé ra to", vì nếu khi thu giữ hàng, phía quản lý thị trường chỉ công bố đúng việc đó thì sẽ không dẫn đến những rắc rối trong thời gian qua. Thế nhưng, khi công bố chất Sodium Nitrate gây ung thư không đúng, thiếu căn cứ đã khiến sự việc bị thổi phồng, gây hoang mang trong dư luận và tổn thất cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cục ATTP sẽ xem xét và thông qua việc cập nhật chất Sodium Nitrate vào danh mục cho phép để tránh việc doanh nghiệp "vừa làm, vừa run". Hiện trên thị trường có khá nhiều các sản phẩm xúc xích đã được Cục ATTP hoặc Chi cục ATVSTP một số tỉnh cấp giấy phép sản xuất cho một số công ty, trong đó có chứa chất Sodium Nitrate (E251).

Từ sự việc xúc xích Vietfoods cho thấy, vấn đề thiệt hại của doanh nghiệp là khó có thể đo đếm được. Không những vậy, việc xử lý vội vàng, khi mới kiểm tra thu giữ sản phẩm đã công bố có chứa chất gây ung thư, không những khiến doanh nghiệp thiệt hại về mặt kinh tế, còn gây hoang mang cho người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt với thực phẩm "bẩn", thực phẩm không bảo đảm an toàn, thì việc xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và đúng pháp luật cũng vô cùng cần thiết. 
Cơ quan chức năng "cãi nhau", doanh nghiệp "chết"
(HNM) - Thông tin mới nhất từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội liên quan đến vụ xúc xích của Công ty Vietfoods cho biết, Chi cục đã gửi công văn tới Bộ Y tế, đề nghị sớm trả lời cụ thể về quy định sử dụng chất Sodium Nitrate trong sản phẩm thịt, để có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
 
Xúc xích Trung Quốc ồ ạt tuồn vào Việt Nam
Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai vừa liên tiếp bắt giữ hơn 200kg xúc xích có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam. Tình trạng xúc xích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư